Ông lớn hàng không vũ trụ Boeing (BA) đã báo lỗ 9/11 quý kể từ khi đại dịch COVID-19 bùng phát. Các chuyên gia phân tích từng hi vọng tình hình sẽ được cải thiện và công ty sẽ báo lãi trong quý 4 năm 2022. Tuy nhiên điều đó đã không xảy ra. Báo cáo thu nhập hồi tháng 1/2023 không đạt kỳ vọng khiến cổ phiếu sụt giảm nhẹ.

Trong báo cáo tài chính quý 4, Boeing báo cáo khoản lỗ khổng lồ 1,75 USD/cổ phiếu thay vì kiếm được 0,26 USD như các chuyên gia kỳ vọng. Mặc dù kết quả kinh doanh không như mong đợi nhưng Boeing đã tránh được một đợt bán tháo cổ phiếu khi mức sụt giảm chỉ khoảng 0,3% so với trước khi công bố báo cáo.
Nội dung bài viết
Năm 2022 là một năm chuyển tiếp đối với Boeing
Tăng trưởng doanh thu chỉ ở mức khiêm tốn 7% so với cùng kỳ năm ngoái (66,6 tỷ USD doanh thu cả năm). Tuy nhiên, cả biên lợi nhuận hoạt động (-5,3%) và lỗ (8,30 USD/cổ phiếu) đều tồi tệ hơn so với năm 2021.
Thu nhập tính theo các nguyên tắc kế toán được chấp nhận chung (GAAP) cho thấy quý 4 bị lỗ nhưng vẫn thấp hơn khoản lỗ trong quý 4/2021. Biên lợi nhuận hoạt động đã được cải thiện thành -1,8% và khoản lỗ trên một cổ phiếu giảm xuống còn 1,06 USD.
Trong quý 4, ông lớn hàng không đã tạo ra dòng tiền tự do dương 3,1 tỷ USD và mang lại cho công ty khoản lãi tiền mặt dương 2,3 tỷ USD trong năm. Với việc Boeing tạo ra dòng tiền dương trở lại, công ty sẽ không cần phải vay nợ mới để tài trợ cho các hoạt động và nhanh đạt tiến bộ trong việc thanh toán khoản nợ trị giá hàng chục tỷ đô la đã phải gánh để vượt qua đại dịch. Gánh nặng nợ dài hạn của Boeing hiện ở mức 50,5 tỷ USD, cao hơn nhiều so với chỉ 18,2 tỷ USD vào năm 2019, thời điểm trước đại dịch COVID-19.
Boeing đã nỗ lực cắt giảm các chi phí, với chi phí bán hàng, chi phí chung và quản lý giảm 11% so với mức trước đại dịch. Càng thanh toán nhiều khoản nợ bằng dòng tiền tự do, Boeing càng có thể nhanh chóng quay trở lại với lợi nhuận trên cơ sở GAAP.

Tương lai cho Boeing
Ngày 27/1, Boeing thông báo kế hoạch thuê 10.000 công nhân trong năm 2023 để đáp ứng nhu cầu phục hồi sau đại dịch COVID-19 và gia tăng năng lực sản xuất máy bay, nhưng sẽ cắt giảm một số công việc phụ trợ. Trong năm ngoái, Boeing đã thuê khoảng 14.000 lao động, nâng tổng cộng số nhân lực của công ty lên con số 156.000 người tính đến ngày 31/12/2022.
Hầu hết sự tăng trưởng việc làm sẽ diễn ra ở lĩnh vực cung cấp máy bay thương mại để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của các hãng hàng không trên thế giới. Boeing thừa nhận sẽ cắt giảm nhân sự trong một số khâu hỗ trợ nhằm sắp xếp các nguồn lực tốt hơn để giúp phát triển kỹ thuật và sản phẩm hiện tại.
Công ty cũng có kế hoạch tăng số lượng giao máy bay chở khách loại 737 MAX, từ 374 chiếc vào năm 2022 lên đến khoảng 450 chiếc trong năm nay, trong khi số lượng giao hàng của loại máy bay Boeing 787 dự kiến sẽ đạt khoảng 70-80 chiếc.
Theo S&P Global Market Intelligence, Boeing thực sự đang trên đà kiếm được khoản lợi nhuận đầu tiên sau đại dịch trong năm 2023 – 2,22 USD/cổ phiếu – ngay cả khi dòng tiền tự do tăng gần gấp đôi lên 4,3 tỷ USD. Khi tiền mặt tiếp tục tích lũy, nợ giảm dần, doanh thu tăng nhanh, Phố Wall ước tính lợi nhuận có thể tăng hơn gấp ba lên 7,88 USD/cổ phiếu ngay trong năm tới.
Định giá cổ phiếu Boeing hiện ở mức 26,8 lần thu nhập dự phóng, không rẻ nhưng cũng không đắt. Các nhà phân tích phố Wall lạc quan rằng lợi nhuận sẽ tăng hơn gấp đôi lên 16,50 USD/cổ phiếu vào năm 2027.
Boeing sẽ xem xét trả cổ tức trở lại?
Boeing đã từng trả đến 8 USD/cổ phiếu trước đại dịch COVID-19. Nếu công ty tiếp tục cải thiện thu nhập và ưu tiên giải quyết vấn đề nợ thì có thể khôi phục cổ tức. Với giá cổ phiếu hiện nay, mức chi trả đó sẽ tương đương với tỷ suất cổ tức gần 4%.
Tuy nhiên, công ty có thể sẽ phải dành toàn bộ dòng tiền tự do của mình để giảm nợ cho đến ít nhất là năm 2026 nhằm sửa chữa bảng cân đối kế toán. Vì vậy, các cổ đông của Boeing không nên kỳ vọng công ty sẽ sớm tiếp tục trả cổ tức hoặc mua lại cổ phiếu một cách có ý nghĩa.
Nếu Boeing có thể thành công trong việc sử dụng các quy trình thiết kế và sản xuất tiên tiến để giảm đáng kể chi phí chuyển đổi sang máy bay phản lực thế hệ tiếp theo thành công, cổ phiếu sẽ có thể đền đáp cho những cổ đông sẵn sàng nắm giữ cổ phiếu trong hơn một thập kỷ.
Chỉ cần công ty tiếp tục thực hiện các bước đi đúng đắn, cải thiện khả năng tạo tiền mặt và trả bớt nợ thì triển vọng Boeing trở lại thành một cổ phiếu chi trả cổ tức mạnh mẽ sẽ trở nên ngày càng sáng sủa.