Trong phiên giao dịch vào thứ Ba, GBP/USD ghi nhận xu hướng giảm ngày thứ hai liên tiếp, trong bối cảnh thiếu vắng động lực tăng giá. Đồng USD tăng lên mức đỉnh mới trong nhiều tuần, và là yếu tố chủ chốt gây áp lực lên tỷ giá. Tuy nhiên, xu hướng giảm phần nào bị hạn chế trước cuộc họp của BOE vào thứ Năm và báo cáo NFP của Mỹ vào thứ Sáu.

Một cuộc khảo sát từ Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cho thấy các ngân hàng Mỹ báo cáo các tiêu chuẩn tín dụng được thắt chặt hơn, và nhu cầu vay giảm trong quý thứ hai, một dấu hiệu cho thấy lãi suất tăng đang có tác động đến nền kinh tế.
Ngoài ra, các ngân hàng cũng kỳ vọng sẽ thắt chặt hơn nữa các tiêu chuẩn trong thời gian còn lại của năm 2023.
Theo Marc Chandler, Chiến lược gia trưởng thị trường tại Bannockburn Global Forex, New York, Mỹ: “Trong một môi trường lãi suất cao hơn, các tiêu chuẩn cho vay sẽ bị thắt chặt và nhu cầu cũng giảm đi”.
Kỳ vọng về việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa đã đẩy đồng dollar Mỹ (USD) lên mức cao nhất kể từ 10/7, và trở thành yếu tố chủ chốt gây sức ép lên GBP/USD.
Trên thực tế, báo cáo GDP của Mỹ công bố hồi tuần trước đã cho thấy sự vững vàng của nền kinh tế, và mở đường cho một đợt tăng lãi suất thêm 0,25 điểm % trong tháng 9 hoặc 11. Ngoài ra, Chủ tịch Fed Jerome Powell cũng cho biết, nền kinh tế và thị trường lao động vẫn cần hạ nhiệt hơn nữa, để đưa lạm phát về mức mục tiêu 2% một cách bền vững.

Những lo ngại về sự giảm tốc hơn nữa của kinh tế Trung Quốc, cùng các số liệu Nhà quản trị mua hàng (PMI) kém khả quan trong tháng 7, đã hỗ trợ cho công cụ trú ẩn an toàn USD, và gây sức ép lên tỷ giá GBP/USD.
Tuy nhiên, kỳ vọng về việc Ngân hàng Trung ương Anh (BOE) sẽ tăng lãi suất nhiều hơn, có thể hỗ trợ đồng bảng Anh, và giúp hạn chế đà giảm của GBP/USD, ít nhất là trong ngắn hạn.
Trên thực tế, BOE nhiều khả năng sẽ tăng lãi suất cơ bản thêm 0,25 điểm % vào ngày 3/8, lên mức 5,25% – mức cao nhất kể từ đầu năm 2008. Hơn nữa, thị trường cũng dự đoán BOE sẽ tăng lãi suất thêm 2 lần nữa trong năm nay khi áp lực lạm phát vẫn dai dẳng. Điều này sẽ khiến giới đầu tư thận trọng hơn khi đặt cược vào khả năng tỷ giá giảm mạnh.
Các nhà đầu tư hiện đang chờ đợi chỉ số PMI sản xuất của Vương quốc Anh để tìm kiếm động lực mới. Bên cạnh đó là các dữ liệu kinh tế quan trọng tại Mỹ như chỉ số PMI sản xuất của ISM và báo cáo cơ hội việc làm JOLTS sẽ được công bố cuối phiên Bắc Mỹ.
Trong khi đó, bảng lương phi nông nghiệp được công bố ngày 4-8 sẽ là một trong những dữ liệu đầu tiên có ý nghĩa quyết định tới chính sách lãi suất của Fed vào cuối tháng 9. Trước đó, các nhà lãnh đạo ngân hàng trung ương sẽ tham dự hội nghị chuyên đề từ ngày 24-26 tháng 8 của Fed tại Jackson Hole, Wyoming.
Nội dung bài viết
Phân tích kĩ thuật cặp GBP/USD

Trong ngày giao dịch thứ Ba tại thị trường châu Á, GBP/USD tiếp tục chịu áp lực bán ra phiên thứ hai liên tiếp, dù vẫn cố gắng giữ vững ở trên mốc 1,2800.
Trong trường hợp GBP/USD tăng trên 1,2870 và bắt đầu sử dụng mức đó làm hỗ trợ, 1,2900 (mức tâm lý) có thể đóng vai trò là mức kháng cự tạm thời trước khi những người đầu cơ giá lên có thể nhắm mục tiêu 1,2930 (đường SMA 100 kỳ; mức thoái lui Fibonacci 38,2%).
Mặt khác, hỗ trợ đầu tiên nằm ở 1,2830 (đường SMA 200 kỳ) trước 1,2800 (mức tâm lý, mức thoái lui Fibonacci 61,8%) và 1,2760 (mức thấp ngày 28 tháng 7).