Đồng USD điều chỉnh nhẹ trong phiên giao dịch vừa qua, khi các nhà đầu tư chờ đợi dữ liệu lạm phát tháng 5 của Mỹ, cùng quyết sách lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ được công bố vào tuần tới, trong khi đồng CAD tăng vọt sau khi Ngân hàng Trung ương Canada tăng lãi suất. Dẫu vậy, cặp tiền tệ EUR/USD tiếp tục đối mặt với áp lực giảm giá, khi các dữ liệu kinh tế được công bố gần đây tại châu Âu, chẳng hạn như dữ liệu số đơn đặt hàng nhà máy tại Đức, cho thấy kết quả yếu hơn dự báo.

Nội dung bài viết
Bối cảnh cơ bản
Dữ liệu sản xuất công nghiệp mới công bố của Đức ngày hôm qua, dù đạt mức tăng nhẹ hàng tháng là 0,3%, cải thiện đáng kể so với mức giảm 2,1% trong tháng trước đó, nhưng vẫn thấp hơn so với mức dự kiến 0,6%.
Ngoài ra, dữ liệu sản xuất công nghiệp của Tây Ban Nha công bố ngày thứ Ba cũng yếu hơn đáng kể so với dự kiến. Sản lượng công nghiệp tháng 4 ghi nhận mức giảm 4,0% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu mức thấp nhất kể từ tháng 1/2021, khi đại dịch COVID-19 vẫn ảnh hưởng đến nền kinh tế.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) sản xuất của Eurozone, hiện ở mức 44,8, không cho thấy bất kỳ dấu hiệu nào về một sự thay đổi trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp vốn đang yếu kém. Tâm lý bi quan ngày càng gia tăng trong lĩnh vực này, dường như cho thấy rằng, bầu không khí lạc quan trước đó, được kích hoạt bởi sự giảm giá năng lượng, hiện đang dần phai nhạt. Hơn thế nữa, doanh số bán lẻ tháng 4 của Eurozone vừa công bố hôm qua cũng trì trệ và không đạt mức kỳ vọng.
Ngân hàng Trung ương Mỹ dự kiến sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp chính sách tới, để đánh giá lại tác động của việc tăng lãi suất gần đây. Tuy nhiên, các nhà giao dịch hợp đồng tương lai của quỹ Fed đang định giá cho một đợt tăng lãi suất bổ sung vào tháng 7. Ngoài ra, các nhà kinh tế dự đoán, dữ liệu lạm phát tiêu dùng sẽ tăng 0,30% trong tháng 5.
Bipan Rai, Trưởng bộ phận chiến lược ngoại hối Bắc Mỹ tại CIBC Capital Markets ở Toronto, Canada cho rằng: “Con số CPI đó cũng sẽ rất quan trọng đối với quyết định của Fed”.
Trước đó, dữ liệu được công bố hôm 7-6 cho thấy thâm hụt thương mại của Mỹ đã tăng lên mức cao nhất trong 8 năm vào tháng 4, do nhập khẩu hàng hóa tăng trở lại trong khi xuất khẩu các sản phẩm năng lượng giảm.
Jane Foley, Chiến lược gia trưởng của Rabobank nhận định: “Lạm phát ở Mỹ cũng như ở phần lớn các quốc gia G10 đều kéo dài và có khả năng sẽ tăng trở lại, buộc các Ngân hàng trung ương phải hết sức thận trọng”.
Đồng USD được hỗ trợ nhờ các số liệu tại Eurozone suy yếu

Dữ liệu gần đây của Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cho thấy kỳ vọng lạm phát của người tiêu dùng trong 12 tháng tới giảm đáng kể, từ 5,0% trong tháng 3 xuống 4,1% trong tháng 4. Tương tự, kỳ vọng lạm phát ba năm giảm từ 2,9% xuống 2,5%. Sau khi dữ liệu này được công bố, lợi suất trái phiếu chính phủ kỳ hạn 2 năm ở khu vực cốt lõi của Châu Âu đã giảm thêm, ngay trước cuộc họp của ECB dự kiến vào thứ Năm tới.
Thị trường hiện đang nghiêng về mức tăng lãi suất 0,25 điểm % trong tuần tới, trong khi thị trường Hoán đổi chỉ số qua đêm (OIS) dự báo ECB sẽ tăng lãi suất thêm 0,42 điểm % trong hai cuộc họp tới, thấp hơn một chút so với dự báo hồi cuối tháng Năm.
Tuy nhiên, một sự thay đổi đáng kể hơn trong dữ liệu kinh tế sẽ là cần thiết để thay đổi quan điểm của ECB về việc thực hiện thêm hai đợt tăng lãi suất bổ sung. Trong bài phát biểu hôm qua tại nghị viện châu Âu, Chủ tịch ECB Christine Lagarde nhấn mạnh rằng “áp lực giá cả vẫn còn mạnh” và lãi suất chính sách sẽ được điều chỉnh để đạt được sự ổn định giá cả. Dự kiến, ECB sẽ tiến hành thêm hai đợt tăng lãi suất nữa trước kỳ nghỉ hè, dù một số quan chức có quan điểm diều hâu như Nagel muốn ECB mạnh tay hơn nữa.