Thị trường chứng khoán toàn cầu giảm vào hôm thứ Hai do tình hình căng thẳng vẫn còn nóng khi Nga tăng cường lực lượng quân sự ở biên giới Ukraina, trong khi đó các quan chức phương Tây vẫn còn lo ngại về khả năng xảy ra một cuộc chiến sắp tới ở Đông Âu.
Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 1,4%, trong khi các sàn chứng khoán ở châu Á đều khép lại phiên giao dịch trong ngày ở mức thấp hơn. Chỉ số Nikkei 225 của Tokyo giảm 0,8%.
Thị trường trái phiếu và chứng khoán Mỹ đóng cửa vào hôm thứ Hai để nghỉ lễ nhân Ngày Tổng thống, nhưng thị trường chứng khoán tương lai tại nước này vẫn tiếp tục giao dịch bình thường. Hợp đồng tương lai Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm 140 điểm, tương đương 0,4%. Chỉ số này vốn đã giảm 232 điểm vào hôm thứ Sáu, đóng cửa ở mức 34.079. Hợp đồng tương lai Chỉ số S&P 500 giảm 0,5% và hợp đồng tương lai chỉ số Nasdaq giảm 1%.
Giới đầu tư vẫn tiếp tục tập trung chú ý vào viễn cảnh Nga xâm lược Ukraina. Quân đội Nga đã hội tụ đông đảo tại biên giới đất nước này trong những tuần gần đây khi Mát-xcơ-va phản đối việc Ukraina trở thành thành viên của NATO, tức là liên minh phòng thủ phương Tây.
“Giữa bối cảnh tràn ngập tâm lý lo sợ trên thị trường vào cuối tuần trước, tình hình gia tăng căng thẳng chỉ càng tạo thêm áp lực đè nén đối với thị trường, khi diễn biến bạo lực ở miền đông Ukraina tăng cao,” nhà phân tích Michael Hewson của sàn môi giới CMC Markets nhận định.
Tâm lý giới đầu tư phần lớn đang được thúc đẩy bởi các tin tức thời sự. Vào hôm Chủ nhật, các quan chức Mỹ cho biết họ tin rằng Nga vốn đã quyết định xâm lược Ukraina, do đó khiến thị trường hợp đồng tương lai giảm xuống thấp hơn. Bản thông báo về kế hoạch tổ chức cuộc họp thượng đỉnh “về mặt nguyên tắc” giữa Tổng thống Mỹ Joe Biden và nhà lãnh đạo đồng cấp Nga Vladimir Putin để trao đổi và tìm kiếm một giải pháp ngoại giao chung đã mang lại một số tín hiệu lạc quan, qua đó tạo lực nâng đỡ cho thị trường hợp đồng tương lai của Mỹ vào đầu ngày thứ Hai. Thế nhưng thị trường không thể giữ được mức tăng đã đạt được sau khi một người phát ngôn của Điện Kremlin cho biết hiện còn “quá sớm” để bàn về các kế hoạch hội nghị thượng đỉnh cụ thể.
Nội dung bài viết
Diễn biến phụ thuộc theo tin tức
Tâm lý thị trường tiếp tục giảm sâu trước những dấu hiệu mới nhất về khả năng xảy ra chiến tranh ở Ukraina
Từ góc độ nhìn nhận của nhà đầu tư, một trong những tác động quan trọng nhất của cuộc khủng hoảng Ukraina là xu hướng ảnh hưởng của sự kiện này đến nguồn cung dầu. Nguồn cung dầu thô toàn cầu vốn đã eo hẹp và nhu cầu tiêu thụ cơ bản đang rất mạnh, bằng chứng là giá dầu đã dao động quanh mức cao nhất trong vòng bảy năm qua trước khi Nga gia tăng áp lực lên Ukraina.
Nga là một trong những nước sản xuất dầu lớn nhất thế giới, do đó, các lệnh trừng phạt hoặc bất kỳ lệnh hạn chế nào khác đối với nguồn cung của Nga vì lý do phát động chiến tranh đều có khả năng khiến giá cả của mặt hàng này tăng cao hơn nữa.
Diễn biến giá dầu vào hôm thứ Hai đã có nhiều biến động. Sau khi giảm từ khoảng 93 USD xuống 90 USD vào ngày Chủ nhật do giới đầu tư bớt lo ngại về nguy cơ nổ ra chiến tranh, hợp đồng tương lai của dầu thô trung cấp West Texas Intermediate đã phục hồi nhẹ, tăng 0,5% trong ngày lên mức 91,50 USD.
“Trong những ngày và tuần gần đây, giá dầu đã tăng cao hơn, khớp với dự đoán của giới phân tích về khả năng phát sinh tình trạng gián đoạn nguồn cung do cuộc xung đột ở Ukraina,” nhà phân tích Russ Mold tại công ty môi giới AJ Bell cho biết. “Đến nước này rồi, gần như chắc chắn giá dầu sẽ còn biến động hơn nữa.”
Song song với thị trường chứng khoán, Bitcoin và các loại tiền điện tử khác cũng đã hứng chịu tác động từ tâm lý e dè rủi ro của giới đầu tư trong cuộc khủng hoảng Ukraina.
Loại tài sản kỹ thuật số hàng đầu này đã tăng hơn 2% trong 24 giờ qua và giữ dưới mức 39.000 USD, theo dữ liệu từ CoinDesk. Bitcoin đã giảm xuống dưới mốc quan trọng ở ngưỡng 40.000 USD vào hôm thứ Sáu và chạm đáy thấp nhất vào cuối tuần ở khoảng 38.100 USD.
“Bitcoin là một loại tài sản bị ảnh hưởng theo cách không mong muốn khi bị liên lụy bởi làn sóng biến động vốn đang ảnh hưởng đến tất cả các kênh tài sản rủi ro do tình hình căng thẳng Nga-Ukraina,” nhà phân tích Edward Moya của sàn môi giới Oanda cho biết. “Chuyến tàu lượn siêu tốc của Bitcoin sẽ chưa kết thúc trong thời gian tới, nhưng tình hình có thể trở nên tồi tệ nếu Phố Wall phát sinh thêm một đợt bán tháo ồ ạt nữa trong trường hợp nhà đầu tư bắt đầu cho rằng cuộc xung đột quân sự có thể kéo dài”.
Dưới đây là ba cổ phiếu có nhịp chuyển động đáng chú ý nhất vào hôm thứ Hai:
Credit Suisse (CSGN.Switzerland) giảm 3,3% trong phiên giao dịch Zurich. Ngân hàng Thụy Sĩ này cho biết họ sẽ “bác bỏ mạnh mẽ” các cáo buộc về hành vi sai trái của mình sau khi các kênh truyền thông đồng loạt đưa tin về một vụ rò rỉ dữ liệu mà qua đó tiết lộ rằng nhà băng này đã quản lý tài khoản cho các khách hàng có liên quan đến tội phạm và tham nhũng. Cổ phiếu niêm yết tại Mỹ của Credit Suisse đã không giao dịch vào ngày thứ Hai do diễn ra kỳ nghỉ lễ nhân Ngày Tổng thống.
Cổ phiếu niêm yết tại Hồng Kông của các gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc như Alibaba (9988.H.K.) và Tencent (0700.H.K.) lần lượt giảm 3,9% và 5,2%. Vào ngày thứ Sáu tuần trước, cơ quan quản lý ngân hàng của Trung Quốc đã tiến hành đánh giá kỹ lưỡng các kế hoạch đầu tư liên quan đến metaverse, một không gian công nghệ mới nổi mà cả hai công ty này đều đang đẩy mạnh phát triển.