Nội dung bài viết
1) CPI của Anh trong tháng 5 (22/06)
CPI của Anh đạt 9% trong tháng 4 chủ yếu do giá khí đốt và điện tăng mạnh, song song với nhịp tăng mạnh của giá xăng dầu, đóng góp 4,2% mức tăng chung. Giới quan sát càng lúc càng lo ngại rằng giá năng lượng có thể sẽ đắt đỏ kéo dài trong vài tháng. Ai cũng đã biết từ những kết quả thống kê PPI và giá sản xuất đầu vào rằng có rất ít dấu hiệu cho thấy lạm phát đang chậm lại. Giá đầu vào tăng cao hơn gấp đôi so với chỉ số CPI toàn phần khi tăng 18,6% và đạt đỉnh kỷ lục.
Nhịp giảm của đồng bảng Anh cũng không giúp cải thiện được gì trong vấn đề này, sau khi GBP giảm hơn 14% so với USD trong 12 tháng qua. Tuần trước, Ngân hàng Trung ương Anh đã tăng lãi suất trong cuộc họp thứ năm liên tiếp, tuy nhiên, một lần nữa, rõ ràng ngân hàng trung ương Anh không hề mặn mà với phương án này khi chỉ nâng lãi suất chuẩn lên 0,25% trong khi lẽ ra họ có thể nâng lãi suất đến 0,50%. Trong khi đó, Cục Dự trữ Liên bang lại được các nhà quan sát thị trường tin rằng sẽ tăng lãi suất thêm ít nhất 0,50% nữa cho đến cuối quý 3 để kìm hãm đà tăng lạm phát. Lạm phát được cho là gây rủi ro lớn hơn cho nền kinh tế so với việc áp dụng mức lãi suất cao hơn.
Các sự kiện trong vài ngày qua cũng dễ dàng lý giải tại sao giới đầu tư lại đặt niềm tin rất ít vào Ngân hàng Trung ương Anh khi lạm phát toàn phần được dự đoán tăng 9,1%, mặc dù CPI cơ bản cũng có thể bắt đầu tăng chậm lại. Cuối tuần, doanh số bán lẻ cho tháng 5 dự kiến cũng sẽ giảm tốc đáng kể sau khi tăng mạnh 1,4% trong tháng 4. Dự kiến con số này sẽ giảm -0,7%.
2) Kết quả kiểm tra sức chịu đựng của các ngân hàng Hoa Kỳ (23/06)
Vào thời điểm giá cả đang tăng vọt và niềm tin của người tiêu dùng đang sụt giảm, kết quả cuộc kiểm tra sức chịu đựng (stress test) của các ngân hàng Hoa Kỳ trong tuần này là một tín hiệu rất đúng lúc. May mắn là, với tỷ lệ thất nghiệp ở mức thấp nhất trong nhiều năm qua ở ngưỡng 3,5%, kết quả của tuần này sẽ không khiến giới đầu tư quá lo lắng về khả năng chống chọi của ngành ngân hàng Mỹ.
Trong đợt công bố kết quả mới nhất, 34 ngân hàng ở Mỹ sẽ phải ứng phó trước kịch bản suy thoái toàn cầu nghiêm trọng với sức ép gia tăng trong lĩnh vật bất động sản thương mại và thị trường nợ doanh nghiệp. Các thông số kiểm tra năm nay bao gồm tỷ lệ thất nghiệp ở Mỹ tăng 5,75% lên 10% trong hai năm tới. Thử nghiệm cũng giả định giá trị bất động sản thương mại giảm 40%, chênh lệch trái phiếu doanh nghiệp bị nới rộng và mức biến động thị trường tăng mạnh. Hơn nữa, các ngân hàng có hoạt động giao dịch lớn sẽ bị kiểm tra khả năng chịu đựng khi đối tác lớn nhất của họ bị sụp đổ.
3) Các chỉ số flash PMI của Pháp, Đức và Anh trong tháng 6 (20/06)
Dự kiến loạt dữ liệu flash PMI lần này sẽ lại yếu kém một lần nữa giữa bối cảnh kinh tế như hiện nay, mặc dù các hoạt động sản xuất và dịch vụ vẫn ở trạng thái tích cực trong vài tháng qua. Trong hai lĩnh vực vừa nêu, mảng sản xuất có phần vững vàng hơn, với kết quả khá ổn ở khoảng giữa vùng 50.
Vương quốc Anh là một ngoại lệ trong tháng 5 khi khu vực dịch vụ giảm mạnh từ 58,9 xuống 53,4 do áp lực chi phí sinh hoạt ảnh hưởng đến hoạt động chung của toàn ngành. Pháp và Đức lại có phần ổn hơn, tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là đà tăng giá năng lượng sẽ không có tác động tiêu cực tương tự đối với hai nền kinh tế này.
Rủi ro giảm tốc kinh tế vẫn còn đó, đặc biệt là ở Anh do việc tăng thuế vào tháng 4 đã ảnh hưởng đến các hoạt động kinh doanh cũng như niềm tin của người tiêu dùng.
4) CPI Nhật Bản trong tháng 5 (24/06)
Nhịp giảm 14% của đồng yên tính từ đầu năm đến thời điểm hiện tại và chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của ngân hàng trung ương nước này có khả năng đã khiến các thước đo lạm phát ở Nhật Bản gia tăng mạnh. Hơn 30 năm qua, chỉ số giá tiêu dùng Nhật Bản vẫn rất hiếm khi tăng mạnh lên trên ngưỡng 3%. Lần duy nhất chỉ số CPI tăng trên 2,5%, như ở mức ghi nhận hiện tại là trong khoảng thời gian 5 tháng ngắn ngủi vào năm 2014.
Với thực tế rằng Nhật Bản là nước nhập khẩu ròng dầu thô cũng như các mặt hàng khác, gần như chắc chắn số liệu lạm phát toàn phần sẽ tăng trong tuần sau, mà làn sóng này có thể sẽ dai dẳng hơn nhiều so với 8 năm trước. Đây sẽ là một thách thức đối với chính sách tiền tệ dễ dãi của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản nếu đồng yên này tiếp tục suy yếu, trong bối cảnh Fed ngày càng thắt chặt mạnh tay hơn. CPI Nhật Bản dự kiến sẽ duy trì ổn định ở mức 2,5%.
Theo FX Street