Với chiếc iPhone đầu tiên được công bố từ cách đây hơn 15 năm, bạn có thể nghĩ phân khúc này đã không còn là động lực tăng trưởng cho Apple (AAPL) nữa. Và một số nhà đầu tư có thể ngạc nhiên khi phát hiện ra rằng, sau ngần ấy năm, công ty vẫn đang ghi nhận một tỷ lệ chuyển đổi mạnh mẽ từ các thiết bị điện thoại khác sang iPhone. Cổ phiếu Apple (AAPL) đã tăng mạnh trong tuần trước, được thúc đẩy bởi kết quả quý tài chính thứ ba (kết thúc vào tháng 6) tốt hơn kỳ vọng. Doanh thu và lợi nhuận của ông lớn Táo khuyết đều đánh bại những gì các nhà phân tích kỳ vọng.
Nội dung bài viết
1. Nhu cầu iPhone tăng mạnh
Khi được hỏi liệu môi trường kinh tế vĩ mô hiện tại có đang tác động tiêu cực đến nhu cầu đối với các sản phẩm của công ty hay không, CEO Apple Tim Cook đã trả lời rất lạc quan, lưu ý rằng “không có bằng chứng rõ ràng về tác động của kinh tế vĩ mô” đối với nhu cầu iPhone.
Cụ thể, doanh số bán iPhone của Apple trong quý 3 của tài khóa hiện tại (kết thúc vào ngày 25/6) đã tăng 3% lên 40,7 tỷ USD, trong khi Phố Wall đã chuẩn bị cho sự sụt giảm 3%. Ngược lại, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường công nghệ Canalys, doanh số của thị trường điện thoại thông minh toàn cầu nhìn chung đã giảm 9% trong quý vừa kết thúc. Doanh số bán iPad cũng đạt 7,2 tỷ USD trong cùng kỳ, cao hơn so với ước tính 6,9 tỷ USD của giới quan sát.
Đây được xem là tín hiệu tích cực sau khi một số hãng công nghệ lớn ghi nhận doanh thu giảm trong bối cảnh nhu cầu về thiết bị công nghệ sụt giảm do nhiều nước quay trở lại cuộc sống như trước đại dịch trong khi nhiều công ty đối mặt với chi phí lao động và vận hành tăng.
Nhưng CEO Apple Tim Cook đã lưu ý rằng mảng dịch vụ của họ đang bị ảnh hưởng tiêu cực bởi chi tiêu yếu hơn cho quảng cáo kỹ thuật số do kết quả của môi trường kinh tế vĩ mô. Ban lãnh đạo cũng cho biết phân khúc “thiết bị đeo, thiết bị gia đình và phụ kiện” của họ đã nhận thấy “một số tác động” từ môi trường kinh tế vĩ mô. Doanh số bán tại thị trường quan trọng là Trung Quốc cũng giảm 1% trong quý 3 của tài khóa hiện tại xuống 14,6 tỷ USD, do người tiêu dùng nước này phải trải qua các đợt phong tỏa phòng dịch COVID-19.
2. Cơ sở khách hàng trung thành của Apple
Ban lãnh đạo Apple luôn tin tưởng rằng, nếu họ có thể mang một mức độ hài lòng cao cho khách hàng, họ sẽ có thể xây dựng một cơ sở khách hàng trung thành. Mặc dù rõ ràng là nói dễ hơn làm, Apple thực sự đã có thể thực hiện chính xác điều này một cách nhất quán. Trong các cuộc gọi thu nhập của mình, Apple thường trích dẫn mức độ hài lòng ấn tượng của khách hàng đối với các thiết bị Táo Khuyết.
Đơn cử, trong cuộc gọi thu nhập quý tài chính thứ ba vừa rồi, CFO Apple Luca Maestri đã trích dẫn một khảo sát gần đây của 451 Research về người tiêu dùng Mỹ, cho thấy tỷ lệ hài lòng với iPhone đã đạt đến con số ấn tượng 98%. Mức độ hài lòng cực cao này, kết hợp với sự đổi mới liên tục của Apple trong phân khúc, đã dẫn đến tốc độ tăng trưởng hai con số trong số lượng khách hàng chuyển từ các dòng điện thoại khác sang iPhone. Nền tảng cơ sở khách hàng trung thành và tương đối giàu có đã giúp “Táo khuyết” vượt qua giai đoạn người tiêu dùng hạn chế chi tiêu tốt hơn so với các thương hiệu khác trong quá khứ.
3. Tiền mặt của Apple cung cấp cho công ty nhiều lựa chọn
Nhắc đến việc công ty có vị thế tiền mặt và chứng khoán khả dụng đến 179 tỷ USD vào cuối quý tài chính thứ ba, với vị thế tiền mặt ròng lên đến 60 tỷ USD, một nhà phân tích đã hỏi liệu Apple có đang xem xét bất kỳ thương vụ mua lại nào hay không.
Dựa trên phản ứng của Cook, công ty Nhà Táo có vẻ hài lòng với kho tiền mặt của mình vào thời điểm mà các thương vụ mua lại tiềm năng có thể thỏa thuận với mức giá thấp hơn. Trên thực tế, công ty thậm chí có thể tiến hành một thương vụ mua lại với quy mô lớn đáng kể – một động thái sẽ phá vỡ cách tiếp cận điển hình của Apple là chỉ mua các công ty nhỏ.
“[C]húng tôi sẽ mua thứ gì đó mang tính chiến lược cho chúng tôi”, Cook nói. “Cho đến nay, chúng tôi chỉ tập trung vào các hoạt động mua lại [tài sản trí tuệ] và con người nhỏ hơn. Nhưng tôi sẽ không loại trừ bất cứ điều gì cho tương lai, và chắc chắn là chúng tôi đang liên tục khảo sát thị trường.”
Vì vậy, mặc dù có những dấu hiệu kinh tế vĩ mô bất ổn trên toàn thế giới, dấu hiệu lớn duy nhất của những thách thức này trong kết quả hợp nhất của Apple là những khó khăn về ngoại hối và một số yếu kém trong quảng cáo.
4. Apple kỳ vọng tăng trưởng nhanh hơn
Mặc dù ban lãnh đạo Apple tiếp tục hạn chế cung cấp hướng dẫn hàng quý với những con số định lượng cụ thể do môi trường kinh tế vĩ mô không chắc chắn, họ cũng đã đưa ra một số bối cảnh định hướng cho nhà đầu tư.
“Nhìn chung, chúng tôi tin tăng trưởng doanh thu hàng năm của chúng tôi sẽ tăng tốc trong quý tháng 9 so với quý tháng 6”, CFO Apple Luca Maestri cho biết. Mặc dù trong quý tài chính thứ ba vừa rồi, tốc độ tăng trưởng chỉ ở mức khiêm tốn 2%, nhà đầu tư nên lưu ý ông lớn công nghệ đang phải chống lại một thách thức lớn về tiền tệ; hướng dẫn này đã tính đến tác động ngoại hối dự đoán ở mức 600 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái.
Có lẽ 4 lý do trên là những yếu tố đủ ý nghĩa để giúp nhà Táo Khuyết đạt được hiệu suất tốt ngay cả trong một môi trường hoạt động khó khăn.