Nội dung bài viết
Chênh lệch giá mua – bán là gì?
Chênh lệch giá mua – bán (bid – ask spread) là số tiền lớn hơn của giá chào bán so với giá chào mua một loại tài sản trên thị trường. Về cơ bản, đây là mức chênh lệch giữa giá cao nhất người mua sẵn sàng trả để có được một tài sản với mức giá thấp nhất mà người bán có thể chấp nhận.
Một người đang muốn bán sẽ nhận được theo giá chào mua (bid price), trong khi một người muốn mua sẽ trả theo giá chào bán (ask price).
Hiểu về chênh lệch giá mua – bán
Giá của một chứng khoán thể hiện quan điểm của thị trường về giá trị của chứng khoán đó tại một thời điểm, và là độc nhất. Để hiểu tại sao lại có “giá chào mua” và “giá chào bán”, người ta phải tính đến hai yếu tố chính trong bất kỳ giao dịch thị trường nào là người chấp nhận giá (trader) và nhà tạo lập thị trường (bên đối tác).
Những nhà tạo lập thị trường, trong đó nhiều người có thể được các công ty môi giới thuê, chào bán chứng khoán với một mức giá nhất định (giá chào bán) và cũng đặt mua chứng khoán tại một mức giá nhất định (giá chào mua). Nhà đầu tư khi tham gia giao dịch sẽ chấp nhận 1 trong 2 mức giá này, tùy thuộc vào việc họ muốn mua chứng khoán (chấp nhận giá chào bán) hay bán chứng khoán (chấp nhận giá chào mua).
Giá trị chênh lệch giữa hai mức giá nêu trên chính là chi phí chính của giao dịch (ngoài phí hoa hồng), và nhà tạo lập thị trường nhận được nó thông qua dòng lưu chuyển tiền tự nhiên khi xử lý các lệnh mua bán thành công. Đây là điều mà các công ty môi giới tài chính nói đến khi họ tuyên bố doanh thu của mình đến từ việc các trader “chấp nhận mức chênh lệch”.
Chênh lệch giá mua – bán có thể được coi là thước đo cung cầu của một loại tài sản cụ thể. Vì giá chào mua có thể coi là đại diện cho nhu cầu và giá chào bán đại diện cho mức cung đối với một tài sản, khi hai mức giá này cách nhau càng xa thì hành vi giá sẽ phản ánh sự thay đổi về cung và cầu.
Mức độ của “giá chào mua” và “giá đặt bán” có thể tác động đáng kể đến chênh lệch giá mua – bán. Chênh lệch có thể lớn hơn đáng kể nếu có ít người tham gia đặt lệnh giới hạn mua chứng khoán (do đó hình thành ít giá chào mua hơn) hoặc nếu có ít người bán đặt lệnh giới hạn bán. Bởi vậy, rất cần lưu ý đến chênh lệch giá mua – bán khi đặt lệnh giới hạn mua để đảm bảo khớp lệnh thành công.
Các nhà tạo lập thị trường và trader chuyên nghiệp nhận ra rủi ro sắp tới trên thị trường cũng có thể tăng mức chênh lệch giữa giá chào mua tốt nhất và giá chào bán tốt nhất mà họ sẵn sàng đưa ra tại một thời điểm nhất định. Nếu mọi nhà tạo lập thị trường thực hiện điều này với cùng 1 loại chứng khoán, mức chênh lệch giá mua – bán tham chiếu sẽ lớn hơn bình thường. Một số trader hay giao dịch hoặc nhà tạo lập thị trường cố kiếm tiền bằng cách khai thác những thay đổi trong chênh lệch giá mua – bán.
Mối quan hệ giữa Chênh lệch giá mua – bán và Tính thanh khoản
Chênh lệch giá mua – bán của mỗi loại tài sản lại khác nhau, chủ yếu do sự khác biệt về tính thanh khoản. Đây là thước đo thực tế về tính thanh khoản trên thị trường. Một số thị trường có tính thanh khoản tốt hơn các thị trường khác, và điều đó sẽ được phản ánh trong mức chênh lệch giá thấp hơn. Về cơ bản, người khởi xướng giao dịch (người chấp nhận giá) đòi hỏi tính thanh khoản trong khi bên đối tác (nhà tạo lập thị trường) cung cấp thanh khoản.
Ví dụ: tiền tệ được coi là tài sản có tính thanh khoản cao nhất trên thế giới, và mức chênh lệch giá mua – bán trên thị trường tiền tệ là thấp nhất (một phần vạn); nói cách khác, mức chênh lệch có thể được đo bằng chỉ một phần của đồng penny. Mặt khác, các tài sản ít thanh khoản hơn, chẳng hạn như cổ phiếu vốn hóa nhỏ, có thể có mức chênh lệch tương đương từ 1% đến 2% giá chào bán thấp nhất của tài sản.
