Hầu hết các cổ phiếu đã không thể giữ được sắc xanh vào hôm thứ Ba sau khi các chỉ số chính cố gắng phục hồi lại sau nhịp giảm kéo dài trong 3 ngày tồi tệ nhất kể từ năm 2020. Trong khi đó, lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ giảm xuống, qua đó tạo động lực cho cổ phiếu công nghệ.
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm 85 điểm, tương đương 0,3%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,3%. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq nặng về công nghệ tăng 1%.
Trong khi các cổ phiếu công nghệ đang bắt đầu phục hồi, thì những cổ phiếu khác trên mặt bằng chung lại không thể hiện tốt như vậy. Quỹ hoán đổi danh mục Tỷ trọng đều Invesco S&P 500 (RSP), một quỹ đầu tư chuyên phân bổ vốn với trọng số ngang nhau đối với mỗi cổ phiếu thành viên và thể hiện mức chuyển động trên mặt bằng chung của các cổ phiếu thông thường, đã giảm 0,3% sau khi tăng trước đó trong ngày.
“Nhà đầu tư vẫn chưa có tâm lý muốn mua vào trong đợt phục hồi này,” nhà quản lý danh mục đầu tư kiêm nhà phân tích Dave Wagner tại Aptus Capital Advisors cho biết. “Hôm nay thị trường tĩnh lặng, mà tôi nghĩ điều đó cũng hợp lý thôi.”
Quả thật, thị trường chứng khoán Mỹ có rất ít động lực thúc đẩy có thể khiến giá cổ phiếu tăng cao hơn vào ngày thứ Ba như một dữ liệu kinh tế nào đó hoặc các bản thông báo của Cục Dự trữ Liên bang. Đa phần các bên tham gia thị trường hiện giờ đều quan ngại rằng đà giảm đã không thể dừng lại được nữa, buộc các nhà đầu tư phải bán tháo cổ phiếu khi chúng đã bốc hơi quá nhiều.
Cả ba chỉ số chính đã bị bán tháo mạnh trong ba ngày qua, đưa mức giá đóng cửa của chúng xuống mức đáy mới, thấp nhất trong năm. Chỉ số S&P 500 đã giảm 16% tính từ đầu năm cho đến cuối ngày thứ Hai, khi Cục Dự trữ Liên bang nâng lãi suất và cắt giảm mức nắm giữ trái phiếu để ngăn ngừa lạm phát tăng cao. Những động thái đó có thể sẽ làm chậm đà tăng trưởng kinh tế và đã gây ra tình trạng bán tháo trái phiếu, từ đó nâng lợi suất của trái phiếu lên. Việc Trung Quốc áp đặt các lệnh phong tỏa cũng gây khó cho các doanh nghiệp trên toàn cầu trong việc tiếp cận nguồn cung, và đây chính là một yếu tố “bồi thêm” khiến chi phí tăng cao hơn, từ đó đe dọa bào mòn vào biên lợi nhuận.
Tin tốt là nhóm cổ phiếu công nghệ đang trên đà tăng nhẹ do lợi suất trái phiếu giảm. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm rơi xuống còn 2,99%, giảm từ mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch ở ngưỡng 3,13% theo ghi nhận vào hôm thứ Sáu tuần trước. Con số này tính ra vẫn cao hơn so với mức 1,51% vào cuối năm 2021. Vấn đề là lợi suất trái phiếu dài hạn càng cao hơn thì sẽ càng khiến lợi nhuận trong tương lai trở nên kém giá trị hơn, từ đó làm giảm mức định giá đối với các công ty tăng trưởng mạnh vì nhóm doanh nghiệp này được kỳ vọng sẽ tạo ra phần lớn lợi nhuận của họ trong nhiều năm sau này. Vì vậy, thị trường chứng khoán đã được lên dây cót tinh thần khi lợi suất kỳ hạn 10 năm có dấu hiệu ngừng tăng, ít nhất là ở thời điểm hiện tại.
