Khép lại phiên giao dịch đêm qua theo giờ Việt Nam, dầu giảm xuống dưới 85 USD / thùng, nhưng vẫn ở gần mức cao nhất trong ba năm. Thị trường vàng đen có nhiều biến động trước thông tin báo cáo nguồn cung hàng tuần của Mỹ dự kiến cho thấy tồn kho dầu thô tăng, và giới đầu tư đang chờ đợi cuộc họp OPEC + vào thứ Năm.
Các chuyên gia phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters nhận định dữ liệu tồn kho dầu thô hàng tuần của Mỹ tăng 1,6 triệu thùng. Nhóm công nghiệp, Viện Dầu mỏ Mỹ công bố báo cáo đầu tiên trong số hai báo cáo về nguồn cung của tuần này.
Cụ thể, dầu thô Brent giảm 21 xu, tương đương 0,3%, ở mức 84,5 USD / thùng vào lúc 23h59 phút giờ Việt Nam. Trong khi dầu thô WTI của Mỹ giảm 48 xu, tương đương 0,6%, xuống 83,57 USD. Trước đó, dầu WTI đã giảm hơn 1 USD / thùng. Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group ở Chicago, cho biết: “Sự không chắc chắn về những quyết định của OPEC đang kìm hãm thị trường. Tuy nhiên, đây vẫn là đà tăng mạnh hằng năm.”
Giá dầu Brent đã tăng hơn 60% vào năm 2021, chạm mức cao nhất trong ba năm là 86,7 USD vào tuần trước khi nhu cầu tiêu thụ nhiên liệu toàn cầu phục hồi và Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh do Nga dẫn đầu, (OPEC+) chưa đáp ứng với đà tăng này.
Các nước tiêu thụ nhiên liệu đã và đang gây áp lực buộc OPEC+ phải làm nhiều hơn nữa để hạ nhiệt thị trường. Nhưng tại cuộc họp hôm thứ Năm tuần trước, OPEC+ đã tuyên bố sẽ bám sát kế hoạch tăng dần sản lượng hàng tháng lên 400.000 thùng mỗi ngày.
Theo khảo sát của Reuters, giá dầu tăng trong phiên đầu tuần, cho thấy OPEC đã tăng sản lượng trong tháng 10, do một số nhà sản xuất dầu bị dừng hoạt động.
Anthony Headrick, nhà phân tích thị trường năng lượng tại công ty môi giới hàng hóa CHS Hedging ở St chia sẻ, “Chúng tôi dự đoán các giao dịch trên thị trường sẽ tương đối ổn định, do giới đầu tư chờ đợi thêm thông tin từ OPEC về kế hoạch sản xuất tháng 12.”
Hôm thứ hai, Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro tuyên bố việc đối phó với giá nhiên liệu tăng cao là ưu tiên hàng đầu của chính phủ và tư nhân hóa các công ty quốc doanh là lựa chọn “lý tưởng”.
Về phía Petrobras, họ sẽ duy trì chính sách giá nhiên liệu hiện tại và việc điều chỉnh giá được thực hiện phù hợp với nhu cầu kinh doanh và biến động của thị trường quốc tế.
Cuối tuần trước, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của G20 tăng cường sản xuất để đảm bảo sự phục hồi kinh tế toàn cầu. Đây là một phần của nỗ lực nhằm gây áp lực buộc OPEC và các đối tác tăng nguồn cung dầu.
Trong bối cảnh giá dầu tăng, tháng 10 vừa qua, các công ty năng lượng Mỹ đã bổ sung thêm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên trong tháng thứ 15 liên tiếp. Hiện lượng giàn khoan đã tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4 năm 2020.
Giá dầu tăng bất chấp việc Trung Quốc tuyên bố chính thức rằng họ đã giải phóng kho dự trữ xăng và dầu diesel để tăng nguồn cung thị trường và hỗ trợ bình ổn giá ở một số khu vực.
Exxon và Chevron cũng đang nỗ lực bổ sung các giàn khoan trong lưu vực đá phiến Permi sau khi năng suất bị giảm mạnh trong năm ngoái. Trong khi đó, Chevron cam kết bổ sung hai giàn khoan và hai đội hoàn thiện trong quý này.
Trong một động thái liên quan tới giá dầu tăng cao, điều này đã khuyến khích các nhà sản xuất khác trên thế giới gia tăng nguồn cung. Mới đây, Tập đoàn BP cho biết hãng sẽ tăng cường đầu tư vào hoạt động kinh doanh dầu khí đá phiến trên đất liền của Mỹ lên 1,5 tỷ USD vào năm 2022 từ mức 1 tỷ USD trong năm nay.