Cả Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) và Ngân hàng Trung ương Anh đều dự kiến sẽ tăng lãi suất trong tuần tới, mặc dù vậy Fed có lẽ sẽ tăng lãi suất nhiều hơn. Tuy nhiên, điều quan trọng là Ngân hàng Trung ương Úc sẽ làm gì khi áp lực đối với nhà băng này đang ngày càng tăng, buộc họ phải cân nhắc nâng lãi suất vào tháng 5 thay vì vào tháng 6. Tuần sau cũng sẽ là một tuần đầy ắp dữ liệu lao động vì ngoài báo cáo bảng lương phi nông nghiệp của Mỹ, Canada và New Zealand cũng sẽ công bố số liệu việc làm. OPEC sẽ tổ chức cuộc họp hàng tháng vào tuần tới nhưng dự kiến sẽ không bơm thêm dầu ngay cả khi các nhà lãnh đạo châu Âu đang cân nhắc liệu có nên cấm nhập khẩu dầu của Nga hay không.
Nội dung bài viết
Fed bắt đầu tăng lãi suất mạnh tay
Khi đồng Dollar Mỹ chạm mức cao nhất trong nhiều năm qua so với các đồng tiền khác, giới trader sẽ rất bận rộn vào tuần tới với một loạt dữ liệu đi kèm với cuộc họp quan trọng của FOMC. Chỉ số PMI sản xuất do ISM thống kê sẽ mở màn vào ngày thứ Hai nhưng sẽ khó có khả năng tác động xấu đối với phe mua USD vì chỉ số này được dự báo sẽ tăng từ mức 57,1 lên 58,0 vào tháng 4. Đơn đặt hàng nhà máy (factory orders) trong tháng 3 sẽ tiếp bước vào ngày thứ Ba và vào thứ Tư sẽ là báo cáo khảo sát cơ hội tuyển dụng JOLTS (JOLTS job openings) và báo cáo việc làm của ADP cùng với chỉ số PMI phi sản xuất của ISM. Giống như lĩnh vực sản xuất, mảng dịch vụ của nền kinh tế Mỹ dự kiến sẽ không có bất kỳ dấu hiệu giảm tốc nào khi chỉ số PMI phi sản xuất được dự báo sẽ tăng lên mức 59,0.
Số liệu bảng lương mới nhất vào ngày thứ Sáu tuần sau dự kiến cũng sẽ không có gì đáng quan ngại. Theo dự báo, Bảng lương phi nông nghiệp (nonfarm payrolls) sẽ tăng khoảng 400 nghìn trong tháng 4, mặc dù vậy tỷ lệ thất nghiệp được dự đoán sẽ giữ ổn định ở mức 3,6%. Thu nhập trung bình hàng giờ được dự báo sẽ tăng 0,4% so với tháng trước.
Nhưng tâm điểm chủ đạo vẫn sẽ là Fed, cơ quan này gần như chắc chắn sẽ tuyên bố tăng lãi suất 0,5% vào ngày thứ Tư. Đây có vẻ sẽ là nước đi đầu tiên trong nhiều động thái tương tự trong chu kỳ kinh tế hiện tại và Chủ tịch Jerome Powell đã không hề có ý phản bác lại khi giới đầu tư kỳ vọng nhà băng này tăng lãi suất mạnh tay hơn.
Ông Powell có thể sẽ củng cố quan điểm rằng Fed cần phải khẩn trương đạt được mức lãi suất trung lập, nhưng các nhà đầu tư cũng đang chờ quyết định về việc cắt giảm bảng cân đối kế toán. Biên bản cuộc họp gần đây nhất đã nêu rõ kế hoạch cắt giảm 95 tỷ USD/tháng và điều này có thể sẽ được xác nhận vào thứ Tư tuần tới.
Nếu Fed duy trì khuynh hướng “diều hâu” và nếu dữ liệu sắp tới không gây sốc với kết quả yếu kém thì đồng Dollar Mỹ có khả năng sẽ kéo dài chuỗi tăng giá vào tuần tới.
BoE sẽ tăng lãi suất một lần nữa, nhưng liệu họ có đẩy nhanh thắt chặt chính sách hay không?
Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) đã trở nên bớt quyết liệt hơn rất nhiều trong thời gian gần đây vì nhà băng này đang lo ngại về ảnh hưởng của áp lực tăng giá đối với khả năng chi tiêu của người tiêu dùng, trong khi đây lại là động lực chính của nền kinh tế Anh. Màn “quay xe” của BoE diễn ra khá kịch tính khi một thành viên của Ủy ban chính sách tiền tệ Anh thậm chí đã bỏ phiếu ủng hộ giữ nguyên lãi suất vào tháng 3. Chỉ mới đây trong cuộc họp trước đó vào tháng 2, những lá phiếu chống lại là của những quan chức đã biểu quyết tăng lãi suất lên 0,5%.
Ông Jon Cunliffe, người đã bỏ phiếu chống trong cuộc họp lần trước, một lần nữa dự kiến sẽ bỏ phiếu chống đối với đề xuất tăng lãi suất khi tám thành viên khác bỏ phiếu ủng hộ tăng 0,25%. Kết quả này sẽ đẩy mức lãi suất của BoE lên 1%, một mức chuẩn do BoE đặt ra để bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Anh.
Vào tháng 2, BoE đã quyết định ngừng tái đầu tư vào trái phiếu đáo hạn nhưng không rõ liệu các nhà hoạch định chính sách có sẵn sàng đẩy nhanh tiến độ bằng cách bán toàn bộ số trái phiếu chính phủ Anh hay không. Đà suy giảm triển vọng tăng trưởng gần đây của cả Vương quốc Anh và toàn thế giới đã làm dấy lên một câu hỏi, rằng các ngân hàng có cần thiết phải thắt chặt chính sách mạnh mẽ như vậy hay không. Hơn nữa, Thống đốc Andrew Bailey trước đó đã báo hiệu rằng ngưỡng 1% sẽ không phải là một ngưỡng kích hoạt tự động.
Do đó, có thể BoE sẽ đưa ra quyết định bắt đầu bán trái phiếu chính phủ Anh vào cuối năm nay. Có khả năng điều này sẽ khiến đồng bảng Anh giảm sâu hơn so với đồng Dollar Mỹ sau khi đã giảm xuống mức thấp nhất gần hai năm trở lại đây giữa bối cảnh giới đầu tư nhìn nhận bi quan hơn về nền kinh tế Anh. Tuy nhiên, đồng bảng Anh có thể sẽ thu hút được lực cầu hỗ trợ một khi dự báo lạm phát của BoE được sửa đổi theo hướng tăng trong Báo cáo Chính sách tiền tệ tháng 5 được công bố vào ngày thứ Năm tuần sau.
Theo FX Street