Nội dung bài viết
1.Bảng lương phi nông nghiệp (NFP) tháng 5 (03/06)
Rất khó xác định nền kinh tế Mỹ đang phục hồi đến mức nào khi ra đánh giá dựa trên một vài số liệu cơ bản. Dù sản lượng kinh tế giảm mạnh trong quý 1 nhưng dường như điều này không làm thay đổi động lực của thị trường lao động, vốn đang ở tình cảnh chật vật với tỷ lệ tham gia lao động thấp.
Bức tranh yếu kém về tỷ lệ tham gia lao động lại trái ngược hẳn với tình hình nhu cầu hiện tại khi thị trường lao động đang cần hơn 11 triệu vị trí tuyển dụng. Tuy vậy, theo dự kiến tỷ lệ này sẽ tăng lên mức 62,3% vào tháng 5. Có 428 nghìn việc làm mới đã được tạo ra thêm vào tháng 4, trong khi đó con số tháng 3 đã được sửa đổi giảm xuống còn 428 nghìn. Thu nhập trung bình hàng giờ vẫn ổn định ở mức 5,5%, mà điều này một lần nữa lại có vẻ rất khó hiểu trong khi có rất nhiều vị trí tuyển dụng chưa tìm được nhân sự phù hợp, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp vẫn ổn định ở mức 3,6%.
Xu hướng này dự kiến sẽ không cải thiện đáng kể qua số liệu bảng lương NFP tháng 5, với tỷ lệ tạo ra việc làm mới được dự báo sẽ giảm tốc lại về mức 329 nghìn, trong khi đó tỷ lệ thất nghiệp được kỳ vọng sẽ giảm xuống còn 3,5%. Không có số liệu nào trong số đó dự kiến sẽ thay đổi nhiều, tuy nhiên mức tăng trưởng tiền lương cũng có thể sẽ cung cấp manh mối về tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của các ngân hàng trung ương. Nếu mức tăng trưởng tiền lương tiếp tục mang lại kết quả mờ nhạt, với kỳ vọng giảm xuống còn 5,2%, thì rất có thể ngân hàng trung ương Mỹ sẽ khẩn trương thoát khỏi lộ trình thắt chặt
2.Chỉ số PMI Dịch vụ của Châu Âu trong tháng 5 (03/06)
Các số liệu PMI gần đây, đặc biệt là ở Châu Âu, đã nhanh chóng mất đi độ tin cậy, ít nhất là đối với các chỉ số PMI toàn phần về phương diện đánh giá sức bền của các nền kinh tế Pháp, Đức và Anh. Xét về tình hình kinh tế chung, rõ ràng là đà tăng trưởng kinh tế trong toàn khối cũng như ở Anh đang rất lao đao.
Tuy nhiên, khi nhìn vào các con số PMI, nhà đầu tư nào cũng sẽ dễ dàng nghĩ rằng tình hình chung đang rất tốt. Nhưng sự thật vẫn nói lên tất cả với việc giá năng lượng tăng cao và tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng đang đặt ra những thách thức đáng kể đối với các doanh nghiệp, cả lớn và nhỏ.
Các chỉ số PMI dịch vụ trong tuần sau dự kiến sẽ giảm so với những con số ghi nhận vào tháng 4, và tất cả các chỉ số đó đều ở giữa mức 50 đối với cả ba nền kinh tế Anh, Đức và Pháp. Chỉ số PMI của Trung Quốc thậm chí còn tệ hại hơn khi các số liệu khảo sát tư nhân cho thấy chúng chỉ đạt khoảng 34-35.
3.Dữ liệu cho vay ở Anh trong tháng 4 (30/05)
Có một điều khá ngạc nhiên là doanh số bán lẻ của Vương quốc Anh phục hồi mạnh mẽ trong tháng 4. Tốc độ tăng giá nhà cũng vẫn ổn định bất chấp áp lực lạm phát gia tăng và bất chấp tác động từ 4 đợt tăng lãi suất liên tiếp từ Ngân hàng Trung ương Anh. Cho đến nay, các số liệu tín dụng tiêu dùng và cho vay thế chấp vẫn ổn định trong suốt quý đầu tiên của năm 2022, với mức cho vay ròng tăng lên 7 tỷ bảng Anh vào tháng 3 và chạm mức cao nhất trong 6 tháng qua.