Chênh lệch giá mua – bán cũng phản ánh rủi ro mà nhà tạo lập thị trường nhận thức được khi đề xuất một giao dịch. Ví dụ: các hợp đồng quyền chọn hay hợp đồng tương lai có thể có tỷ lệ phần trăm mức chênh lệch giá mua – bán trên giá cả lớn hơn nhiều so với giao dịch forex hoặc cổ phiếu. Độ lớn của spread không chỉ dựa trên tính thanh khoản mà còn dựa trên mức độ biến động mạnh của giá.
Ví dụ về Chênh lệch giá mua – bán
Nếu một cổ phiếu có giá chào mua là 19 USD và giá chào bán là 20 USD, thì chênh lệch giá mua – bán là 1 USD. Chênh lệch giá mua – bán cũng có thể được thể hiện dưới dạng tỷ lệ phần trăm; thường là tính theo tỷ lệ trên giá chào bán thấp nhất.
Đối với cổ phiếu trong ví dụ trên, chênh lệch giá mua – bán theo tỷ lệ phần trăm sẽ được tính bằng 1 USD chia cho 20 USD (chênh lệch giá mua – bán chia cho giá chào bán thấp nhất) và ra kết quả là 5%. Chênh lệch này sẽ hẹp lại nếu có người mua sẵn sàng mua cổ phiếu với giá cao hơn hoặc nếu có người bán đề nghị bán cổ phiếu với giá thấp hơn.
Một số yếu tố trong Chênh lệch giá mua – bán
Một yếu tố quan trọng đối với Chênh lệch giá mua – bán của bất kỳ chứng khoán nào là thị trường có tính thanh khoản cao nhằm đảm bảo có thể thoát ra ở mức giá lý tưởng để chốt lời. Ngoài ra, cần có sự giằng co giữa cung và cầu của chứng khoán đó nhằm tạo ra sự chênh lệch giá.
Các trader nên sử dụng lệnh giới hạn hơn là lệnh thị trường; tức là trader nên quyết định cụ thể mức giá vào lệnh để không bỏ lỡ cơ hội chênh lệch giá. Chênh lệch giá mua – bán tạo ra 1 loại chi phí, vì hai giao dịch đang được xử lý đồng thời.
Hơn nữa, giao dịch chênh lệch giá mua – bán có thể được thực hiện với hầu hết mọi loại công cụ tài chính, phổ biến nhất là forex và hàng hóa.
Chênh lệch giá mua – bán
Trên thị trường tài chính, chênh lệch giá mua – bán là phần khác biệt giữa giá chào bán và giá chào mua của một chứng khoán, là chênh lệch giữa giá cao nhất mà người bán sẽ đưa ra và giá thấp nhất mà người mua sẽ trả. Thông thường, một chứng khoán có chênh lệch giá mua – bán hẹp sẽ có nhu cầu cao. Ngược lại, một chứng khoán có mức chênh lệch giá mua – bán lớn có thể cho thấy lượng cầu thấp, do đó tạo ra sự chênh lệch giá lớn hơn.
Nguyên nhân khiến Chênh lệch giá mua- bán cao
Chênh lệch giá mua – bán, còn được gọi là chênh lệch giá, có thể khá cao do ảnh hưởng của một số yếu tố. Trong đó, thanh khoản đóng vai trò chính. Khi có lượng thanh khoản đáng kể trên thị trường nhất định nào đó, mức chênh lệch sẽ thấp hơn. Các cổ phiếu được giao dịch nhiều, chẳng hạn như Google, Apple và Microsoft sẽ có mức chênh lệch giá mua – bán hẹp.
Ngược lại, chênh lệch giá mua – bán sẽ cao đối với những chứng khoán ít được biến đến hoặc không được giao dịch phổ biến vào một ngày cụ thể nào đó. Chúng có thể là các cổ phiếu vốn hóa nhỏ, thường có khối lượng giao dịch và nhu cầu của các nhà đầu tư thấp hơn.
Ví dụ về Chênh lệch giá mua – bán trong cổ phiếu
Xét ví dụ một trader đang tìm cách mua 100 cổ phiếu của Apple với giá 50 USD. Trader thấy rằng 100 cổ phiếu đang được chào bán với giá 50,05 USD trên thị trường. Ở đây, mức chênh lệch giá sẽ là 50,00 USD – 50,05 USD, hay là 0,05 USD. Mặc dù mức chênh lệch này có vẻ nhỏ và không đáng kể, nhưng nếu trong giao dịch lớn, nó có thể tạo ra sự khác biệt khá nhiều, đó là lý do tại sao mức chênh lệch hẹp thường tốt hơn. Trong trường hợp này, tổng giá trị của chênh lệch giá mua – bán sẽ bằng 100 cổ phiếu x 0,05 USD và bằng 5 USD.