Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones tăng điểm vào hôm thứ Hai khi lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng và giá dầu leo lên mức cao nhất trong ba năm qua.
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones tăng 72 điểm, tương đương 0,2%. Chỉ số S&P 500 giảm 0,3% và chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 0,5%.
Việc lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng 1,48% cũng phần nào giải thích cho hiện tượng phân hóa này. Tuần trước, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ đã báo hiệu rằng họ gần như đã sẵn sàng cắt giảm hoặc giới hạn số lượng trái phiếu mà cơ quan này thu mua mỗi tháng và các bên tham gia thị trường cũng bình tĩnh đón nhận viễn cảnh lãi suất tăng khi đánh cược rằng động thái đó của Fed (nếu có) cũng sẽ không làm gián đoạn đà phục hồi kinh tế.
Cổ phiếu giá trị, loại cổ phiếu thường có xu hướng nhạy cảm với tin tức kinh tế hơn so với các dòng cổ phiếu tăng trưởng nhanh như nhiều mã điển hình trong khối ngành công nghệ, đã tăng điểm vào hôm thứ Hai và giúp lý giải cho hiệu suất vượt trội hơn của chỉ số Dow Jones.
Cổ phiếu ngân hàng tăng vọt. Quỹ SPDR S&P Bank Exchange-Traded Fund (KBE) tăng 3,5%. Khi lãi suất trái phiếu kỳ hạn dài tăng nhanh hơn lãi suất kỳ hạn ngắn, như diễn biến thực tế trong những ngày giao dịch vừa qua, các ngân hàng có thể sẽ cho vay với lãi suất cao hơn và đi vay với lãi suất thấp. Chính vì làm điều đó nên các mã dòng “bank” đã tăng lợi nhuận.
“Thị trường chứng khoán nói chung không chỉ chuyển sang ưu ái hơn đối với các cổ phiếu giá trị/cổ phiếu chu kỳ mà còn ưu ái cả những cổ phiếu sắp được hưởng lợi trước xu hướng mở cửa trở lại,” chuyên gia chiến lược thị trường cấp cao Michael Reinking tại Sở giao dịch chứng khoán New York viết. “Việc lãi suất trái phiếu tiếp tục tăng cao hơn chính là nguồn cơn của trào lưu chuyển đổi dòng vốn như thế này.”
Giá dầu Brent giao sau chuẩn quốc tế đã lập đỉnh mới khi leo lên mức cao nhất trong ba năm qua, tăng trước đó trong ngày trước khi giảm nhẹ trở lại. Hợp đồng tương lai dầu giao dịch ở mức khoảng 78 USD/thùng. Giá hợp đồng tương lai dầu thô Mỹ tăng 2% lên trên mức 75 USD.
Diễn biến này có thể gây áp lực buộc OPEC phải tăng sản lượng. Nhà phân tích thị trường cấp cao Craig Erlam tại Oanda viết: “Nếu động lượng này còn kéo dài, áp lực đối với OPEC+ sẽ gia tăng và họ sẽ buộc phải đẩy nhanh tốc độ nâng cao sản lượng.”
Số lượng đơn đặt mua hàng tiêu dùng lâu bền trong tháng 8 đã tăng 1,8% so với tháng trước, cao hơn mức tăng 0,7% theo dự kiến. “Dữ liệu thống kê cho thấy nhu cầu tiêu thụ đang rất mạnh, nhưng phía cung cũng có những hạn chế mà trong một số trường hợp kéo theo hệ quả là hạn chế mức tiêu thụ cuối đối với các sản phẩm tiêu dùng lâu bền,” chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst của Citigroup viết.
Trong khi nhiều cổ phiếu đang khởi sắc, diễn biến của thị trường chung vẫn cho thấy giới đầu tư đang cảm thấy bất định về tương lai. Chỉ số Biến động CBOE, một đại lượng dùng để đo lường mức độ biến động dự kiến, đã tăng 3,5%. Mặc dù chỉ số S&P 500 đang đứng gần mức trung bình động 50 ngày tại ngưỡng 4,441 nhưng chỉ số này đã nhiều lần giảm xuống dưới mức đó trong một quãng thời gian ngắn trong phiên giao dịch.
