S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất trong 110 ngày. Liệu Bitcoin có bắt đầu vạch ra con đường riêng của mình không?

Vào ngày 20 tháng 9, Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) đã đưa ra một thông điệp gây chấn động khắp thị trường tài chính: Lãi suất dự kiến sẽ duy trì ở mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ trong thời gian dài hơn so với kỳ vọng của hầu hết những người tham gia thị trường. Thông điệp được đưa ra trong bối cảnh lạm phát tại Hoa Kỳ đang ở mức 4,2%, cao hơn nhiều so với mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương, trong khi tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp kỷ lục.
Khi các nhà đầu tư đánh giá về thông điệp này, một câu hỏi đã được đặt ra: Liệu S&P 500 và Bitcoin (BTC) có tiếp tục duy trì trạng thái hoạt động kém hiệu quả trước chính sách tiền tệ thắt chặt hơn không?
Trên thị trường chứng khoán, thông điệp của FED đã khiến S&P 500 giảm xuống mức thấp nhất trong 110 ngày, báo hiệu sự bất an ngày càng tăng của các nhà đầu tư.

Đáng chú ý, lãi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức chưa từng thấy kể từ tháng 10 năm 2007. Diễn biến này phản ánh niềm tin của thị trường rằng lãi suất sẽ tiếp tục tăng hoặc ít nhất là lạm phát cuối cùng sẽ bắt kịp mức lãi suất 4,55% hiện tại. Trong cả hai trường hợp, việc FED duy trì lãi suất cao trong thời gian dài hơn đều khiến nhà đầu tư lo ngại.
Nội dung bài viết
Bitcoin không nhất thiết phải tuân theo thị trường truyền thống
Trong bối cảnh thị trường tài chính hỗn loạn, có một điều đáng chú ý là mối tương quan giữa S&P 500 và tiền điện tử, đặc biệt là Bitcoin, đã giảm xuống các mức rất thấp. Trong 5 tháng qua, mối tương quan trong 30 ngày giữa hai tài sản này không cho thấy xu hướng rõ ràng.

Sự phân kỳ như vậy cho thấy rằng Bitcoin đã dự đoán được sự điều chỉnh của thị trường chứng khoán hoặc các yếu tố tác động bên ngoài. Một lời giải thích hợp lý cho sự tách biệt này là sự cường điệu về khả năng phê duyệt quỹ ETF Bitcoin giao ngay và những lo ngại về quy định đã cản trở tiềm năng tăng trưởng của tiền điện tử. Trong khi đó, S&P 500 đã được hưởng lợi từ báo cáo thu nhập quý hai mạnh mẽ, mặc dù những con số đó phản ánh tình hình từ ba tháng trước.
Khi FED giữ vững quan điểm về việc duy trì lãi suất ở mức cao, thị trường tài chính đang bước vào một giai đoạn chưa từng có tiền lệ trong lịch sử. Trong khi một số người tin rằng, lập trường của ngân hàng trung ương là cần thiết để chống lại áp lực lạm phát, thì những người khác lại lo ngại, lãi suất ở mức cao có thể tạo thành gánh nặng cho các gia đình và doanh nghiệp.
Giá Bitcoin có thể được hưởng lợi
Dưới đây là một số yếu tố có thể dẫn đến việc tiền điện tử tách khỏi các thị trường truyền thống như S&P 500.
Thứ nhất, việc chính phủ gặp khó khăn trong phát hành nợ dài hạn sẽ phản ánh sự bất ổn về tài chính, làm gia tăng tâm lý lo ngại trên thị trường. Tình huống này sẽ khuyến khích các nhà đầu tư tìm kiếm các biện pháp phòng ngừa trước nguy cơ suy thoái kinh tế. Khi đó, các tài sản thay thế như vàng và Bitcoin có thể trở thành những lựa chọn hấp dẫn.
Thứ hai, ngay cả khi đồng đô la mạnh lên, nhưng lạm phát có thể buộc Kho bạc Hoa Kỳ tăng mức trần nợ, dẫn đến tiền tệ mất giá theo thời gian. Rủi ro này sẽ tác động tới thị trường, khi các nhà đầu tư tìm cách bảo vệ tài sản của họ bằng việc đổ tiền vào các tài sản ít nhạy cảm với lạm phát.
Thứ ba, thị trường nhà ở cũng đóng một vai trò quan trọng. Nếu thị trường nhà ở tiếp tục xấu đi, nó có thể tác động tiêu cực đến nền kinh tế nói chung và S&P 500. Mối liên kết giữa thị trường nhà ở với lĩnh vực ngân hàng và khả năng suy giảm tín dụng tiêu dùng có thể khiến nhà đầu tư đổ xô đến các tài sản khan hiếm và có khả năng phòng ngừa rủi ro.
Thứ tư là khả năng xảy ra bất ổn chính trị trên toàn cầu hoặc thậm chí trong cuộc bầu cử Hoa Kỳ vào năm 2024. Điều này có thể gây ra sự không chắc chắn và tác động đến thị trường tài chính. Ở một số quốc gia, nỗi lo ngại về vấn đề kiểm soát vốn ngày càng tăng, thúc đẩy các nhà đầu tư hướng tới tiền điện tử.
Cuối cùng, không giống như cổ phiếu và trái phiếu truyền thống, tiền điện tử không bị ràng buộc với thu nhập, tăng trưởng hoặc lợi suất của doanh nghiệp. Thay vào đó, thị trường tiền số bị ảnh hưởng bởi các yếu tố như những thay đổi về mặt quy định, khả năng phục hồi trước các cuộc tấn công và chính sách tiền tệ có thể dự đoán được. Do đó, Bitcoin có thể vượt trội hơn đáng kể so với S&P 500, ngay cả khi các kịch bản được thảo luận ở trên không xảy ra.