“Việc lợi suất 10 năm thoái lui là một dấu hiệu đáng hoan nghênh,” giám đốc thị trường và chiến lược tiền tệ Lindsey Bell tại Ally viết.
Đối với thị trường chung, trong đó bao gồm cả khối công nghệ, tình trạng báo động vẫn chưa hề chấm dứt. Gần đây, sóng giảm đã đưa toàn thị trường chứng khoán rơi xuống mức đáy mới trong năm, mà các nhịp phục hồi nhỏ chỉ khiến cho biểu đồ giá hình thành nên chuỗi đỉnh thấp hơn trước khi làn sóng bán tháo tiếp theo ập đến. Điều đó cho thấy rằng giới đầu tư đã không còn mặn mà mua vào cổ phiếu ở mức giá cao nữa do niềm tin của họ vào nền kinh tế và triển vọng thị trường đã suy yếu.
“Mặc dù việc thị trường giảm vẫn là chuyện thường xảy ra nhưng các nhà đầu tư nên thận trọng hơn vào bây giờ khi mà Cục Dự trữ Liên bang đã bắt đầu nỗ lực rút bớt gói kích thích khỏi nền kinh tế,” Giám đốc đầu tư Richard Saperstein tại Treasury Partners cho biết.
Ở các thị trường khác trên quốc tế, chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu tăng 0,7%, nhưng Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông đã tái hiện nhịp chuyển động đầy khó chịu trên Phố Wall vào hôm thứ Hai khi giảm 1,8%.
Thị trường tiền tệ kỹ thuật số đã có một số dấu hiệu khởi sắc. Bitcoin, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới, đã tăng gần 4,1% trong 24 giờ qua lên trên ngưỡng 31.000 USD sau khi dao động quanh mức 36.000 USD vào hôm thứ Sáu tuần trước trước khi bắt đầu đà trượt giá vào cuối tuần.
Cụ thể hơn trong phiên giao dịch hôm thứ Ba, Bitcoin đã chọc thủng xuống dưới ngưỡng quan trọng tại mốc 30.000 USD, một mức giá đã thấp chưa từng thấy kể từ cuối năm 2020. “Bitcoin là một thước đo tuyệt vời về mức rủi ro thị trường hiện tại và chúng tôi nhận thấy nhịp sụt giảm của đồng tiền này là bằng chứng về việc thị trường đang bán tháo mạnh,” nhà phân tích Neil Wilson tại sàn môi giới Markets.com cho biết.
Nội dung bài viết
Dưới đây là sáu cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý nhất vào ngày thứ Ba:
Upstart (UPST, –56,42%) bốc hơi 56% sau khi công ty cho vay trí tuệ nhân tạo hạ triển vọng doanh thu cả năm và cảnh báo khả năng suy thoái.
Peloton (PTON) giảm 7% sau khi công ty báo lỗ 2,27 USD/cổ phiếu, lỗ nặng hơn so với ước tính lỗ 83 cent/cổ phiếu với doanh thu 964,3 triệu USD, thấp hơn mức kỳ vọng 970 triệu USD.
Novavax (NVAX, +1,13%) tăng 0,4% sau khi kết quả lợi nhuận của nhà sản xuất vaccine này thấp hơn mức kỳ vọng của Phố Wall, song vẫn báo lãi trong quý đầu tiên.
Plug Power (PLUG, –5,53%) giảm 5,5%, sau khi BCTC hàng quý của công ty pin nhiên liệu này cho thấy doanh thu thấp hơn ước tính của Phố Wall và báo lỗ nặng hơn dự kiến.
Sau nhịp sụt giảm nghiêm trọng vào ngày thứ Hai, các cổ phiếu nhạy cảm với giá Bitcoin đã giảm trở lại. Coinbase Global (COIN, –12,60%) sẽ báo cáo tài chính sau khi khép lại phiên giao dịch. Cổ phiếu này đã giảm 6,7% sau khi giảm 20% trong phiên trước, song song với đó là công ty thanh toán kỹ thuật số Block (SQ) giảm 1,8% sau khi giảm 13% vào ngày thứ Hai.