Không có ngân hàng trung ương nào tổ chức họp vào tuần tới nhưng thị trường cũng sẽ đón nhận một loạt các dữ liệu kinh tế từ Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Các sự kiện chính trị cũng sẽ có vai trò nổi bật, trong đó phải kể đến cuộc họp G7 vào cuối tuần. Các nhà lãnh đạo toàn cầu dự kiến sẽ vạch ra các bước để ổn định thị trường năng lượng, mà điều này có thể có tác động to lớn đối với các ngân hàng trung ương.
Nội dung bài viết
Chính giới vào cuộc
Giá năng lượng tăng vọt và tác động của chúng đối với người tiêu dùng đã trở thành vấn đề chính trị quan trọng nhất trên toàn thế giới, khiến các nhà lãnh đạo toàn cầu phải vào cuộc để đưa ra giải pháp hoặc phải hứng chịu cơn phẫn nộ của các cử tri. Với các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ sắp diễn ra tại Mỹ, Nhà Trắng đang bước vào giai đoạn rất bận rộn.
Nhưng không chỉ các chính trị gia cảm thấy được sức nóng của thị trường hiện nay. Giá năng lượng là một trong những động lực lớn nhất tác động đến lạm phát kỳ vọng, từ đó thúc đẩy quyết định của các ngân hàng trung ương. Fed sẽ không cần phải mạnh tay tăng lãi suất nếu giá dầu thực sự hạ nhiệt.
Với kịch bản này, cuộc gặp của các nhà lãnh đạo G7 tại Đức vào cuối tuần sau có thể sẽ rất quan trọng. Mục tiêu ổn định giá năng lượng là vấn đề nóng bỏng trong chương trình nghị sự chung giữa bối cảnh có tin đồn hành lang cho rằng các lãnh đạo cấp cao đang cân nhắc đến cả các biện pháp quyết liệt như kiểm soát giá. Các cuộc hội nghị thượng đỉnh như thế hiếm khi mang lại bất kỳ hành động thiết thực nào, nhưng dù sao đi nữa, giới đầu tư cũng chỉ cần cảm nhận được xu hướng chung trên thế giới để từ đó đưa ra quyết định.
Nếu giá dầu tiếp tục giảm như trong thời gian gần đây thì điều đó cũng có thể tác động đến thị trường forex. Những đồng tiền bị giảm sâu như đồng yên Nhật hoặc đồng euro với mức giảm ít hơn có thể sẽ tăng nhẹ trở lại, vì cả hai nền kinh tế tương ứng đều là những nơi nhập khẩu rất nhiều năng lượng.
Ngoài ra, ECB cũng tổ chức một diễn đàn thảo luận giữa các ngân hàng trung ương. Sự kiện này thường mang tính chất hàn lâm nhưng giới đầu tư vẫn sẽ căng mắt theo dõi để chớp lấy bất kỳ tín hiệu nào từ bộ ba nhân vật quan trọng nhất vào ngày thứ Tư, bao gồm Chủ tịch Fed Jerome Powell, Chủ tịch ECB Christine Lagarde và Thống đốc BoE Andrew Bailey.
Lạm phát khu vực đồng tiền chung châu Âu: vẫn nóng
Châu Âu có cả tin tốt và tin xấu. Tin tốt là áp lực lạm phát cuối cùng dường như cũng đang giảm dần theo các cuộc khảo sát kinh doanh mới nhất. Còn về tin xấu, châu Âu có kết quả này là vì người tiêu dùng đã bắt đầu cắt giảm chi tiêu.
Niềm tin doanh nghiệp đã giảm mạnh và số lượng đơn đặt hàng mới bị đình trệ, điều này cho thấy nền kinh tế đang hãm tốc nhanh chóng và thời hạn để ECB tăng lãi suất đang thu hẹp lại. Dự báo từ thị trường chung cho thấy khi kết thúc năm, lãi suất sẽ tăng từ mức -0,5% hiện tại lên mức 1%, nhưng con số đó lại có vẻ không thực tế vì loạt dữ liệu kinh tế đang yếu kém dần.
