Giá dầu thế giới chứng kiến một phiên giao dịch nhiều biến động trong ngày thứ Tư (9/12) sau khi tăng vào phiên trước, khi các nhà đầu tư không còn quá lo lắng tới việc biến thể Omicron sẽ tác động tới nhu cầu nhiên liệu toàn cầu cũng như hiệu qủa của các loại vaccine hiện tại với biến thể này.
Khép lại phiên này, giá dầu thô tăng nhẹ. Thị trường duy trì tâm lý lạc quan vì giới đầu tư không còn lo ngại biến thể Omicron sẽ làm chậm tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 0,5%, lên 75,82 USD/thùng. Giá dầu thô WTI của Mỹ tăng 0,4% lên 72,36 USD/thùng.
Giá dầu Brent phục hồi khoảng 10% kể từ ngày 1/12 với kỳ vọng biến thể Omicron sẽ chỉ có tác động hạn chế đến nhu cầu dầu mỏ. Từ ngày 25/11, giá dầu Brent đã giảm 16%.
Các nghiên cứu ban đầu cho thấy hai mũi tiêm của Pfizer-BioNTech có thể chỉ có một phần hiệu quả trong việc chống lại biến thể Omicron, nhưng liều thứ ba có thể cải thiện khả năng bảo vệ đó.
“Một số lo ngại về nhu cầu dầu liên quan đến biến thể Omicron có thể là quá bi quan,” Giovanni Staunovo, nhà phân tích hàng hóa tại UBS, cho biết. “Do đó với một số thông tin tức tích cực liên quan đến biến thể được công bố trong những ngày gần đây, giá dầu đã phục hồi.”
Thị trường không có phản ứng mạnh mẽ khi số liệu tồn kho hàng tuần của Mỹ được công bố. Cụ thể, dự trữ dầu thô đã giảm 240.000 thùng, trong khi dự trữ xăng và sản phẩm chưng cất tăng do các nhà máy lọc dầu tăng sản lượng. Tuy nhiên, sản lượng được cung cấp bởi các nhà máy lọc dầu, một chỉ tiêu đại diện cho nhu cầu, đạt 20,9 triệu thùng/ngày trong 4 tuần qua, vượt quá tỷ lệ sử dụng của người tiêu dùng trước đại dịch.
Thị trường kỳ vọng rằng nguồn cung sẽ vượt cầu vào đầu năm 2022, do sản lượng của Mỹ tăng lên và nguồn cung liên tục được bổ sung từ Trung Đông.
Trong khi đó, sau cuộc họp chính sách hôm 2/12, Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ và các đồng minh, gồm cả Nga, còn được gọi là OPEC+, đã chọn duy trì chính sách tăng nguồn cung thêm 400.000 thùng/ngày mỗi tháng, mặc dù lo ngại rằng biến thể mới sẽ làm suy yếu nhu cầu.
Trước đó, các nguồn tin cho biết OPEC+ đã cân nhắc một loạt các phương án trong các cuộc đàm phán vào ngày 2/12, bao gồm cả việc tạm dừng mức tăng sản lượng tháng 1 lên 400.000 thùng/ngày hoặc tăng sản lượng lên ít hơn kế hoạch hàng tháng.
Nhưng bất kỳ động thái nào như vậy sẽ khiến OPEC+ rơi vào một cuộc va chạm với Washington. Thay vào đó, OPEC+ đã thực hiện duy trì thỏa thuận hiện tại là tăng sản lượng trong tháng 1 thêm 400.000 thùng/ngày.
“Chính trị chiến thắng kinh tế. Các quốc gia tiêu dùng đã tạo đủ áp lực. Nhưng giá yếu hơn bây giờ sẽ chỉ có nghĩa là mạnh hơn sau này,” nhà quan sát kỳ cựu của OPEC Gary Ross cho biết.
Trước cuộc đàm phán của OPEC+, thứ trưởng Năng lượng Mỹ David Turk cho biết có thể có sự linh hoạt trong việc giải phóng kho dự trữ của Mỹ và cho biết rằng chính quyền của Biden có thể điều chỉnh thời gian nếu giá dầu giảm đáng kể.
Ở một diễn biến khác, Nhà Trắng và Tehran đã khởi động lại các cuộc đàm phán về chương trình hạt nhân của Iran. Nhưng một thỏa thuận để khôi phục thỏa thuận năm 2015 nhằm hạn chế sự phát triển hạt nhân của quốc gia Trung Đông vẫn còn xa vời và các quan chức phương Tây đã lên tiếng tỏ ra thất vọng trước những yêu cầu của nước này.
Căng thẳng giữa phương Tây với Nga về vấn đề Ukraine cũng gia tăng sau khi tổng thống Mỹ Joe Biden lên tiếng cảnh báo người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng phương Tây sẽ áp đặt “các biện pháp kinh tế mạnh mẽ và các biện pháp khác” đối với Nga nếu nước này xâm lược Ukraine, trong khi ông Putin yêu cầu NATO sẽ không mở rộng về phía đông.
“Tất cả những vấn đề nóng này nói với thị trường rằng chúng ta vẫn còn nhiều rủi ro, và điều này sẽ đẩy giá dầu đi lên,” Tim Snyder, nhà kinh tế thuộc trung tâm Matador Economics ở Dallas, nhận định.
Theo fxempire; reuters