Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch 17/11 giảm xuống mức thấp nhất kể từ đầu tháng 10, sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cảnh báo về khả năng dư thừa nguồn cung. Bên cạnh đó, ca mắc COVID-19 gia tăng ở châu Âu cũng phủ bóng liên triển vọng phục hồi của nhu cầu.
Khép phiên, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,7% xuống 81,05 USD/thùng, mức thấp nhất kể từ ngày 1/10. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3%, giao dịch ở mức 78,36 USD/thùng, mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 7/10.
Giá dầu cũng tiếp tục giảm xuống sau giờ giao dịch, khi Reuters cho biết Mỹ đang yêu cầu các nước tiêu thụ dầu lớn như Trung Quốc và Nhật Bản xem xét tới việc giải phóng kho dầu dự trữ để hạ nhiệt giá vàng đen.
Những người tham gia thị trường nhận định, các quỹ dường như đang trở nên cẩn trọng hơn với khả năng nguồn cung bắt đầu vượt quá nhu cầu. Sự sụt giảm mạnh các hợp đồng tương lai ngắn hạn cho thấy các quỹ đang bắt đầu đóng các vị thế mua.
“Nó báo hiệu sự dịch chuyển theo hướng cân bằng mà thị trường chưa thấy trong nhiều tháng qua,” Tony Headrick, chuyên gia phân tích thị trường năng lượng của CHS Hedging cho biết.
Thời gian qua, thị trường dầu toàn cầu đã tập trung vào sự gia tăng nhanh chóng trong nhu cầu, trong khi nguồn cung từ OPEC và các nước sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, lại tăng chậm, và các công ty dầu đá phiến lớn của Mỹ cũng không muốn đầu tư quá nhiều vào hoạt động khoan dầu.
Tuy nhiên, cả IEA và OPEC trong vài tuần gần đây lại cho rằng nguồn cung có thể sẽ gia tăng trong những tháng tới. OPEC+ đã giữ nguyên thỏa thuận tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày mỗi ngăn chặn sự xuất hiện của tình huống dư thừa nguồn cung trên thị trường.
Ngày 16/11, Tổng Thư ký OPEC Mohammad Barkindo cho biết tổ chức này đã nhận thấy những dấu hiệu cho thấy nguồn cung sẽ dư thừa từ tháng tới, và các nước thành viên OPEC cũng như OPEC+ sẽ phải rất thận trọng với việc này.
Nhiều quốc gia, bao gồm cả Mỹ, đã kêu gọi OPEC+ nhan chóng gia tăng sản lượng. Mỹ mới đây cũng cho biết biết đang xem xét việc giải phóng nguồn dự trữ dầu tại Kho Dự trữ Dầu mỏ Chiến lược Mỹ (SPR), nơi đang chưa hơn 600 triệu thùng dầu.
Trong hai tuần qua, Bộ Năng lượng Mỹ đã bán hơn 6 triệu thùng dầu – một phần của doanh số đã được phê duyệt trước đó.
Mỹ hiện có toàn quyền bán vài triệu thùng từ SPR nhờ sự chấp thuận của Quốc hội trước đó. Các nhà phân tích của J.P. Morgan cho biết Nhà Trắng có thể tăng tốc giải phóng dầu khỏi SPR thay vì tuyên bố tình trạng khẩn cấp. J.P. Morgan gọi đây là “lựa chọn dễ dàng nhất mà Nhà Trắng đang có trong tay ” để chống lại tình trạng giá nhiên liệu đang liên tục tăng mạnh.
IEA cũng đã dự đoán rằng nguồn cung dầu của Mỹ sẽ tăng nhanh hơn trong quý II/2022, và số giàn khoan của nước này cũng đang tăng lên, khi các công ty dầu tư nhân muốn tận dụng giá cao. IEA dự đoán sản lượng dầu của Mỹ sẽ chiếm khoảng 60% trong mức tăng trưởng nguồn cung ước tính 1,9 triệu thùng/ngày của các nước ngoài OPEC trong năm 2022.
Dữ liệu của chính phủ Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô của nước này đã giảm 2,1 triệu thùng trong tuần trước, ngược lại với kỳ vọng tăng 1,4 triệu thùng của các nhà phân tích. Tuy nhiên, ông Headrick lưu ý rằng lượng tồn kho khiêm tốn tại kho dự trữ Cushing, Oklahoma, là 213.000 thùng báo hiệu rằng đà giảm tồn kho có thể sắp kết thúc.
Trong khi đó, làn sóng lây nhiễm COVID-19 mới ở châu Âu đang khiến chính phủ nhiều nước phải tái áp đặt các biện pháp hạn chế, trong đó Áo đã ban hành lệnh phong tỏa đổi với những cá nhân chưa tiêm vaccine./.
Theo reuters