Cơ quan Thống kê Australia (ABS) công bố số liệu ngày 1/3 cho thấy tăng trưởng kinh tế của nước này đã chậm lại trong quý IV/2022, với mức tăng 0,5%, thấp hơn mức tăng 0,7% của quý trước đó và mức tăng trung bình hằng năm 2,7%. Đây là yếu tố khiến đồng đô la Australia suy yếu trong phiên giao dịch 1/3.
Nội dung bài viết
Kinh tế Australia tăng trưởng chậm lại

ABS cho biết tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Australia chủ yếu nhờ chi tiêu hộ gia đình tăng trong quý thứ 5 liên tiếp sau khi chính phủ nước này dỡ bỏ các biện pháp hạn chế liên quan đại dịch COVID-19, cùng với sự trở lại của sinh viên quốc tế và bùng nổ xuất khẩu hàng hóa. Tuy nhiên, số liệu cho thấy kinh tế Australia tăng trưởng thấp hơn dự báo của các nhà kinh tế, làm dấy lên lo ngại về nguy cơ suy thoái kinh tế.
Cũng theo ABS, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) – thước đo chính của lạm phát, đã giảm xuống 7,4% vào tháng 1 năm nay, từ mức 8,4% của tháng trước đó. Mức giảm này củng cố lo ngại của giới chức Australia rằng cuộc khủng hoảng đã lên đến đỉnh điểm.
Theo ABS, CPI tháng 1 thấp hơn mức 8,4% của tháng 12/2022 nhưng là mức cao thứ hai, trên cơ sở hằng năm, kể từ khi Australia bắt đầu đo lường CPI hằng tháng vào tháng 9/2018. Điều này cho thấy lạm phát đang tăng cao.
Theo Bộ trưởng Tài chính Jim Chalmers, dữ liệu của ABS cho thấy nền kinh tế Australia tăng trưởng với tốc độ vừa phải như dự báo, với những thách thức gia tăng trong năm nay. Ông Chalmers cho rằng đây là tác động không thể tránh khỏi của tình trạng suy giảm kinh tế thế giới, lạm phát cao, lãi suất tăng và khủng hoảng năng lượng toàn cầu. Ông cam kết giải quyết lạm phát bằng cách cắt giảm sức ép chi phí sinh hoạt đối với các hộ gia đình, cải thiện chuỗi cung ứng, từ đó xây dựng khả năng phục hồi của nền kinh tế để chống lại các cú sốc trong tương lai.
Phân tích kỹ thuật

Với tỷ lệ lạm phát thấp hơn và đà tăng trưởng chậm hơn, điều đó đã khiến AUD suy yếu vì cả hai yếu tố này đều ám chỉ rằng Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) có khả năng tăng lãi suất chậm hơn (thậm chí là tạm dừng tăng lãi suất).
Nhưng sau đó, Trung Quốc lại công bố số liệu hoạt động nhà máy ở khu vực tư nhân và khu vực công tốt hơn mong đợi. Điều đó đã giúp xoay chuyển tình thế cho đồng AUD và các tài sản rủi ro khác. Kết quả tăng vọt đáng chú ý về sản lượng và đơn đặt hàng mới cho thấy nhu cầu toàn cầu đang gia tăng sau dịch COVID và thúc đẩy dòng vốn đầu tư rủi ro ngay phiên đầu tháng.
Sau khi test lại đáy ngày thứ Hai, đồng AUD đã quay đầu tăng mạnh và nhảy vọt lên mức đỉnh mới trong tuần. Tuy nhiên, AUD/NZD không thể hiện được nhịp tăng này vì giới trader cũng đã mua vào đồng NZD, vốn cũng mang tố chất đặc trưng của một loại tài sản rủi ro.