Cá voi Bitcoin và các nhà tạo lập thị trường đang nắm giữ các vị thế mua có sử dụng đòn bẩy của mình, mặc dù đồng tiền số này không thể vượt qua ngưỡng 17.400 USD vào ngày 5 tháng 12.
Phe bò Bitcoin (BTC) đã giành lại một số quyền kiểm soát vào ngày 30 tháng 11 và đã thành công trong việc duy trì giá BTC phía trên ngưỡng 16.800 USD trong 5 ngày qua. Mặc dù mức này thấp hơn so với mục tiêu của các nhà giao dịch là từ 19.000 USD đến 20.000 USD, nhưng mức tăng 8,6% kể từ mức thấp 15.500 USD của ngày 21 tháng 11 đã mang lại niềm tin ngay cả khi thị trường đón nhận những tin tức tiêu cực.
Một trong số các tin tức này là việc thị trường chứng khoán Mỹ đã giảm 1,5% vào ngày 5 tháng 12 sau khi dữ liệu nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành dịch vụ tháng 11 của Mỹ tốt hơn dự kiến làm dấy lên lo ngại rằng Cục Dự trữ Liên bang (FED) sẽ tiếp tục kế hoạch tăng lãi suất.
Hiện tại, các yếu tố kinh tế vĩ mô vẫn không thuận lợi và điều này có thể sẽ tiếp tục cho đến khi các nhà đầu tư có được bức tranh rõ ràng hơn về thị trường việc làm cũng như sức mạnh ngoại tệ của chỉ số Đô la Mỹ (DXY).
Đồng đô la Mỹ quá mạnh làm giảm thu nhập của các nhà xuất khẩu và công ty có doanh thu chính nằm bên ngoài nước Mỹ. Trong khi đó, đồng đô la yếu cũng cho thấy sự thiếu tin tưởng vào khả năng quản lý khoản nợ 31,4 nghìn tỷ đô la của Bộ Tài chính nước này.
Cùng với đó, ngành công nghiệp tiền số tiếp tục cảm nhận được các tác động của giai đoạn thị trường giá xuống năm 2022, với việc sàn giao dịch Bybit thực hiện đợt sa thải nhân viên thứ hai vào ngày 4 tháng 12. Ben Zhou, đồng sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Bybit, đã thông báo cắt giảm mạnh 30% lực lượng lao động của công ty. Trong 2 năm trước đó, Bybit đã tuyển dụng thêm tới hơn 2.000 nhân viên.
Hãy xem xét các số liệu phái sinh để hiểu rõ hơn về cách các nhà giao dịch chuyên nghiệp xác định vị thế của họ trong điều kiện thị trường hiện tại.
Nội dung bài viết
Nhu cầu stablecoin tại châu Á giảm sau khi đạt đỉnh 4%
Phí bảo hiểm USD Coin (USDC) là một thước đo tốt về nhu cầu của các nhà giao dịch bán lẻ tiền điện tử có trụ sở tại Trung Quốc. Nó đo lường sự khác biệt giữa các giao dịch ngang hàng tại Trung Quốc và đồng đô la Mỹ.
Nhu cầu mua quá mức có xu hướng gây áp lực lên chỉ báo trên giá trị hợp lý ở mức 100%. Mặt khác, thị trường giảm giá có khả năng làm dư thừa nguồn cung USDC, gây ra mức chiết khấu 4% hoặc cao hơn.
Image 1: USDC ngang hàng so với USD/CNY. Nguồn: OKX
Hiện tại, phí bảo hiểm USDC ở mức 100,5%, giảm từ mức 103,5% vào ngày 28 tháng 11. Do đó, bất chấp việc Bitcoin không thành công vượt qua ngưỡng kháng cự 17.500 USD, các nhà đầu tư bán lẻ châu Á không lâm vào tình trạng bán tháo hoảng loạn.
Tuy nhiên, dữ liệu này không nên được coi là tích cực vì áp lực mua USDC gần đây lên tới mức phí bảo hiểm 4% cho thấy rằng các nhà giao dịch đã trú ẩn trong stablecoin.
Người mua có sử dụng đòn bẩy thờ ơ với đợt tăng giá gần đây
Chỉ số long-to-short trừ các yếu tố ngoại vi chỉ tác động lên thị trường stablecoin. Nó cũng thu thập dữ liệu từ các vị thế của các khách hàng giao dịch giao ngay, hợp đồng tương lai không kỳ hạn và kỳ hạn hàng quý, do đó cung cấp thông tin tốt hơn về vị thế của các nhà giao dịch chuyên nghiệp.
Đôi khi có sự khác biệt về phương pháp tính toán ở các sàn giao dịch khác nhau, vì vậy người đọc nên theo dõi các thay đổi thay vì số liệu tuyệt đối.
Biểu đồ Tỷ lệ long-to-short Bitcoin của các nhà giao dịch hàng đầu trên các sàn giao dịch. Nguồn: Coinglass
Dữ liệu này cho thấy, mặc dù Bitcoin đã tăng 5,5% trong vòng bảy ngày, nhưng các nhà giao dịch chuyên nghiệp vẫn giữ nguyên các vị thế Long có sử dụng đòn bẩy của họ.
Tỷ lệ long-to-short các nhà giao dịch trên sàn Binance đã cải thiện từ mức 1,05 vào ngày 28/11 lên mức 1,09 hiện tại. Trong khi đó, trên sàn Huobi, tỷ lệ này giảm nhẹ từ mức 1,07 xuống mức 1,03 trong bảy ngày tính đến ngày 5/12. Tại sàn giao dịch OKX, chỉ số này đã tăng từ mức 0,98 vào ngày 28/11 lên mức 1,01 hiện tại.
Tính trung bình, các nhà giao dịch đã giữ nguyên tỷ lệ đòn bẩy của họ trong tuần trước. Đây là một dữ liệu đáng thất vọng khi nhìn vào đợt tăng giá vừa qua của Bitcoin.
Nhu cầu mua mờ nhạt
Số liệu phái sinh trên cho thấy rằng những người mở vị thế Long có sử dụng đòn bẩy đã không hỗ trợ cho đợt tăng của Bitcoin vào ngày 5/12 lên 17.400 USD.
Nếu tâm lý nhà đầu tư lạc quan hơn thì đáng lẽ tỷ lệ long-to-short đã phải tăng lên cao hơn so với tuần trước đó. Tuy nhiên, dữ liệu hiện tại hạ thấp khả năng Bitcoin có thể chứng kiến một đợt tăng giá bền vững ở trên mốc 17.400 USD. Dù vậy, nếu giá giảm 3,5% về phía ngưỡng hỗ trợ 16.500 USD cũng không đáng lo ngại, vì các số liệu đều không cho thấy có sự hình thành các lệnh cược giảm có sử dụng đòn bẩy.
Nói tóm lại, tâm lý giá giảm đang chiếm ưu thế nhưng phe gấu đang trở nên kém tự tin hơn, ngay cả khi giá Bitcoin đi ngang và chỉ số S&P 500 giảm 1,5%.