Mức tín dụng tiêu dùng ròng cũng đã phục hồi sau một màn khởi đầu chậm chạp trong năm, đạt 1,3 tỷ bảng Anh. Khi đánh giá kỹ lưỡng tình hình trước quý 2, số lượng đơn phê duyệt thế chấp có thể sẽ bắt đầu phát ra dấu hiệu hãm tốc lại. Trong khi đó số liệu tín dụng tiêu dùng có thể đi theo cả hai hướng, hoặc tăng lên nếu những người tiêu dùng đang trong tình cảnh khó khăn buộc phải vay nhiều hơn để chi trả cho các nhu cầu hàng ngày hoặc giảm xuống do người tiêu dùng thắt lưng buộc bụng và chăm chăm vào việc tiết kiệm.
4.Chỉ số flash CPI của EU trong tháng 5 (31/05)
Với việc số liệu CPI của EU hiện ở mức cao kỷ lục là 7,5% và CPI cơ bản thấp hơn một nửa so với mức đó với kết quả 3,5%, đã có một số ý kiến cho rằng lạm phát ở khu vực đồng euro đang đi ngang. Quan điểm này có vẻ là một nhận định sai lầm và nguy hiểm với những gì đang xảy ra đối với chỉ số PPI cũng như với các số liệu mới nhất của Đức sau khi đạt mức đỉnh kỷ lục mới vào đầu tháng này.
ECB cũng bắt đầu chuẩn bị tăng lãi suất thêm 0,25% tại cuộc họp tháng 7 để đối phó với lạm phát. Tuy nhiên, mức tăng nhỏ như vậy khi lãi suất đang âm (-0,5%) cũng sẽ khó có thể mang lại tác động nào rõ rệt. Chỉ số CPI đã tăng cao hơn nhiều ở các khu vực khác tại EU. Trong khi mức CPI có phần thấp hơn ở Pháp với 4,8% do chính phủ Pháp giới hạn giá năng lượng, ở những quốc gia như Estonia con số này là 18,8% và Lithuania là 16,8%. Theo kỳ vọng, CPI của EU sẽ đạt mức đỉnh kỷ lục mới là 7,6%.
5.Quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (01/06)
Sau khi dành phần lớn thời gian trong quý 1 để chần chừ đánh giá xem có nên tăng lãi suất hay không, Ngân hàng Trung ương Canada cuối cùng đã chấp nhận ra tay vào tháng 4 với việc nâng lãi suất chính thức từ 0,5% lên 1% trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp giảm và lạm phát gia tăng. Ngân hàng này cũng thông báo sẽ kết thúc chương trình thu mua trái phiếu chính phủ vào ngày 25/04.
Nước đi này hoàn toàn có thể dự đoán được vì Cục Dự trữ Liên bang (Fed) sẽ nâng lãi suất ở mức tương tự vài tuần sau đó và có rất ít dấu hiệu cho thấy áp lực lạm phát đang giảm bớt. Theo các con số CPI gần đây nhất, tỷ lệ lạm phát của Canada đã tăng lên 6,8%, tương ứng mức cao nhất kể từ năm 1990. Với tỷ lệ thất nghiệp cũng ở mức thấp 5,2%, quyết định của Ngân hàng Trung ương Canada trong tuần sau có thể cho thấy nhà băng này sẽ cân nhắc thắt chặt chính sách tiền tệ quyết liệt hơn nữa, từ 1% lên 1,5%.
Với việc Fed có khả năng tăng thêm 0,5% nữa vào tháng 6, Ngân hàng Trung ương Canada có khả năng sẽ phải điều chỉnh theo, tức là ở mức tối thiểu 0,5% trong tuần sau, hoặc thậm chí càng mạnh tay hơn với mức tăng 0,75% để đưa lãi suất trở lại vùng trung tính.
Theo fxstreet