Ngày 6/5, EU đang cân nhắc một số thông tin sửa đổi trong lệnh cấm vận khi nhiều quốc gia cho biết không thể thích ứng ngay. Khép lại phiên giao dịch 6/5, giá dầu tăng phiên thứ ba liên tiếp sau khi nỗi lo về tăng trưởng kinh tế toàn cầu giảm bớt.
Dầu Brent giao sau tăng 88 xu, tương đương 0,8% lên 111,78 USD / thùng vào lúc 13h41 giờ Việt Nam, trong khi dầu thô WTI của Mỹ tăng 84 xu, tương đương 0,8% lên 109,10 USD / thùng.
Cả hai hợp đồng dầu Brent và WTI đang trên đà tăng tuần thứ hai liên tiếp, được hỗ trợ bởi đề xuất của EU về việc loại bỏ nguồn cung dầu thô của Nga trong sáu tháng và các sản phẩm tinh chế vào cuối năm 2022. Đề xuất này cũng sẽ cấm tất cả các dịch vụ bảo hiểm vận chuyển dầu của Nga. Kế hoạch này vẫn cần sự ủng hộ nhất trí từ 27 quốc gia trong khối.
Warren Patterson, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu hàng hóa của ING, cho biết: “Có những lo ngại về tăng trưởng toàn cầu và điều này có thể tác động tới nhu cầu dầu mỏ. Tuy nhiên, lệnh cấm của EU đối với dầu của Nga hiện đã bù đắp cho điều này, và do đó sẽ hạn chế đà giảm của giá dầu.”
Ngày 5/5, Ngân hàng Trung ương Anh cảnh báo hai đợt suy thoái và lạm phát trên 10% taị quốc gia này khi tăng lãi suất lên mức cao nhất kể từ năm 2009, tăng 1/4 điểm phần trăm lên 1%.
Trong khi đó, chứng khoán Phố Wall sụt giảm do các nhà đầu tư cắt giảm các khoản đầu tư rủi ro, và cho rằng FED có thể tăng lãi suất nhiều hơn trong năm nay để kiềm chế lạm phát.
Về nguồn cung, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ, Nga và các nhà sản xuất đồng minh, được gọi là OPEC+, đã nhất trí về mức tăng sản lượng dầu hàng tháng khiêm tốn đúng như dự kiến.
Bỏ qua lời kêu gọi tăng sản lượng từ các quốc gia phương Tây, OPEC+ đã đồng ý tăng sản lượng trong tháng 6 thêm 432.000 thùng / ngày, phù hợp với kế hoạch nới lỏng các hạn chế khi đại dịch tác động đến nhu cầu toàn cầu.
Tại Mỹ, nguồn cung nhiên liệu thắt chặt đang làm tăng thêm nhu cầu đối với dầu thô, điều này đã đẩy dầu Brent và WTI tăng lên sau những phiên giao dịch đầy biến động.
Các nhà phân tích của ANZ Research cho biết lượng dầu xuất khẩu kỷ lục từ Vùng Vịnh của Mỹ đang ăn sâu vào nguồn cung cho thị trường nội địa. Theo ANZ, ít nhất mỗi ngày có khoảng 2 triệu thùng xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay đã được chuyển ra từ các nhà máy lọc dầu ở Vùng Vịnh của Mỹ.
Các nhà giao dịch sẽ theo dõi chặt chẽ dữ liệu hàng tồn kho của Mỹ. Nhóm công nghiệp của Viện Dầu mỏ Mỹ sẽ báo cáo các kho dự trữ trong tuần kết thúc vào ngày 29 tháng 4 vào thứ Ba, theo sau là dữ liệu của chính phủ từ Cơ quan Thông tin Năng lượng vào thứ Tư.
Nội dung bài viết
Châu Âu nhập khẩu những gì?
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), Liên minh châu Âu đã nhập khẩu 2,2 triệu thùng / ngày (bpd) dầu thô và 1,2 triệu thùng / ngày sản phẩm dầu tinh luyện kể từ trước cuộc chiến ở Ukraine xảy ra.
Nếu lệnh cấm được thực thi thì chi phí đổ xăng sẽ đắt hơn rất nhiều. Châu Âu không chỉ nhập khẩu dầu thô từ Nga mà còn nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh chế, chẳng hạn như dầu diesel để làm nhiên liệu cho các phương tiện vận tải hành khách và khu công nghiệp.
Nhập khẩu dầu diesel từ các nước xa hơn Nga kéo theo việc chi phí vận chuyển hàng hóa tăng và do đó giá tại các trạm nạp sẽ cao hơn. Ví dụ, ở Đức, 74% lượng dầu diesel nhập khẩu trước chiến tranh đến từ Nga.
Châu Âu cân nhắc sửa đổi liên quan đến lệnh cấm dầu Nga
Cũng trong ngày 6 tháng 5, Ủy ban châu Âu EU đã đề xuất những thay đổi đối với kế hoạch cấm vận dầu mỏ của Nga để giành chiến thắng trước các quốc gia miễn cưỡng về đề xuất này.
Các nguồn tin cho biết, đề xuất được điều chỉnh mà các thành viên EU đang thảo luận tại một cuộc họp ngày 6/5 bao gồm việc cho phép Hungary, Slovakia và Cộng hòa Séc có thêm thời gian để thích ứng với lệnh cấm vận, đồng thời giúp nâng cấp cơ sở hạ tầng dầu mỏ tại ba quốc gia này.
Một nguồn thạo tin cho biết, cuộc họp cũng đề xuất về quá trình chuyển đổi ba tháng trước khi cấm hẳn các dịch vụ vận chuyển dầu từ Nga vào EU thay vì một tháng như ban đầu.
Theo điều chỉnh đang được đưa ra, Hungary và Slovakia sẽ có thể mua dầu của Nga từ các đường ống cung cấp hiện nay cho đến cuối năm 2024, trong khi Cộng hòa Séc có thể tiếp tục mua cho đến tháng 6 năm 2024, nếu không thể có được nguồn thay thế qua đường ống từ Nam Âu trước đó.
Theo đề xuất ban đầu, các nước EU sẽ phải ngừng mua dầu thô của Nga 6 tháng sau khi áp dụng biện pháp này và ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu tinh luyện từ Nga vào cuối năm nay. Hungary và Slovakia ban đầu gia hạn điều chỉnh đến cuối năm 2023.
Bulgaria cũng đã yêu cầu miễn trừ, nhưng không được nhượng bộ về thời hạn vì họ không đưa ra những lý lẽ thuyết phục. Ba quốc gia trên được cân nhắc do có các yếu tố khách quan ảnh hưởng.
Một quan chức EU cho biết, việc gia hạn thời hạn áp dụng lệnh cấm vận chuyển đối với các công ty vận chuyển dầu của Nga tại châu Âu cũng đã phần nào giải quyết quan ngại của Hy Lạp, Malta và Síp về tác động của lệnh cấm vận đối với hoạt động kinh doanh vận tải của họ.
Theo Reuters