Đã khá lâu kể từ khi cổ phiếu Disney (DIS) là một lựa chọn mua khi giá cổ phiếu bắt đầu điều chỉnh. Gần đây DIS đã tăng lên mức cao nhất trong gần bốn tháng sau báo cáo thu nhập quý tài chính thứ ba của công ty. Doanh thu của ông vua giải trí Disney đã tăng 26% so với cùng kỳ năm ngoái lên 21,5 tỷ USD, đánh bại ước tính của các nhà phân tích với chênh lệch 490 triệu USD. Với những con số khả quan, và liệu sau khi tụt hậu so với chỉ số S&P 500 trong những năm gần đây thì các nhà đầu tư có nên cân nhắc mua vào?
Nội dung bài viết
Thách thức của cổ phiếu Disney
Disney đã phải vật lộn với ba thách thức trong vài năm qua. Đầu tiên, các mạng truyền hình cáp của họ đã mất người đăng ký trước những kẻ thách thức truyền phát trực tuyến như Netflix. Xu hướng bị khuynh đảo dài hạn đó đã buộc Disney phải chi hàng tỷ đô la để mở rộng hệ sinh thái truyền phát trực tuyến của riêng mình với Disney+, Hulu và ESPN+. Những khoản chi phí lớn đó đã khiến biên lợi nhuận hoạt động của công ty bị thu hẹp.
Thứ hai, đại dịch COVID-19 đã hạn chế hoạt động của các công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng, đồng thời làm gián đoạn việc phát hành phim chiếu rạp của công ty.
Cuối cùng, những thách thức kinh tế vĩ mô mới – bao gồm lạm phát và một cuộc suy thoái tiềm ẩn – cũng đang phủ mây đen lên sự phục hồi hậu phong tỏa của Disney.
Tuy nhiên, ở mức giá khoảng 120 USD/cổ phiếu, Disney đang giao dịch cao gấp 31 lần thu nhập sau điều chỉnh dự báo cho năm tới. Hệ số giá trên thu nhập đó có vẻ hơi cao, nhưng nó có thể giảm xuống khi tăng trưởng lợi nhuận của Disney ổn định trở lại. Trong tương quan với doanh thu, cổ phiếu vẫn có vẻ rẻ, chỉ bằng khoảng ba lần doanh thu ước tính cho năm tới.
Ổn định tăng trưởng doanh thu
Doanh thu của Disney đã giảm 6% xuống còn 65,4 tỷ USD trong năm tài chính 2020 (kết thúc vào tháng 10 dương lịch) do đại dịch làm gián đoạn các hoạt động kinh doanh cốt lõi của công ty. Thu nhập trên một cổ phiếu (EPS) sau điều chỉnh đã giảm 65% khi họ mở rộng hệ sinh thái truyền phát trực tuyến và phải chịu các chi phí cao hơn liên quan đến COVID.
Trong năm tài chính 2021, doanh thu của Disney chỉ tăng 3% lên 67,4 tỷ USD do sự phục hồi chậm chạp của các công viên giải trí và khu nghỉ dưỡng. EPS sau điều chỉnh đã tăng 13%.
Trong năm đó, công ty đã tạo ra 75% doanh thu từ phân khúc Truyền thông và Phân phối (DMED) – bao gồm bộ phận truyền hình cáp, truyền hình phát sóng, truyền phát trực tuyến và phim chiếu rạp. 25% còn lại đến từ phân khúc Công viên, Trải nghiệm và Sản phẩm (DPEP) – bao gồm các công viên, khu nghỉ dưỡng và du thuyền, cũng như cấp phép thương hiệu và kinh doanh hàng bán kèm.
Hoạt động kinh doanh DMED của Disney đã ổn định hơn trong năm nay khi nhiều người quay lại rạp phim hơn và nền tảng truyền phát trực tuyến được mở rộng. Dịch vụ hàng đầu của công ty, Disney+, đã ghi nhận số lượng người dùng đăng ký tăng 31% so với cùng kỳ năm ngoái lên 152 triệu. Với tốc độ này, Disney+ có thể vượt mặt Netflix về số lượng người dùng đăng ký vào cuối năm nay. Phân khúc DPEP cũng đã tăng trưởng nhanh chóng khi các chính sách phong tỏa ngừa COVID-19 được nới lỏng trên toàn thế giới.
Vì vậy, các nhà phân tích kỳ vọng doanh thu của Disney sẽ tăng 25% lên 84,7 tỷ USD trong cả năm tài chính hiện tại và tăng thêm 11% lên 94 tỷ USD trong năm tài chính 2023.
Biên lợi nhuận hoạt động tăng trở lại
Trong chín tháng đầu năm tài chính 2022, biên lợi nhuận hoạt động của Disney đã tăng 390 điểm cơ bản so với cùng kỳ năm ngoái lên 16,5%. Biên lợi nhuận hoạt động của DMED vẫn giảm từ 16,8% xuống 9,8% khi công ty tăng cường đầu tư cho truyền phát trực tuyến. Tuy nhiên, biên lợi nhuận hoạt động của DPEP đã tăng từ âm 1,5% lên dương 30% và dễ dàng bù đắp cho sụt giảm của DMED. Các nhà phân tích kỳ vọng biên lợi nhuận hoạt động của Disney sẽ tăng lên 14,9% trong cả năm tài chính hiện tại và sau đó tiếp tục mở rộng lên 16,8% trong năm tài chính 2023.
Với những số liệu khả quan trên, Disney nhiều khả năng vẫn là một cổ phiếu mang lại hiệu suất vượt trội trên thị trường nếu công ty có thể điều chỉnh tăng trưởng doanh thu và biên lợi nhuận ổn định.