Trong phiên giao dịch ngày 19 tháng 4, giá dầu ít biến động sau khi tăng 1% trong phiên trước đó. Libya hiện đang phải tạm dừng một số hoạt động xuất khẩu, trong khi đó, Trung Quốc chuẩn bị khởi động lại một số nhà máy sau gần 3 tuần đóng cửa do COVID 19.
Giá dầu Brent giao sau tăng 21 xu, tương đương 0,2%, lên 113,37 USD / thùng vào lúc 07h20 giờ Việt Nam, trong khi giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ giảm 2 xu xuống 108,19 USD / thùng.
Đà tăng của vàng đen bị hạn chế một phần do đồng đồng đô la đang ở mức cao nhất trong hai năm. Đồng đô la Mỹ mạnh hơn gây tổn hại cho những người mua dầu đang nắm giữ các loại tiền tệ khác.
Cả hai hợp đồng dầu đều tăng hơn 1% trong phiên trước sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 28 tháng 3 sau khi Libya tuyên bố họ không thể cung cấp dầu từ mỏ lớn nhất của mình và đóng cửa một mỏ khác do các cuộc biểu tình.
Nguồn cung mới nhất bị ảnh hưởng khi nhu cầu nhiên liệu ở Trung Quốc, nước nhập khẩu dầu lớn nhất thế giới, dự kiến sẽ tăng khi các nhà máy sản xuất tại Thượng Hải chuẩn bị mở cửa trở lại.
Tuy nhiên, những lo ngại về nhu cầu vẫn hiện hữu khi Trung Quốc tiếp tục áp đặt các biện pháp hạn chế cứng rắn để ngăn chặn sự bùng phát COVID.
Giám đốc điều hành của SPI Asset Management, Stephen Innes, cho biết: “Chúng tôi vẫn đang gặp khó khăn để cân bằng giữa thâm hụt nguồn cung toàn cầu và nhu cầu của Trung Quốc giảm”.
Trước kỳ nghỉ lễ Phục sinh, giá dầu Brent và dầu WTI đều ghi nhận mức tăng 2,5% trong phiên giao dịch ngày thứ Năm (14/4) khi có thông tin Liên minh châu Âu (EU) có thể thông qua lệnh cấm nhập khẩu dầu Nga
Tuần trước, chính phủ các nước EU cho biết khối này đang soạn thảo các đề xuất cấm nhập khẩu dầu thô của Nga, nhưng các nhà ngoại giao cho biết Đức không tích cực ủng hộ lệnh cấm vận ngay lập tức.
Những bình luận này được đưa ra trước khi căng thẳng Nga-Ukraine leo thang vào cuối tuần qua khi khi các binh sĩ Ukraina phản đối tối hậu thư của Nga là hạ vũ khí vào ngày 17/4 tại cảng Mariupol. Phía Moscow cho biết các lực lượng của họ đã gần như chiếm giữ hoàn toàn thành phố, không có dấu hiệu ngừng bắn.
Giữa tuần trước, Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) đã cảnh báo rằng từ tháng 5 trở đi, thế giới sẽ thiếu hụt khoảng 3 triệu thùng dầu Nga mỗi ngày do các lệnh trừng phạt hoặc người mua tự nguyện tránh xa hàng hóa của Nga.
Hãng thông tấn Interfax hôm thứ Sáu (15/4) đưa tin, sản lượng dầu của Nga tiếp tục sụt giảm, với mức giảm 7,5% trong nửa đầu tháng 4 so với thời điểm cuối tháng 3.
Kazuhiko Saito, nhà phân tích trưởng tại Fujitomi Securities Co Ltd., nhận định, “Thị trường dầu thô có thể sẽ tiếp tục xu hướng tăng trong tuần này khi nguồn cung bổ sung từ các nhà sản xuất dầu lớn bị hạn chế, chưa đủ để bù đắp sự suy giảm dòng chảy của Nga. Giá khí đốt tại Mỹ tăng vọt cũng là nguyên nhân dẫn đến đợt phục hồi gần đây, khi các nhà đầu tư tin rằng thị trường xăng dầu Mỹ sẽ thắt chặt hơn do nhu cầu xuất khẩu sang châu Âu ngày càng tăng.”
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, đã từ chối việc gia tăng sản lượng, bất chấp áp lực của các nước phương Tây.
Một báo cáo của OPEC vào tuần trước cho thấy sản lượng của OPEC trong tháng 3 chỉ tăng 57.000 thùng/ngày lên 28,56 triệu thùng/ngày, thấp hơn mức tăng 253.000 thùng/ngày mà OPEC được phép gia tăng theo thỏa thuận của OPEC+.
Tuy nhiên, dự báo sản lượng dầu của Mỹ đang được điều chỉnh tăng lên bất chấp những hạn chế về vấn đề người lao động và chuỗi cung ứng. Theo các chuyên gia trong ngành, việc giá dầu tăng cao đã thúc đẩy các nhà sản xuất đẩy mạnh hoạt động khoan và hoàn thiện giếng dầu hơn.
Trong một diễn biến có liên quan, hôm thứ Sáu, phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết nhiều nước đồng ý thanh toán bằng đồng rúp cho khí đốt Nga.
EU đã từ chối yêu cầu của Tổng thống Putin về việc thanh toán bằng đồng rúp, trong khi Nga không cắt ngay nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu sau ngày 1/4, một phần vì phụ thuộc vào nguồn thu từ khí đốt và một phần vì các khoản thanh toán khí đốt được giao sau ngày 1/4 sẽ không đến hạn cho đến cuối tháng này hoặc đầu tháng 5.