Đồng Dollar Úc đã chạm mức đáy thấp nhất trong giai đoạn 18 tháng vào hồi tháng 1, thấp hơn một chút so với cả mức 0,6991 thiết lập vào tháng 11/2020. Nhịp giảm đã bị đảo ngược lại vào tháng 2 khi AUD/USD bắt đầu tăng cao hơn trước khi Nga tấn công Ukraina. Mức chênh lệch lãi suất ngắn hạn giữa Úc với Mỹ hiện đang có cách biệt, nhưng điều đó có thể sẽ thay đổi.
Nội dung bài viết
Hàng hóa tăng giá, AUD đắc lợi
Giá hàng hóa tăng lên là điều có lợi cho phe mua AUD/USD trước khi Nga tấn công Ukraina. Cuộc xung đột quân sự tàn khốc này đã khiến các nước phương Tây và đồng minh áp đặt các lệnh trừng phạt thẳng tay đối với Nga. Những lệnh hạn chế đó đã khiến giá năng lượng, kim loại công nghiệp, kim loại quý và hàng hóa mềm tăng cao hơn đáng kể. Mà tất cả những thứ đó đều là mặt hàng xuất khẩu của Úc.
Thị phần của Nga trên thị trường hàng hóa toàn cầu
Nhôm | 6% |
Đồng | 3,5% |
Niken | 7% |
Coban | 4% |
Bạch kim | 10% |
Palladium | 40% |
Thép | 4% |
Vàng | 10% |
Kim cương | 30% |
Phân bón | 13% |
Lúa mì | 30% |
Dầu | 10% |
Khí đốt tự nhiên | 17% |
Cùng lúc đó, Nga chiếm khoảng 0,2% mức xuất khẩu của Úc. Nga về cơ bản là đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Úc về hàng hóa và khi nước này bị loại khỏi cuộc chơi trên thị trường toàn cầu thì sẽ có nhiều kịch bản có khả năng xảy ra. Tình hình giao thương hiện nay sẽ vẫn còn tác dụng có lợi cho nền kinh tế Úc trừ khi các bên liên quan tìm ra được giải pháp hòa bình chấm dứt chiến tranh.
Tác động chênh lệch lãi suất đối với AUD
Chỉ số giá tiêu dùng của nền kinh tế Úc tính đến cuối năm 2021 đã vượt lên trên mức mục tiêu lạm phát 2-3% của Ngân hàng trung ương Úc (RBA) khi đạt mức 3,5% so với cùng kỳ năm trước đó. CPI giản lược trung bình (trimmed mean CPI) ưa thích của RBA đạt mức 2,6% trong cùng giai đoạn này. RBA dự báo rằng lạm phát có thể tăng cao hơn vào cuối năm 2022 và sau đó giảm bớt vào năm 2023.
Một số chuyên gia đã lập luận rằng lạm phát lần này là lạm phát “chi phí đẩy” chứ không phải do “cầu kéo”. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thậm chí còn đưa ra một khái niệm là “lạm phát tạm thời”. Luận điểm này có những điểm chưa chuẩn xác khi xét từ hai góc độ.
Nếu các doanh nghiệp và nhà sản xuất chỉ bị gia tăng chi phí tạm thời, thì lập luận chi phí đẩy có thể sẽ đúng. Tuy nhiên, chi phí đầu vào vẫn dai dẳng ở mức cao hơn dự đoán trong thời gian dài. Chỉ số giá sản xuất (PPI) quý 4 năm 2020 vốn đã yếu nay lại sắp giảm, căn cứ theo số liệu thống kê thường niên. Với điều kiện thị trường hiện tại, kết quả thống kê trong kỳ tiếp theo rất có khả năng sẽ tăng mạnh. Điều này sẽ khiến các doanh nghiệp đứng trước hai lựa chọn, một là chịu thiệt khi giảm biên lợi nhuận hoặc hai là tăng giá, “đá bóng” khoản tăng đó cho người tiêu dùng.
