Thị trường chứng khoán Mỹ tăng nhẹ vào ngày thứ Ba, tiếp nối đà tăng của ngày thứ Hai. Ít nhất ở thời điểm hiện tại, giới đầu tư đang cảm thấy tự tin rằng Cục Dự trữ Liên bang sẽ không thắt chặt chính sách tiền tệ mạnh tay hơn những gì họ đã báo hiệu.
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones đóng cửa tăng 68 điểm, tương đương 0,2%, trong khi chỉ số S&P 500 tăng 0,5% và chỉ số Tổng hợp Nasdaq tăng 0,2%. Vào hôm thứ Hai, thị trường chứng khoán tăng điểm vào cuối phiên, đưa S&P 500 và Nasdaq tăng lần lượt 0,6% và 1,6%.
Cả chỉ số S&P 500 và Nasdaq đều đã tăng bật lên từ mức đáy mới trong năm, vốn được thiết lập vào hôm thứ Sáu tuần trước, trong một thị trường có vẻ như đang bị quá bán.
“Fed sẽ không ra tay quyết liệt hơn nữa so với những gì họ đã truyền đạt, vì vậy tôi nghĩ rằng nhà đầu tư sẽ có chút tinh thần lạc quan khi hướng đến cuộc họp ngày mai,” chiến lược gia đầu tư Jeff Schulze tại ClearBridge Investments cho biết. “Các nhà đầu tư đang xem đây như một cơ hội mua bắt đáy.”
Theo kỳ vọng chung của thị trường, Fed sẽ tăng lãi suất cho vay tiêu chuẩn ít nhất 50 điểm cơ bản (0,5%) thay vì tăng 25 điểm cơ bản (0,25%), song cơ quan này vẫn có khả năng mạnh tay hơn nữa bằng cách tăng 75 điểm cơ bản (0,75%). Tuy nhiên, hiện vẫn chưa rõ Fed sẽ quyết liệt đến mức nào về vấn đề nâng lãi suất trong tương lai.
Theo các nhà phân tích, do giới đầu tư đã chắc mẩm rằng Fed sẽ tăng lãi suất lên 0,5%, nên đà tăng của thị trường chứng khoán sẽ có thể kéo dài thêm trong tuần này.
Nhưng ngay cả khi chứng khoán tiếp tục xanh điểm trong vài ngày tới, thị trường vẫn còn một chặng đường dài phía trước mới có thể ra dáng tăng trưởng bền vững. Nguy cơ vốn dĩ âm ỉ từ các vấn đề kinh tế vĩ mô, và một trong số đó liên quan đến lãi suất.
Trong đó, tác động của lãi suất cao hơn đối với nền kinh tế vẫn còn bỏ ngỏ. “Với việc thắt chặt các điều kiện tài chính, không rõ điều đó sẽ làm chậm tốc độ tăng trưởng kinh tế đến mức nào,” ông Schulze nói.
Tiếp đến, có một động lực khiến cho lãi suất tăng cao hơn, đó chính là lạm phát.
Chỉ số giá sản xuất của khu vực đồng euro đã tăng đến 36,8% so với cùng kỳ năm ngoái trong tháng 3, cao hơn một chút so với ước tính chung nhưng tính ra cũng tăng so với kết quả tăng 31,5% được ghi nhận trong kỳ trước.
Do lạm phát vẫn cứ dai dẳng nên điều này có thể buộc ngân hàng trung ương ở các nước phải tăng lãi suất nhanh hơn dự kiến. Giới đầu tư đang trông chờ lạm phát đạt đỉnh và sau đó giảm xuống, như vậy sẽ giúp giảm bớt áp lực lên các ngân hàng trung ương trong việc gấp rút tăng lãi suất. Hiện Ngân hàng Trung ương Úc đã tăng lãi suất thêm 25 điểm cơ bản, cao hơn mức tăng 15 điểm cơ bản theo như dự kiến.
