Thị trường chứng khoán Mỹ lại chìm trong sắc đỏ vào hôm thứ Hai khi lợi suất trái phiếu Mỹ tiếp tục tăng trước khi bắt đầu mùa báo cáo tài chính. AT&T Tăng Sau Khi Tách Warner Media.
Nội dung bài viết
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm
Khép lại phiên giao dịch, chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones giảm 413 điểm, tương đương 1,2%, trong khi chỉ số S&P 500 giảm 1,7% và chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 2,2%.
Mặc dù giới đầu tư thường muốn tìm hiểu lý do tại sao thị trường chứng khoán lại giảm, nhưng đôi khi diễn biến thị trường thực ra chỉ là phép toán đơn giản. Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm đã tăng lên mức 2,777% vào ngày thứ Hai và lợi suất trái phiếu càng cao hơn thì càng gây áp lực nhiều hơn đối với thị trường chứng khoán, hoặc nói cách khác, mức lãi vốn mà nhà đầu tư kỳ vọng thu lại được từ việc giao dịch chứng khoán sẽ giảm xuống.
Nguyên lý toán học là như sau: chỉ số S&P 500 có tỷ lệ giá/lợi nhuận là 19,35 tính đến cuối ngày thứ Sáu tuần trước. Đảo ngược P/E để lấy giá trị E/P, hoặc tỷ suất lợi nhuận, trong trường hợp này là 5,17%, trừ đi lợi suất trái phiếu 10 năm là 2,78% và mức lãi vốn từ thị trường chứng khoán là 2,4%.
Tiếp theo, so sánh con số đó với hồi đầu năm khi lợi suất trái phiếu Mỹ kỳ hạn 10 năm đứng ở mức 1,5% và thị trường chứng khoán có mức P/E là 21,5 lần hoặc tỷ suất lợi nhuận là 4,65%. Điều đó có nghĩa là ngay cả khi thị trường chứng khoán có mức định giá đắt hơn, thì vẫn tăng nhiều hơn 3,15% so với trái phiếu, có nghĩa là các nhà đầu tư sẽ kiếm được phần lãi vốn cao hơn, mặc dù P/E của chỉ số S&P 500 cao hơn vào thời điểm đó.
Tất nhiên, toàn bộ những điều này xảy ra là do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed). Cơ quan này dự kiến sẽ mạnh tay tăng lãi suất trong năm nay và năm tới vì phải chống chọi với mức lạm phát cao nhất từ trước đến nay. Fed cũng có thể đang lên kế hoạch bắt đầu “thắt chặt định lượng” hoặc cắt giảm bảng cân đối kế toán, sớm nhất là vào cuộc họp tháng 5.
Tuần trước, từ giọng điệu của một số quan chức tại ngân hàng trung ương Mỹ và biên bản cuộc họp gần nhất của Fed, có thể thấy Fed sẽ tiến hành những động thái mạnh mẽ trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ, mà theo dự kiến sẽ sớm tăng lãi suất lên 0,5%.
Tiêu điểm chú ý trong tuần này sẽ là chỉ số lạm phát chính của Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vào tháng 3 sẽ là dữ liệu CPI cuối cùng mà Fed nhận được trước cuộc họp tiếp theo về chính sách tiền tệ.
“Phố Wall lo lắng rằng vấn nạn lạm phát cuối cùng sẽ phá hủy toàn bộ tiềm năng tăng trưởng của thị trường trong năm nay,” nhà phân tích Edward Moya của sàn môi giới Oanda chia sẻ. “Lạm phát có thể sẽ sớm đạt đến đỉnh điểm, nhưng cuộc chiến ở Ukraina và hiện nay là tình hình phong tỏa ngày càng ngặt nghèo ở Trung Quốc sẽ tiếp tục làm nảy sinh các vấn đề về chuỗi cung ứng. Sức chi tiêu của người tiêu dùng đang ngày một yếu đi và đó là lý do tại sao nhiều nhà đầu tư chứng khoán đang triển khai kế hoạch khử rủi ro”.
Ngoài ra, toàn thị trường cũng đang hướng sự chú ý đến thời điểm bắt đầu mùa báo cáo tài chính quý đầu tiên. Chỉ có 15 công ty trong S&P 500 sẽ báo cáo kết quả tài chính, bao gồm các tập đoàn tài chính lớn của Mỹ như JPMorgan Chase (JPM) và BlackRock (BLK) vào ngày thứ Tư, trước Citigroup (C), Morgan Stanley (MS), Goldman Sachs (GS) , và Wells Fargo (WFG) vào ngày thứ Năm.