Cho đến nay, xu hướng chung đều là theo phương án thứ hai và bất kỳ CEO nào chăm chăm vì lợi nhuận cũng đều có khả năng theo đuổi con đường này. Người tiêu dùng đã cảm nhận được sức nóng tăng giá cả dịch vụ hàng hóa và từ các bằng chứng từ đời sống thường nhật, quá trình này đã tăng tốc lên. Các nhà tuyển dụng đã bắt đầu điều chỉnh tiền lương theo mức lạm phát mới. Giờ đây khi dự báo thì theo tự nhiên ai cũng sẽ đặt kỳ vọng mức tăng giá cao và đây là một vấn đề đáng quan ngại khi thiết lập mức mục tiêu lạm phát.
Khía cạnh thứ hai là chính sách. Lãi suất tiền mặt của RBA ở mức 0,10% là rất thấp. Trong khi đó, tiềm lực tài chính ở nhiều hộ gia đình vẫn đang khỏe hơn bao giờ hết. Điều này dẫn đến lạm phát do cầu kéo. Nếu chính sách được thiết lập sao cho ở mức gần trung lập (R*), bất kể là gì đi nữa thì lạm phát do cầu kéo sẽ có thể được gạt sang một bên. Nhưng thực tế không phải như vậy, người tiêu dùng có thể gồng được với mức giá cao hơn trong thời gian tới vì chính sách tiền tệ nới lỏng. Đa phần do nhu cầu mới phát sinh nhiều hơn nên đã khiến giá cả tăng mạnh.
Có thể RBA sẽ cân nhắc các khuyết điểm về mặt chính sách mà Cục Dự trữ Liên bang Mỹ gặp phải và ra quyết định hành động sớm hơn với các tín hiệu được báo hiệu trước đó. Họ có thể sẽ nói một đằng và làm một nẻo không lâu sau đó. Dữ liệu lạm phát quý đầu tiên sẽ được tung ra vào ngày 27/04. Cuộc họp RBA sẽ diễn ra vào Thứ Ba, ngày 03/05.
Thị trường chung hiện đang kỳ vọng RBA tăng lãi suất vào tháng 6. Nếu chỉ số CPI có kết quả thống kê khả quan thì điều đó có thể thúc đẩy RBA ra tay sớm hơn mong đợi.
Căn cứ trên tất cả những điều vừa nêu, RBA khó có khả năng vượt mặt Fed về tốc độ tăng lãi suất. Mức chênh lệch lợi suất trái phiếu chính phủ ngắn hạn có khả năng sẽ nghiên về phía USD, nhưng mức chênh lệch lợi suất dài hạn lại nghiêng về AUD, theo đó mức chênh lệch lợi suất 10 năm hiện đang ở mức trên 0,4%. Tuy nhiên, nếu RBA thay đổi kế hoạch, đồng AUD có thể sẽ tăng giá trong ngắn hạn.
Diễn biến giá của đồng Dollar Úc trong quý hai dường như sẽ phụ thuộc vào hai biến số chính. Thứ nhất, chiến tranh ở Ukraina sẽ tác động đến giá cả hàng hóa và thứ hai là các khoản điều chỉnh chính sách từ RBA và Fed.
Nếu chiến tranh kéo dài thì giá cả hàng hóa dường như sẽ vẫn còn đắt đỏ trong một khoảng thời gian nữa. Có thể giá hàng hóa hiện đã hấp thụ trước tác động từ kịch bản xấu nhất, nhưng hậu quả của các lệnh trừng phạt đối với Nga vẫn chưa được hấp thụ trọn vẹn.
RBA có thể sẽ bắt đầu chu kỳ tăng lãi suất sớm hơn dự đoán, nhưng Fed đang vạch ra một con đường quyết liệt hơn để chống lạm phát. Hành động của Fed đã khiến lợi suất trái phiếu dài hạn tăng cao hơn nhiều. Tuy nhiên, do giới đầu tư đánh cược mạnh mẽ vào khả năng tăng lãi suất của RBA nên làn sóng này đã làm nâng giá trị đồng AUD, vì trái phiếu Úc hiện đã vượt trái phiếu Mỹ khi có tỷ suất sinh lợi cao hơn.
AUD/USD & Chênh lệch lợi suất trái phiếu Úc-Mỹ kỳ hạn 10 năm (AU-US 10 year spread)
Theo dailyfx