Giá dầu thô giảm mạnh xuống gần đáy 4 tuần trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (3/11) sau khi dữ liệu thống kê cho thấy tồn kho dầu thô của Mỹ trong tuần trước tăng vượt dự đoán, dù tồn kho xăng của nhà tiêu thụ dầu hàng đầu thế giới chạm mức thấp nhất trong 4 năm.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu Brent kỳ hạn giảm 3,2% xuống 81,99 USD/thùng. Giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) giảm 3,6% xuống 80,86 USD/thùng.
Đây là mức giảm phần trăm lớn nhất trong ngày đối với cả hai loại dầu kể từ đầu tháng 8, và là mức chốt phiên thấp nhất kể từ ngày 7/10 đối với dầu Brent và thấp nhất kể từ ngày 13/10 đối với dầu thô WTI.
Dự trữ dầu thô của Mỹ đã tăng hơn 3,3 triệu thùng trong tuần trước, nhiều hơn so với dự báo trước đó của giới chuyên gia, nhưng tồn kho xăng lại giảm xuống mức thấp nhất kể từ tháng 11/2017. Nguồn cung trên thị trường dầu của Mỹ đã thắt chặt, với lượng dự trữ tại trung tâm lưu trữ Cushing, Oklahoma ghi nhận mức thấp nhất trong 3 năm.
Đúng như kỳ vọng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) đã thông báo sẽ sớm bắt đầu chương trình cắt giảm thu mua trái phiếu. Theo các nhà giao dịch, điều này có thể làm suy yếu một số hoạt động mua đầu cơ các tài sản rủi ro, gồm cả dầu.
“Thị trường đã phải chịu nhiều áp lực,” ông Phil Flynn, chuyên gia phân tích tại Price Futures Group (Chicago, Mỹ), cho biết. “Giá giảm do hoạt động chốt lời của giới đầu tư từ cuộc họp của FED ngày hôm nay.”
Phát biểu tại hội nghị thượng đỉnh về khí hậu ở Glasgow, tổng thống Mỹ Joe Biden đã đổ lỗi sự gia tăng nhanh chóng của giá dầu và khí đốt cho việc các quốc gia sản xuất lớn thuộc Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) từ chối bơm thêm dầu thô.
Trước đó, ông Biden cũng đã kêu gọi các nước sản xuất năng lượng lớn của Nhóm Các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tăng cường nguồn cung để bảo đảm phục hồi kinh tế toàn cầu mạnh mẽ hơn. Hành động này được xem là một nỗ lực nhằm gây áp lực buộc OPEC và các đồng minh tăng sản lượng dầu.
Tổng thống Mỹ khẳng định, trong bối cảnh giá xăng dầu leo thang hiện nay, một số quốc gia sản xuất dầu mỏ như Nga, Saudi Arabia đã không tăng sản lượng đủ để đáp ứng nhu cầu của các quốc gia tiêu thụ năng lượng lớn, đồng thời lên tiếng bày lo nỗi lo về tình trạng lạm phát và thiếu hụt năng lượng tại Mỹ.
Theo AAA, giá bán lẻ trung bình của một gallon xăng tại Mỹ hiện là 3,40 USD, tăng khoảng 20 xu Mỹ so với một tháng trước.
Theo kế hoạch, OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào thứ Năm (4/11) và dự kiến sẽ xác nhận lại kế hoạch giữ mức tăng nguồn cung hàng tháng ổn định bất chấp những lời kêu gọi gia tăng sản lượng.
Trước đó, hôm 1/11, cả Kuwait và Iraq đều lên tiếng khẳng định sẽ ủng hộ kế hoạch tăng mức cung ứng dầu mỏ hàng tháng thêm 400.000 thùng/ngày tại cuộc họp hôm 4/11, bất chấp việc Mỹ kêu gọi gia tăng nguồn cung nhằm hạ nhiệt giá dầu.
Hãng thông tấn KUNA dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Dầu mỏ Kuwait Abdulatif al-Fares cho biết các nước thành viên OPEC ủng hộ kế hoạch tăng sản lượng khai thác để đảm bảo cung cầu trên thị trường thế giới.
Công ty dầu quốc gia Iraq SOMO ngày 30/10 cũng cho biết, các thành viên OPEC đều nhận thấy rằng việc tăng sản lượng theo lộ trình đã đề ra là điều cần thiết để đáp ứng nhu cầu và bình ổn thị trường dầu mỏ thế giới.
Việc giá dầu duy trì ở mức cao đang khuyến khích hoạt động khai thác nhiều hơn. Hôm 2/11, BP cho biết họ sẽ tăng đầu tư vào dầu và khí đá phiến của Mỹ lên 1,5 tỷ USD vào năm 2022 từ 1 tỷ USD trong năm nay. Nhìn chung, sản lượng dầu của Mỹ đã tăng lên 11,5 triệu thùng/ngày, bằng mức sản lượng cao nhất của Mỹ từ đầu năm đến nay.
Theo Reuters