Chi phí đầu tư tăng cao
Các số liệu dự báo cho thấy doanh thu của các công ty thuộc nhóm S&P 500 sẽ tăng 10,8% trong quý đầu tiên và lợi nhuận trên mỗi cổ phiếu tăng khiêm tốn hơn ở mức 4,7%. Tuy nhiên, nếu loại trừ phân khúc tài chính, bức tranh tăng trưởng có vẻ sẽ sáng sủa hơn theo nhận định của Jonathan Golub, Giám đốc chiến lược chứng khoán Mỹ của Credit Suisse, với doanh thu và lợi nhuận dự kiến lần lượt tăng 12,3% và 14,5%.
Ông Golub dự đoán các cuộc họp báo cáo sẽ tiếp tục nhấn mạnh về việc chi phí đầu vào tăng cao, nhưng khi xét đến cả năm, số liệu ước tính thống nhất sẽ không bị suy yếu quá nhiều, theo đó ước tính EPS năm 2022 sẽ tăng 2% so với năm trước, với mức kỳ vọng quý đầu tiên là giảm 1,5 %.
Sắc đỏ không chỉ xuất hiện ở thị trường Mỹ. Chỉ số Stoxx 600 toàn châu Âu giảm 0,6%. Mặc dù vậy, chỉ số CAC 40 của Paris đã tăng 0,1% sau khi kết quả bầu cử vòng một cho thấy Tổng thống Emmanuel Macron được ủng hộ nhiều hơn đối thủ cánh cực hữu Marine Le Pen so với kết quả từ các cuộc thăm dò cho đến nay. Thị trường chứng khoán châu Á nhìn chung đều giảm, với Chỉ số Hang Seng của Hồng Kông giảm 3% trong bối cảnh đầy bất an về triển vọng dịch Covid-19 ở Trung Quốc.
Giá dầu giảm 3,5%, trong đó giá dầu thô West Texas Intermediate tiêu chuẩn của Mỹ giảm xuống ngay dưới ngưỡng 95 USD/thùng.
“Ở châu Á, triển vọng dịch Covid-19 u ám ở Trung Quốc đã làm dấy lên nỗi lo về tiềm năng tăng trưởng và tiêu dùng, khiến giá dầu và chứng khoán Trung Quốc giảm mạnh trong ngày hôm nay,” nhà phân tích Jeffrey Halley tại sàn môi giới Oanda cho biết.
Dưới đây là sáu cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý nhất vào ngày thứ Hai:
Twitter (TWTR) tăng 1,7% sau khi CEO Parag Agrawal cho biết vào hôm Chủ nhật rằng Elon Musk sẽ không tham gia hội đồng quản trị Twitter. Vị CEO của Tesla (TSLA) gần đây đã mua 9,2% cổ phần trong công ty truyền thông xã hội này.
Nvidia (NVDA) giảm 5,2% sau khi bị Baird hạ bậc đánh giá từ mức “Vượt trội” xuống mức “Trung lập”.
AT&T (T) tăng 7,7% khi bắt đầu phiên giao dịch sau khi tách Warner Media sang Discovery, hiện sẽ giao dịch dưới cái tên Warner Bros. Discovery (WBD), cổ phiếu WBD tăng 1,3%. Warner Brother Discovery đã được ba tổ chức nâng hạng đánh giá trước khi bắt đầu phiên giao dịch ngày thứ Hai.
Tesla (TSLA) giảm 4,8% dù lượng xe cung ứng tại Trung Quốc tăng lên vào tháng 3.
Ericsson (ERIC) giảm 3,2% sau khi tập đoàn viễn thông Thụy Điển cho biết họ đã tạm ngừng hoạt động kinh doanh tại Nga và ghi nhận mức thiệt hại 900 triệu krona Thụy Điển (95 triệu USD) trong quý đầu tiên.
Société Générale (GLE.France) tăng hơn 5% trong phiên giao dịch Paris sau khi ngân hàng khổng lồ của Pháp cho biết họ sẽ thoái vốn khỏi Nga thông qua việc bán cổ phần của Rosbank cho nhà tài phiệt Nga Vladimir Potanin.
>>> Đọc thêm: Forex Hôm Nay – Đồng Đô La Quay Đầu Nhưng Không Phá Vỡ