Giá dầu thế giới nới rộng đà tăng trong phiên giao dịch ngày 5/1, dù Tổ chức các Nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh, hay còn gọi là OPEC+, đã quyết định duy trì mức tăng sản lượng trước đó cho tháng Hai, và lượng nhiên liệu dự trữ của Mỹ tăng mạnh do nhu cầu giảm khi số ca nhiễm COVID-19 gia tăng.
Khép lại phiên này, giá dầu Brent Biển Bắc tăng 1%, lên 80,80 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,1%, giao dịch quanh ngưỡng 77,85 USD/thùng.
Đà tăng của dầu chững lại vào cuối phiên, sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố biên bản cuộc họp tháng 12 cho thấy ngân hàng trung ương này có thể sẽ phải nâng lãi suất nhanh hơn dự đoán của thị trường. Giá dầu giảm theo xu hướng của các tài sản rủi ro khác như chứng khoán.
Một yếu tố khác ảnh hưởng tới giá dầu là dữ liệu tồn kho dầu tho của Mỹ. Lượng dầu thô dự trữ của Mỹ đã giảm 2,1 triệu thùng, một phần do các ưu đãi thuế để các nhà sản xuất giảm dự trữ trước cuối năm. Tuy nhiên, lượng xăng dự trữ của Mỹ lại tăng hơn 10 triệu thùng, và các sản phẩm chưng cất dự trữ cũng tăng 4,4 triệu thùng. Theo các nhà phân tích, nguyên nhân dẫn tới nhu cầu yếu trong tuần cuối cùng của năm 2021 là do người dân hủy các kế hoạch nghỉ lễ vì lo ngại sự lây lan của biến thể Omicron.
Mỹ đã báo cáo gần 1 triệu ca nhiễm COVID-19 mới vào đầu tuần, con số hàng ngày cao nhất so với bất kỳ quốc gia nào trên thế giới và gần gấp đôi so với mức đỉnh xác lập một tuần trước đó. Tổng sản lượng xăng, dầu và các sản phẩm chưng cất được cung cấp ra thị trường – một chỉ số đại diện cho nhu cầu – đã giảm mạnh, mặc dù 4 tuần qua đã ghi nhận nhu cầu mạnh hơn so với cùng kỳ hai năm trước trước khi đại dịch bùng phát.
“Nhu cầu sản phẩm, đặc biệt là xăng, đã giảm, cho thấy người dân đang thận trọng trong việc đi lại trong bối cảnh số ca mắc biến thể Omicron gia tăng,” Caroline Bain, nhà kinh tế hàng hóa cấp cao tại Capital Economics cho biết. “Những lo ngại này có thể sẽ tồn tại trong một vài tuần nữa.”
Hôm 4/1, OPEC+ đã nhất trí duy trì mức tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày đã áp dụng từ tháng 8/2021 trong tháng Hai. Tuy nhiên, OPEC+ có thể sẽ khó đạt được mục tiêu này, do nhiều nước thành viên như Nigeria, Angola và Libya gặp khó khăn trong việc gia tăng sản lượng. Theo các chuyên gia phân tích của ngân hàng Barclays, ngay cả khi OPEC+ đặt ra các mục tiêu cao hơn thì “nguồn cung gia tăng thực tế có thể sẽ nhỏ hơn nhiều, tương tự như nhu cầu bị ảnh hưởng bởi biến thể Omicron.”
Nội dung bài viết
Phân tích giá dầu
Giá dầu WTI đã liên tục đi lên trong phiên giao dịch ngày 5/1, sau khi đột phá lên trên ngưỡng 70 USD. Có vẻ như thị trường đang cố gắng loại bỏ cây nến đỏ đã hình thành từ cách đây 2 tuần và hướng tới mức 80 USD. Bất kỳ động thái nào cho thấy giá vượt lên khỏi ngưỡng 80 USD cũng sẽ tạo động lực để thị trường hướng lên mức tiếp theo là 85 USD.
Các đợt điều chỉnh giảm tại thời điểm này sẽ chứng kiến người mua nhảy vào khi giá tụt xuống dưới đường EMA 50 ngày, nằm ngay dưới mức 75 USD. Cuối cùng, đây là một thị trường mà tôi nghĩ vẫn tiếp tục chứng kiến áp lực tăng giá nhưng có lẽ theo một cách ồn ào.
Cùng đà tăng với dầu WTI, giá dầu Brent cũng mạnh mẽ vượt lên trên ngưỡng 81 USD và đang có dấu hiệu lấy lại sức mạnh hướng tới ngưỡng 85 USD, thậm chí cao hơn nữa. Các hợp đồng bán khống dầu thô dường như không có nhiều ảnh hưởng ở thời điểm này, ngoài việc nó là dấu hiệu cho thấy động lực đang trở lại. Động thái giá của dầu Brent dường như đang cho thấy có sự phá vỡ khỏi mô hình cờ tăng giá, vốn được sử dụng để đo lường cho việc di chuyển lên mức cao gần đây. Nhiều người mua vẫn sẵn sàng tham gia thị trường, nhất là khi đồng USD biến động, bởi hợp đồng dầu thô hiện đều được định giá bằng đồng USD.
Theo finance