Song song với những diễn biến bất định này, thị trường chứng khoán Mỹ đã nổ ra nhiều đợt bán tháo kèm theo một số đợt phục hồi ngắn ngủi trong vài tháng qua. Những nhịp tăng đó càng lúc lại càng ngắn hơn. Chỉ số S&P 500 đã rơi xuống mức đáy mới trong năm vào ngày thứ Sáu tuần trước và tính ra vẫn đang giảm khoảng 13% so với mức đỉnh cao nhất mọi thời đại được thiết lập vào hồi đầu tháng Giêng. Với mức điểm dưới 4.200, chỉ số này cũng đang nằm dưới mức trung bình động 50 ngày ở ngưỡng 4.374. Điều đó có nghĩa là các bên tham gia thị trường vẫn chưa hứng thú mua vào cổ phiếu ở mức giá gần bằng với xu hướng gần đây.
Vì vậy, không có gì đáng ngạc nhiên khi thị trường chứng khoán đang chật vật tìm hướng phục hồi sau khi chạm đáy. Theo nhà sáng lập Tom Essaye của Sevens Report Research, với tốc độ suy giảm gần đây, chỉ số S&P 500 có thể rơi về mức điểm khoảng 3.700. Từ việc lãi suất bị nâng lên cao hơn cho đến việc Trung Quốc phong tỏa mạnh tay, gây ra tình trạng thắt chặt nguồn cung đến mức đe dọa doanh thu của các công ty như Apple, triển vọng kinh tế trong thời gian tới cần phải cải thiện sáng sủa hơn thì khi đó thị trường chứng khoán mới có thể đảo chiều và tăng trưởng một cách bền vững.
“Tình hình biến động trên thị trường dự kiến sẽ còn tiếp tục dâng cao trong vài cuộc họp tới của Fed và điều đó có nghĩa là nhiều cổ phiếu có thể sẽ giảm giá rồi sau đó giới đầu tư mới tích cực mua bắt đáy,” nhà phân tích thị trường cấp cao Edward Moya tại Oanda chia sẻ.
Nội dung bài viết
Dưới đây là sáu cổ phiếu có diễn biến đáng chú ý nhất vào ngày thứ Ba:
Biogen (BIIB) giảm 0,8% sau khi công ty báo lãi 3,62 USD/cổ phiếu, kém hơn so với mức ước tính 4,34 USD/cổ phiếu, với doanh thu 2,5 tỷ USD, khớp với kỳ vọng. Mặc dù tình hình quý 1 có vẻ không mấy suôn sẻ nhưng công ty này đã tái khẳng định kế hoạch doanh thu cả năm là gần 10 tỷ USD và chỉ tiêu EPS khoảng 15,13 USD. Công ty cũng đang thực hiện một chương trình tiết kiệm chi phí, bao gồm việc cắt giảm đáng kể chi phí cơ sở hạ tầng cho Aduhlem, một loại thuốc điều trị bệnh Alzheimer. Cổ phiếu Biogen đã giảm khoảng 13% trong năm nay. Giờ đây, theo chia sẻ của nhà phân tích Brian Abrahams từ RBC, cổ phiếu Biogen đang “có vẻ hấp dẫn đối với chúng tôi”.
Hilton Worldwide Holdings (HLT) giảm 4,1% sau khi công ty báo lãi 71 cent/cổ phiếu, cao hơn mức ước tính 66 cent/cổ phiếu, với doanh thu 1,72 tỷ USD, thấp hơn mức kỳ vọng 1,75 tỷ USD.
DuPont (DD, +0,73%) tăng 0,7% sau khi đưa ra dự báo lợi nhuận điều chỉnh trong quý thứ hai và dự báo doanh thu trong năm đều thấp hơn kỳ vọng của Phố Wall.
Expedia (EXPE, –14,02%) giảm 14% ngay cả khi doanh thu trong quý đầu tiên tăng 80% và CEO Peter Kern nói với các nhà phân tích rằng công ty du lịch trực tuyến này “cảm thấy rất tốt về đà phục hồi trong mùa hè”.
MGM Resorts (MGM, –2,67%) giảm 2,6% sau khi lợi nhuận đã điều chỉnh trong quý đầu tiên vượt mức dự báo của các nhà phân tích và doanh thu tăng từ 1,65 tỷ USD vào một năm trước đó lên 2,85 tỷ USD.
Clorox (CLX, +2,99%) tăng 3% ngay cả sau khi nhà sản xuất các sản phẩm tẩy rửa này cắt giảm dự báo lợi nhuận cả năm do bị ảnh hưởng bởi lạm phát chi phí.