Nội dung bài viết
1) Quyết định lãi suất của Ngân hàng Trung ương Canada (13/04)
Việc Ngân hàng Trung ương Canada (BOC) hoãn tăng lãi suất tại cuộc họp tháng 3 có phần hơi đáng ngạc nhiên vì vào tháng 1, ngân hàng này đã cảnh báo rằng lạm phát có khả năng tăng cao hơn dự báo trong hầu hết năm nay và một phần của năm tiếp theo. Thực tế là BOC đã không bình luận gì thêm về quyết định thận trọng của họ, đặc biệt là với CPI đang đứng ở mức cao nhất trong 30 năm trở lại đây và thị trường lao động đang có diễn biến tốt.
Với việc Fed đã tăng lãi suất, BOC hiện có nhiều dư địa hơn để làm điều tương tự, tuy nhiên nhà băng này cũng có thể sẽ bắt đầu nghĩ lại về động thái rụt rè vừa qua. Mặc dù BOC vẫn có khả năng tăng lãi suất thêm 0,25% trong tuần này lên mức 0,75%, nhưng họ vẫn có khả năng tăng 0,5% lên mức 1% căn cứ trên kết quả báo cáo bảng lương hôm thứ Sáu và Fed có khả năng sẽ càng quyết liệt hơn vào tháng 5.
2) Quyết định lãi suất của ECB (14/04)
Khi ECB nhóm họp vào tháng 3, giới quan sát đã thấy những dấu hiệu đáng quan ngại đầu tiên rằng một số thành viên trong hội đồng điều hành đã bị lung lay khi nói đến triển vọng lạm phát. Quyết định của ECB báo hiệu rằng họ sẽ cắt giảm đều đặn chương trình thu mua tài sản trong suốt mùa hè, dự kiến sẽ kết thúc vào quý 3.
Điều này hơi bất ngờ vì ECB đã không còn thái độ úp mở rằng lãi suất sẽ có thể xuống thấp hơn mức hiện tại. Nước đi đó dường như đã mở ra nhiều lựa chọn cho ngân hàng trung ương châu Âu, và có thể họ sẽ có khả năng tăng lãi suất vào cuối năm nay, mặc dù vậy điều đó cũng chưa chắc. Và với kiểu luận điệu trong các biên bản cuộc họp gần đây, dường như một số quan chức thành viên ECB vẫn chưa hiểu rõ mức độ nghiêm trọng của tình hình hiện tại.
Màn thay đổi thái độ sang phe “diều hâu” như thế chỉ đơn thuần là để nhấn mạnh về những ràng buộc mà Ngân hàng Trung ương châu Âu đang phải đối mặt. Với việc chỉ số CPI cập nhật mới nhất trong tháng 3 tăng lên mức đỉnh kỷ lục 7,5% từ 5,9%, nhà đầu tư có vẻ sẽ càng lúc càng lo lắng, ngay cả khi CPI cơ bản vẫn duy trì ở mức thấp như 3%.
Làn sóng tăng giá thậm chí còn tổn hại nặng nề hơn cho các quốc gia như Ba Lan, Estonia và Lithuania, nơi lạm phát tăng trên 10%. Ngoài những quốc gia vùng Baltic này, cơn đau hiện còn đang lan sang các nền kinh tế lớn ở Bắc Âu như Đức, nơi mà tốc độ lạm phát hiện đã ở trên ngưỡng 7% và là mức đỉnh kỷ lục kể từ sau khi đất nước này thống nhất. Điều này có khả năng sẽ tạo ra một thách thức to lớn đối với ECB với mức lạm phát mục tiêu là 2% mà họ đang lệch rất xa, và nhịp tăng lợi suất trái phiếu có khả năng sẽ ảnh hưởng nặng nề cho các nước thành viên dễ bị tổn thương nhất.
Trong khi đó, Ý đang vấp phải một bài toán khó ở chỗ quốc gia này khó có khả năng gánh được khoản chi phí đi vay cao hơn. Đồng thời, chỉ số PPI của Ý cũng tăng mạnh nhất từ trước tới nay trên cơ sở hàng năm, hiện đang vượt quá 41%.
“Án binh bất động” có vẻ như là một thứ gì đó quá xa xỉ với ECB trong thời gian này, ngay cả khi họ rất muốn như vậy. Điều đó có nghĩa là lãi suất có thể sẽ tăng lên tại một thời điểm nào đó ngay sau Quý 3.
3) Hoạt động thương mại của Trung Quốc trong tháng 3 (13/04)
Dữ liệu thương mại tháng 2 của Trung Quốc cho thấy tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đạt mức khá, mặc dù vậy tốc độ này vẫn bị chậm lại khi chỉ tăng 16,3% so với một năm trước đó và giảm từ mức 29,9% trong tháng 12. Mức nhập khẩu cũng không có nhiều khởi sắc khi chỉ tăng 15,5% và thấp hơn so với mức 19,5% trong tháng 12. Nhịp suy yếu này cho thấy tác động từ việc giá cả tăng cao hơn và tình hình gián đoạn chuỗi cung ứng vẫn đang tiếp tục gây ra nhiều ảnh hưởng.
Trong khi đó các quy định hạn chế chống dịch tại Trung Quốc có khả năng sẽ vẫn kìm hãm mức nhu cầu. Trạng thái này có vẻ sẽ tiếp tục kéo dài cho đến tháng 3 khi chính quyền Trung Quốc áp đặt lệnh phong tỏa ở một số thành phố nhằm nỗ lực ngăn chặn làn sóng gia tăng các ca nhiễm Covid.
Một số ngành công nghiệp vẫn mở cửa làm việc dưới điều kiện bố trí an toàn. Tuy nhiên sản lượng có thể sẽ vẫn bị hạn chế, trong khi đó nhu cầu tiêu thụ dầu cũng có khả năng sẽ giảm trở lại do Trung Quốc áp đặt nhiều lệnh hạn chế khác nhau.
Mức xuất khẩu dự kiến tăng 14%, giảm từ 20,9% trong tháng 2 trong khi mức nhập khẩu dự kiến sẽ giảm từ mức 19,5% xuống 7%. Nếu các số liệu thống kê trong tháng 3 tệ hơn dự kiến thì điều đó sẽ càng thúc đẩy Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBOC) nới lỏng chính sách tiền tệ hơn nữa trong những tuần tới.
Theo FX Street