Trước mắt, giới đầu tư đang hy vọng rằng Quốc hội Mỹ có thể sớm thông qua dự luật hòa giải và thỏa thuận trần nợ và tránh được tình trạng đóng cửa chính phủ.
Về triển vọng kinh tế và lợi nhuận trong những tháng tới, nhiều doanh nghiệp sẽ sớm báo cáo tài chính quý 3. Một số công ty vốn dĩ đã công bố kết quả và kế hoạch lợi nhuận nhưng lại gây thất vọng vì tình hình đứt gãy chuỗi cung ứng đang khiến các công ty không thể đáp ứng nhu cầu tiêu thụ và từ đó phát sinh chi phí cao hơn, làm giảm biên lợi nhuận.
Ở các thị trường ngoài Mỹ, Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông chốt phiên gần như đi ngang. Quả bom nợ Evergrande của Trung Quốc có thể sẽ không trụ nổi sau những vấn đề bê bối tài chính của họ, nhưng Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đã bơm hàng chục tỷ USD vào hệ thống ngân hàng nước này, thể hiện rõ lập trường rằng chính phủ Trung Quốc sẽ không để lan rộng hiệu ứng tác động tiêu cực.
Chỉ số DAX của Đức tăng 0,3%, sau khi kết quả bầu cử cuối tuần cho thấy đảng Dân chủ Xã hội cánh trung tả đang vượt lên, từ đó nhà lãnh đạo Olaf Scholz có cơ hội lớn để thành lập chính phủ mới.
Nội dung bài viết
Dưới đây là 13 cổ phiếu có những chuyển biến đáng chú ý vào ngày thứ Hai:
Trong bối cảnh giá dầu tăng, giá cổ phiếu của các nhà sản xuất dầu như Occidental Petroleum (OXY) và APA Corp. (APA) đã tăng lần lượt 7,4% và 6,2%.
Cổ phiếu Amazon (AMZN) giảm 0,6% sau khi các nhà phân tích tại Morgan Stanley cho biết việc nâng lương cao hơn sẽ làm giảm lợi nhuận của tập đoàn này.
Cổ phiếu Bath & Body Works (BBWI) tăng 1,8% sau khi được Atlantic Equities nâng hạng đánh giá từ mức “Trung lập” lên mức “Nên tăng tỷ trọng”.
Cổ phiếu Public Service Enterprise Group (PEG) tăng 0,9% sau khi công ty này cho biết họ sẽ tăng mức chi trả cổ tức và sẽ mua lại 500 triệu USD cổ phiếu.
Cổ phiếu Hyatt Hotels (H) tăng 0,7% ngay cả khi bị Bank of America hạ đánh giá từ mức “Trung lập” xuống mức “Hiệu suất kém”.
Cổ phiếu BP (BP.U.K.) tăng 3,5% và Royal Dutch Shell (RDSA.U.K.) tăng 4,5% ở sàn London trong khi Total (TTE.France) tăng 3,4% ở sàn Paris.
Evergrande New Energy Auto (0708.H.K.), công ty con làm về mảng xe điện trực thuộc Evergrande, đã giảm 9,4% tại sàn Hồng Kông khi cuộc khủng hoảng tiền mặt của công ty mẹ lan rộng. Công ty xe điện này đã nêu cảnh báo về tình trạng thiếu vốn và hủy kế hoạch niêm yết tại sàn giao dịch chứng khoán Thượng Hải. Cổ phiếu này đã giảm 93,4% tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại.
Cổ phiếu Rolls-Royce (RR.U.K.) tăng 11,3% tại sàn London sau khi tập đoàn kỹ thuật này giành được hợp đồng lớn nhằm cung cấp động cơ cho dòng máy bay B-52 Stratofortress của Không quân Hoa Kỳ.
Ma Cao đã thắt chặt lệnh hạn chế đi lại trong bối cảnh đáng lo ngại về tình hình dịch Covid-19, từ đó đè nén thêm áp lực lên ngành công nghiệp vui chơi giải trí vốn đã bị suy yếu ở trung tâm cờ bạc lớn nhất thế giới này. Cổ phiếu China Sands (1928.H.K.) giảm 4%, Wynn Macau (1128.H.K.) giảm 4,5% và MGM China (2282H.K.) giảm 10,4% tại sàn Hồng Kông.