Đồng USD đã giảm vào phiên giao dịch vừa qua, sau động thái cắt giảm sản lượng dầu bất ngờ từ Tổ chức các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh OPEC+, trong bối cảnh nền kinh tế Mỹ tiếp tục chậm lại với sự sụt giảm trong chi tiêu sản xuất và xây dựng. Giới đầu tư đang dồn sự chú ý vào khả năng FED xoay trục chính sách hơn là nguy cơ suy thoái kinh tế.

Trên thị trường Mỹ, chỉ số US Dollar Index (DXY) đo lường biến động đồng bạc xanh với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF) giảm 0,46%, xuống mốc 102,05. Đây là ngày giảm mạnh nhất của chỉ số kể từ hôm 22/3, và tiếp tục kéo dài chuỗi sụt giảm kể từ khi đạt mức đỉnh gần nhất hồi đầu tháng 3.
Nội dung bài viết
Bối cảnh cơ bản
Ngày 2/4 vừa qua, một loạt các nước thành viên của Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các quốc gia đối tác, thường được gọi là OPEC+, ra tuyên bố tự nguyện cắt giảm sản lượng để phòng ngừa những bất ổn trên thị trường thế giới. Quyết định này đã đẩy giá dầu lên cao hơn với Dầu thô Brent giao dịch lần cuối ở mức 84,9 USD/thùng, tăng 5,7%.
Đồng bạc xanh ban đầu tăng sau thông báo này. Tuy nhiên, tác động của OPEC chỉ tồn tại trong thời gian ngắn khi các nhà đầu tư tập trung vào chính sách tiền tệ và sự khác biệt giữa Fed và các ngân hàng trung ương khác, đặc biệt là Ngân hàng Trung ương châu Âu.
Shaun Osborne, Giám đốc chiến lược ngoại hối tại Scotiabank ở Toronto (Canada) cho rằng: Chúng ta có thể sẽ chứng kiến đồng USD đạt đỉnh vào khoảng giữa năm nay. Điều đó được đưa ra dựa trên quan điểm rằng, lạm phát cao nhất sẽ đưa mức tăng lãi suất của Fed đạt đỉnh và điều đó có nghĩa là đồng bạc xanh cũng sẽ đạt đỉnh. Nhưng rất có thể điều đó sẽ xảy ra sớm hơn so với dự báo”.
Bên cạnh đó, dữ liệu mới công bố hôm 3-4 cho thấy hoạt động sản xuất của Mỹ trong tháng 3 đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm, do các đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm. Viện Quản lý Cung ứng (ISM) cho biết, Chỉ số PMI của Mỹ đã giảm từ mức 47,7 vào tháng 2, xuống 46,3 vào tháng 3, mức thấp nhất kể từ tháng 5-2020.
Ngoài ra, chỉ số Chi tiêu xây dựng của Mỹ cũng suy yếu, giảm 0,1% trong tháng 2 sau mức tăng 0,4% trong tháng 1. Đồng USD trượt dài sau một loạt các dữ liệu kinh tế vừa công bố.
Hôm 3/4, hợp đồng quỹ liên bang tương lai định giá 65% khả năng Fed sẽ tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản vào tháng 5. Các nhà giao dịch tương lai cũng đã tính đến việc tạm dừng tăng lãi suất vào tháng 6 và cắt giảm lãi suất vào tháng 12.
Phân tích Kỹ thuật chỉ số DXY

Chỉ số DXY tiếp tục ghi nhận xu hướng giảm sâu hơn nữa, do sự hình thành của mô hình Cờ giảm. Đường trung bình động đơn giản 100 ngày cũng tiếp tục báo hiệu xu hướng đi xuống. Điều này đồng nghĩa với việc đồng dollar Mỹ sẽ nhanh chóng tiếp cận những gì có thể là động lực quan trọng xung quanh vùng hỗ trợ 100,82 – 101,29. Việc phá vỡ qua khu vực này sẽ mở ra cơ hội kéo dài xu hướng giảm giá trong ngắn hạn.