Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày 6/10 giảm gần 2%, do lượng dầu thô dự trữ của Mỹ bất ngờ tăng lên đã khiến nhiều người mua quyết định chốt lời sau những phiên tăng mạnh gần đây.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 1,8% xuống 81,08 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent Biển Bắc có thời điểm chạm mức cao nhất kể từ tháng 10/2018 là 83,47 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) chốt phiên giảm 1,9% xuống 77,43 USD/thùng.
Theo dữ liệu từ Bộ Năng lượng Mỹ, lượng dầu thô dự trữ của nước này đã tăng 2,3 triệu thùng trong tuần trước, trái ngược dự đoán giảm 418.000 thùng. Lượng xăng dự trữ cũng tăng, trong khi lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất chỉ giảm nhẹ.
“Chúng ta đang chứng kiến các hoạt động bán ra chốt lời khi giá dầu tăng đáng kể thời gian qua,” ông Gary Cunningham, giám đốc công ty tư vấn quản lý năng lượng Tradition Energy cho biết.
Giá dầu Brent đã tăng hơn 50% trong năm nay, làm gia tăng áp lực lạm phát, yếu tố có thể làm chậm sự phục hồi sau đại dịch COVID-19. Giá khí đốt tự nhiên đã tăng lên mức cao kỷ lục ở châu Âu và giá than từ các nhà xuất khẩu lớn cũng đạt mức cao nhất mọi thời đại.
Đợt tăng mạnh gần đây nhất của giá dầu diễn ra sau khi Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các quốc gia sản xuất dầu liên minh, hay còn gọi là OPEC+, hồi đầu tuần này đã từ chối việc gia tăng sản lượng khai thác ngoài kế hoạch ban đầu. Theo đó, OPEC+ quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng dần sản lượng, mà không đẩy nhanh đà tăng này, bất chấp sự hối thúc từ Mỹ và nhiều nước tiêu thụ nhiều dầu khác. Mối lo ngại về nguồn cung dầu bị thắt chặt trên toàn thế giới cũng là nguyên nhân đẩy giá dầu đi lên.
Giá dầu đảo chiều đi xuống vào cuối phiên này sau những phát biểu của Bộ trưởng Năng lượng Mỹ Jennifer Granholm với tờ Financial Times, trong đó quan chức này đề cập đến khả năng Mỹ có thể giải quyết tình trạng giá tăng mạnh bằng cách bán dầu từ kho dự trữ chiến lượng hoặc ngừng xuất khẩu dầu thô.
Cuối năm 2015, Mỹ đã chấm dứt lệnh cấm xuất khẩu dầu thô kéo dài 40 năm và hiện xuất khẩu hơn 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày. “Tôi không nghĩ rằng chúng ta đang ở thời điểm mà chúng ta muốn hạn chế xuất khẩu dầu thô hoặc khí đốt tự nhiên,” ông Cunningham cho hay.
Sản lượng khai thác của Mỹ đã tăng lên 11,3 triệu thùng/ngày khi các giàn khai thác tại Vịnh Mexico hoạt động trở lại sau thời gian tạm đóng cửa để tránh ảnh hưởng của cơn bão Ida hồi tháng 8. Con số này đã tiệm cận với mức khai thác trước khi đại dịch bùng phát nhưng vẫn thấp hơn ngưỡng kỷ lục 13 triệu thùng/ngày thiết lập hồi năm 2019.
Tuy nhiên, với việc các công ty đá phiến hạn chế khai thác để tập trung vào lợi nhuận của nhà đầu tư, sản lượng của Mỹ không thể bù đắp được mức cắt giảm của OPEC +.
Theo reuters