Giá dầu thế giới giảm trong phiên 10/11 do đồng USD tăng mạnh sau khi Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết chính quyền của ông đang tìm cách giảm chi phí năng lượng trước sự leo thang của lạm phát.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc giảm 2,5% xuống 82,64 USD/thùng. Trong phiên, giá dầu Brent có thời điểm đã tăng lên đến 85,50 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ giảm 3,3% xuống còn 81,34 USD/thùng. Trước đó, giá dầu thô ngọt nhẹ có lúc tăng lên 84,97 USD/thùng, gần mức cao nhất trong bảy năm qua ghi nhận trong vài tuần gần đây.
Giá dầu giảm mạnh vào cuối phiên giao dịch, khi giới đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro như chứng khoán và hàng hóa, trước những đồn đoán rằng các ngân hàng trung ương sẽ thực hiện nhiều biện pháp để hạn chế đà tăng của giá cả.
Số liệu lạm phát tiêu dùng được công bố ngày 10/11 cho thấy lạm phát ở Mỹ đã lên đến mức 6,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là mức lạm phát cao nhất trong 30 năm và có thể khiến cả Nhà Trắng cũng như Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) phải hành động để ngăn chặn giá cả tăng cao. Điều này đã khiến đồng USD, thường diễn biến ngược chiều với giá dầu, tăng lên.
“Số liệu lạm phát mới được công bố đã tạo thêm áp lực với chính quyền Mỹ”, Phil Flynn, nhà phân tích cấp cao tại Price Futures Group, nói. “Thị trường đang ngày càng lo ngại về khả năng FED sẽ mạnh tay hơn trong việc tăng lãi suất, hành động sẽ thúc đẩy USD tăng giá”.
Vấn đề lạm phát đang nóng lên khi lực cản kinh tế bởi làn sóng COVID-19 hồi mùa hè giảm dần trong khi tình trạng tắc nghẽn nguồn cung vẫn đang tiếp diễn. Fed dự kiến sẽ cố gắng ngăn chặn đà tăng giá đang diễn ra, đặc biệt trong bối cảnh lạm phát đã kéo dài hơn so với dự đoán ban đầu.
Điều này đã kéo đồng USD tăng giá và do đó ảnh hưởng tiêu cực lên thị trường dầu, vì làm tăng chi phí cho các quốc gia khác khi dầu phần lớn được giao dịch bằng đồng bạc xanh.
Tổng thống Biden cho biết đã yêu cầu Hội đồng kinh tế quốc gia tìm phương án để giảm chi phí năng lượng và Ủy ban giao dịch liên bang hạn chế hành vi thao túng thị trường trong lĩnh vực năng lượng.
“Những bình luận trên đã khiến thị trường suy giảm”, Bob Yawger, giám đốc năng lượng tương lai tại Mizuho, New York khẳng định.
Trong một diễn biến có liên quan, tồn kho dầu thô tại Mỹ trong tuần kết thúc ngày 5/11 đã giảm 1 triệu thùng, thấp hơn dự báo tăng 2,1 triệu thùng, cơ quan thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết.
Nhiều nhà giao dịch dự đoán giá dầu sẽ tiếp tục tăng lên trong những tháng tới, nhưng cũng lưu ý rằng sự khởi sắc hiện tại có thể thúc đẩy sản lượng dầu đá phiến, từ đó lấn át tác động từ nhu cầu.
Thị trường gần đây đã khởi sắc đi lên nhờ kỳ vọng OPEC cùng đồng minh, tức OPEC+, sẽ giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng.
Theo ông Marco Dunand, giám đốc điều hành tại Mercuria Energy Trading, giá dầu tăng có thể khuyến khích ngành dầu đá phiến Mỹ bơm 1 triệu thùng/ngày ra thị trường toàn cầu.
Trước đó, OPEC+ đã bác lời kêu gọi tăng sản lượng từ Nhà Trắng. Sản lượng khai thác của Mỹ gần đây đạt khoảng 11,5 triệu thùng/ngày, tuy nhiên vẫn thấp hơn mức gần 13 triệu thùng/ngày tại thời điểm cuối năm 2019.
Nhà Trắng gần đây đã đề cập tới khả năng xả dầu từ kho dự trữ chiến lược để bình ổn giá, hành động vốn chỉ thường thấy trong tình huống khẩn cấp như bão lũ, thiên tai.
Theo reuters