Lạm phát tại Anh hạ nhiệt trong khi đồng USD đang có xu hướng đi xuống với kỳ vọng FED sẽ nới lỏng tốc độ tăng lãi suất. Cặp GBP/USD có xu hướng đi lên.
Nội dung bài viết
Anh: Lạm phát tháng 11 giảm xuống 10,7% do chỉ số giá hàng năm tăng chậm lại
Tỷ lệ lạm phát tại Anh trong tháng 11 giảm mạnh nhất trong 16 tháng về mức 10,7% do đà tăng giá quần áo và xăng dầu bắt đầu giảm trong bối cảnh lo ngại về một cuộc suy thoái kéo dài. Hầu hết các nhà phân tích của Trung tâm tài chính London trước đó dự đoán chỉ số tăng giá hàng năm của tháng 11 sẽ giảm về mức 10,9% từ 11,1% trong tháng 10.
Tuy nhiên, giá cả vẫn tăng dù với tốc độ chậm hơn và chi phí ngày càng tăng sẽ tạo thêm áp lực buộc các quan chức chính phủ phải tăng lương trong khu vực công để thu hẹp khoảng cách giữa thu nhập và giá cả tăng.
Chỉ số giá bán lẻ, vốn là thước đo lạm phát được hầu hết các nghiệp đoàn sử dụng làm cơ sở để đòi tăng lương hàng năm, chỉ giảm nhẹ từ 14,2% xuống 14% trong tháng 11.
Dự báo về một cuộc suy thoái kéo dài đến cuối năm 2023 đã khiến giá dầu thô giảm kể từ năm ngoái, kéo theo chi phí vận chuyển giảm. Trong khi đó, chi phí quần áo tăng cao đã bắt đầu giảm nhiệt, buộc các nhà bán lẻ ở châu Âu và Mỹ phải tăng hàng hoá lưu kho khi người tiêu dùng cắt giảm mua sắm.
Giá nhiên liệu trong năm đã tăng 17,2% tính đến tháng 11/2022, giảm từ mức tăng 22,2% tính đến tháng 10, trong khi giá quần áo và giày dép tăng 7,5%, giảm từ mức tăng 8,5% trong tháng 10.
Văn phòng Thống kê Quốc gia Anh (ONS) cho biết chi phí dịch vụ du lịch, khách sạn và ăn uống nhà hàng đóng vai trò lớn nhất trong việc khiến giá các dịch vụ này tăng cao hơn trong tháng 11 lên 10,2% từ mức 9,6% trong tháng 10.
Các quan chức của Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hiện đang chịu áp lực mạnh về việc tăng lãi suất tại cuộc họp ngày 15/12 để thiết lập lãi suất cơ bản của ngân hàng trung ương. Ủy ban chính sách tiền tệ (MPC) được dự đoán sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,5 điểm phần trăm lên 3,5%. Các thành viên MPC đang lo ngại rằng lạm phát hai con số sẽ gây ra làn sóng đấu tranh đòi lương cao, dẫn đến một đợt tăng giá tiếp theo vào năm 2023.
Jack Leslie, nhà kinh tế cấp cao tại tổ chức nghiên cứu Resolution Foundation, nhận định: “Nước Anh hiện có thể đã vượt qua đỉnh lạm phát, đây là tin tốt cho các nhà hoạch định chính sách ở cả Ngân hàng trung ương và Bộ Tài chính khi họ phải vật lộn với lãi suất và nợ công tăng cao”. Tuy nhiên, ông này cũng lo ngại mức tăng giá vượt xa mức tăng lương sẽ khiến cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt sẽ tiếp tục trầm trọng hơn vào năm 2023.
Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Jeremy Hunt dự đoán kinh tế Anh sẽ trở nên tồi tệ hơn nữa trước khi được cải thiện. Ông này lý giải nguyên nhân chính gây ra tình trạng lạm phát cao ở các nước châu Âu là do hậu quả của đại dịch COVID-19, đồng thời khẳng định giảm lạm phát để tăng tiền lương cho người lao động là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Anh.
Những thông tin tích cực này đang góp phần giúp đồng bảng Anh mạnh lên sau một thời gian đi xuống vì những chính sách kinh tế gây tranh cãi.
Đồng USD đã chạm mức đỉnh?
Sau giai đoạn ẩn mình chờ thời, phe bán USD nay đã vào cuộc. Sau khi tăng 16% trong 10 tháng đầu năm, chỉ số Đô la Mỹ (DXY), một đại lượng đo lường sức mạnh của đồng bạc xanh so với rổ các loại tiền tệ khác, đã trượt dốc 5% trong tháng 11, tương ứng với tháng tồi tệ nhất kể từ tháng 09/2010. Kể từ đó, chỉ số DXY đã giảm thêm 1% do mức tăng giá tiêu dùng trong tháng 11 thấp hơn dự kiến. Kết quả này đã làm dấy lên một số tin đồn mới rằng đồng tiền của Hoa Kỳ đã chạm đỉnh sau khi được thúc đẩy nhờ các đợt tăng lãi suất mạnh mẽ của Fed, nền kinh tế nội địa khỏe mạnh và giữ vững vị thế là kênh tài sản trú ẩn an toàn của thế giới. Dựa trên đa số các thước đo giá trị, đồng Đô la lẽ ra không mạnh đến mức đó. Nhưng trên thực tế đồng tiền này sẽ vẫn đắt giá như vậy.
Theo nghiên cứu từ Deutsche Bank, đợt tăng giá kéo dài 11 năm qua đã khiến đồng bạc xanh trở thành đồng tiền được định giá cao nhất thế giới. Khi xét sức mua tương đương theo phép ước tính tỷ giá hối đoái tối ưu bằng cách đánh giá chi phí hàng hóa và dịch vụ ở mỗi quốc gia, đồng Đô la đang đắt hơn gần 35% so với mức hợp lý. Theo các thước đo giá trị hợp lý dựa trên các yếu tố kinh tế cơ bản như số dư tài khoản vãng lai và tỷ lệ thất nghiệp, đồng bạc xanh đang cao hơn khoảng 20% so với mức “chuẩn”.
Phân tích kỹ thuật
GBP/USD ngắn hạn: xác suất tăng cao hơn
Quan sát kỹ thuật: Vị thế mua trên 1,231. Mục tiêu 1,2455. Ngược lại, nếu giá phá thủng xuống dưới 1,231 thì mục tiêu là 1,227.
Nhận xét: Cặp tiền tệ này dự kiến sẽ phá vỡ lên trên mức kháng cự.