Manh mối tiếp theo sẽ xuất hiện vào ngày thứ Sáu, với báo cáo lạm phát mới nhất của Khu vực đồng tiền chung châu Âu. Mặc dù có một số dấu hiệu ban đầu cho thấy lạm phát đã bắt đầu hạ nhiệt, nhưng chỉ số CPI hàng năm vẫn có khả năng tăng cao hơn do một số dữ liệu thống kê hàng tháng từ năm ngoái tuy thấp nhưng hiện đã bị loại khỏi phép tính theo chu kỳ 12 tháng.
Về phía đồng euro, kịch bản đảo ngược xu hướng vẫn rất xa vời trong khi giá năng lượng đang quá đắt đỏ và các chỉ báo suy thoái đang có tín hiệu báo động. Trong suốt chiều dài lịch sử, đồng euro luôn mạnh lên khi thặng dư thương mại của Khu vực đồng tiền chung châu Âu cao. Trạng thái này hiện đã chuyển thành thâm hụt thương mại do giá dầu tăng vọt. Do đó, nếu EUR có tăng đi nữa thì cũng chỉ tăng nhẹ cho đến khi giá năng lượng thực sự hạ nhiệt trở lại.
Nhật Bản: tầm quan trọng của dữ liệu
Ở Nhật Bản, dữ liệu kinh tế đã không làm thay đổi giá đồng yên trong nửa thập kỷ nay, nhưng điều đó có thể sắp thay đổi. Đồng yên từng có giai đoạn không bị tác động bởi dữ liệu kinh tế vì Ngân hàng Trung ương Nhật Bản không có triển vọng thay đổi chính sách. Thế nhưng hiện nay họ sẽ có khả năng xoay trục.
Giới trader có thể đã bắt đầu ngửi thấy mùi tiền khi đặt cược rằng BoJ sẽ sớm nhượng bộ và nâng mức trần mà họ đã áp dụng đối với lợi suất trái phiếu Nhật Bản, một chiến lược vốn dĩ đã giết chết đồng yên. Cú sụp đổ của đồng yên đã biến thành một vấn đề chính trị, với việc chính phủ Nhật phải đối mặt với sự phẫn nộ của công chúng khi chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Điều này cho thấy rằng nếu đồng yên tiếp tục mất giá, BoJ có thể sẽ cân nhắc đến các biện pháp can thiệp tỷ giá, ngay cả khi chỉ nhằm loại bỏ các nhà đầu cơ. Một số chuyên gia chiến lược dự báo tỷ giá Dollar Mỹ trên yên Nhật có thể tăng tối đa đến vùng 145. Điều dẫn đến hai tình huống, hoặc lạm phát sẽ tăng quá cao và BoJ sẽ phải tự xoay chuyển lập trường hoặc cuộc khủng hoảng tiền tệ sẽ không thể giải quyết bằng các biện pháp chính trị và giới chức Nhật buộc phải can thiệp tỷ giá.
Dù thế nào đi nữa thì sau cơn mưa trời sẽ lại sáng. Giới đầu tư sẽ chú ý đến bản tóm tắt ý kiến từ cuộc họp mới nhất của BoJ vào đầu ngày thứ Hai để chớp lấy bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy các nhà hoạch định chính sách xứ sở hoa anh đào đang bắt đầu mất kiên nhẫn. Nhưng sự kiện chính sẽ diễn ra vào thứ Sáu, khi kết quả khảo sát kinh doanh Tankan của BoJ được công bố cùng với số liệu thống kê lạm phát kỳ vọng của Tokyo.
Nếu có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy lạm phát cuối cùng tăng nhẹ thì điều này có thể khiến giới đầu tư tiếp tục tin tưởng vào kịch bản BoJ thay đổi đường lối vào tháng 7 hoặc tháng 9, qua đó giúp ngăn chặn đà sụt giảm của đồng yên.
Theo FX Street