Trong phiên giao dịch sáng ngày 22 tháng 11, giá dầu thô của Mỹ giảm, kéo theo tổn thất lớn cho thị trường. Mới đây, Nhật Bản cũng đang cân nhắc khả năng giải phóng dự trữ dầu để bình ổn giá nhiên liệu.
Bên cạnh đó, việc số ca nhiễm mới COVID 19 tại châu Âu gia tăng cũng tạo áp lực lên thị trường vàng đen.
Cụ thể, vào lúc 00h23 giờ Việt Nam, giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 65 xu, tương đương 0,9%, ở mức 75,25 USD / thùng, sau khi trượt xuống mức 74,76 USD, mức thấp nhất kể từ ngày 1 tháng 10.
Tuần trước, giá dầu WTI và dầu Brent giảm khoảng 3% vào thứ Sáu.
Thứ bảy tuần trước, Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết, Nhật Bản sẵn sàng giải phóng dầu trong kho dự trữ, nhằm chống lại giá dầu tăng vọt sau khi Mỹ cũng đưa ra yêu cầu này.
Tuy nhiên, luật pháp Nhật Bản chỉ cho phép khai thác các nguồn dự trữ nếu gặp hạn chế về nguồn cung hoặc thiên tai, khẩn cấp.
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida cho biết “Chúng tôi đang tiến hành xem xét những gì chúng tôi có thể làm và phù hợp với pháp luật trên cơ sở Nhật Bản sẽ phối hợp với Mỹ và các quốc gia khác có liên quan.”
Kyodo cho biết đây sẽ là lần đầu tiên Nhật Bản lựa chọn giải pháp xả kho để hạ giá. Trước đây Tokyo đã từng sử dụng dự trữ dầu trong các trường hợp khẩn cấp như thiên tai và rủi ro địa chính trị bên ngoài.
Mỹ cũng lần đầu tiên yêu cầu Trung Quốc cân nhắc giải pháp này.
Một chuyên gia nhận định rằng, Nhật Bản đã phản ứng tích cực với cách tiếp cận của Mỹ trong việc giải phóng dự trữ và ưu tiên phối hợp nên có một bước đi như vậy.
Mỹ có kho dự trữ chiến lược lớn nhất với hơn 600 triệu thùng. SPR của Mỹ được thành lập vào những năm 1970 sau cuộc Cấm vận Dầu mỏ của Ả Rập để đảm bảo nguồn cung của quốc gia trong các trường hợp khẩn cấp.
Trong vài năm gần đây, sự bùng nổ về đá phiến đã đẩy sản lượng của Mỹ lên ngang hàng với Ả Rập Xê Út và Nga. Điều đó đã giúp Mỹ bớt phụ thuộc hơn vào nhập khẩu năng lượng từ các quốc gia khác, đặc biệt là các thành viên của OPEC.
Dự kiến, trong ngày 2 tháng 12 tới, OPEC+ sẽ nhóm họp để đánh giá và thảo luận thêm về nguồn cung. Nhóm đã lựa chọn cách tiếp cận chậm hơn trong việc thúc đẩy sản lượng, và cho rằng đà phục hồi kinh tế vẫn còn quá mong manh để có thể tạo thêm nguồn cung.
Đối với nhu cầu nhiên liệu, ngày càng có nhiều lo ngại rằng các biện pháp hạn chế, phong tỏa COVID-19 được gia hạn có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng nhu cầu.
Đức gần đây cũng đưa ra cảnh báo rằng có thể sẽ phải chuyển sang chế độ “đóng cửa hoàn toàn”, giống như quyết định của Áo. Đây là nỗ lực giải quyết nguy cơ lây lan của biến chủng mới đang gia tăng.
Craig Erlam, nhà phân tích thị trường tại OANDA lưu ý:
“Thị trường dầu về cơ bản vẫn được đánh giá tốt nhưng việc một số nước phải đóng cửa hiện là một rủi ro tiềm tàng … nếu các quốc gia khác cũng làm theo Áo.”
Bên cạnh đó, trong tuần vừa qua, một số Chính phủ của các nước lớn trên thế giới đang xem xét việc giải phóng dầu từ kho dự trữ dầu chiến lược (SPR) theo yêu cầu của Mỹ. Đây là một động thái phối hợp để hạ nhiệt giá cả leo thang.