Giá dầu thế giới trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu (18/3) tăng, nhưng ghi nhận tuần giảm thứ hai liên tiếp. Thị trường tiếp tục có một tuần giao dịch đầy biến động vì lo ngại khó có thể tìm được nguồn cung dầu thay thế cho Nga.
Khép phiên, giá dầu Brent tương lai tăng 1,29 USD, tương đương 1,2% lên 107,93 USD/thùng, sau khi tăng gần 9% vào phiên trước – mức tăng phần trăm lớn nhất trong một ngày kể từ giữa năm 2020.
Giá dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,72 USD, tương đương 1,7% lên 104,70 USD/thùng. Trong phiên ngày 17/3, giá dầu WTI cũng tăng thêm tới 8%.
Tính chung cả tuần, cả hai loại dầu ghi nhận mức giảm khoảng 4%. Nhiều nhà đầu tư đã chốt lời khi giá đạt mức cao nhất trong 14 năm trong gần hai tuần trước.
Yếu tố chi phối diễn biến thị trường dầu thô thế giới hiện vẫn là cuộc xung đột quân sự Nga-Ukraine. Chính phủ Nga mới đây cho biết vẫn chưa đạt được thỏa thuận nào sau ngày đàm phán thứ 4 với Ukraine, dù một số dấu hiệu tiến triển đã xuất hiện hồi đầu tuần.
“Những kỳ vọng trước đó về một thỏa thuận hoặc ngừng bắn giữa Ukraine và Nga đã không còn khi cuộc tấn công quân sự của Nga vào các thành phố quan trọng tiếp tục dẫn đến các biện pháp trừng phạt tài chính bổ sung chống lại Nga,” ông Jim Ritterbusch, chủ tịch của Ritterbuch và Associates LLC cho biết.
Giá dầu thô đã biến động mạnh, được thúc đẩy bởi tình trạng gián đoạn nguồn cung trong bối cảnh các thương nhân tránh dầu có nguồn gốc từ Nga và kho dự trữ dầu ngày càng cạn kiệt. Tuy nhiên, những lo lắng về nhu cầu đang tạo áp lực lên giá dầu, trong bối cảnh số ca mắc Covid-19 tăng cao tại Trung Quốc, trong khi các cuộc đàm phán với Iran đang trở thành yếu tố không lường trước trên thị trường.
Sự biến động đã khiến một số nhà đầu tư sợ hãi rời khỏi thị trường dầu mỏ. Điều này có thể làm trầm trọng thêm sự biến động giá.
Trong khi đó, sản lượng từ nhóm các nhà sản xuất OPEC+ trong tháng 2 thậm chí còn thấp hơn các mục tiêu so với tháng 1. Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) cho biết các thị trường dầu mỏ có thể mất 3 triệu thùng dầu Nga/ngày kể từ tháng 4.
Các nhà sản xuất dầu của Mỹ cũng đang cho thấy năng lực sản xuất hạn chế từ khi cuộc xung đột ở Ukraine bắt đầu. Theo công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes, các công ty năng lượng Mỹ trong tuần này đã giảm 3 giàn khoan dầu xuống còn 524 giàn khoan đang hoạt động.
Công ty tư vấn FGE cho biết sản lượng dầu dự trữ của các nước sản xuất dầu lớn hiện thấp hơn 39,9 triệu thùng vào thời điểm này trong năm so với mức trung bình giai đoạn 2017-2019.
Nội dung bài viết
Phân tích giá dầu: Thị trường “kiệt sức” vào cuối tuần
Các thị trường dầu thô ban đầu tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu nhưng tới cuối phiên đã xóa bớt một phần đà tăng. Điều này cho thấy dường như “vàng đen” đang kiệt sức khi bước vào cuối tuần.
Dầu thô WTI
Giá dầu thô WTI ban đầu đã tăng lên trong phiên giao dịch ngày thứ Sáu để lấp đầy khoảng trống hồi đầu tuần này. Điều này cho thấy có vẻ như hành động giá đã tạo ra một mức đáy quan trọng trong 24 giờ qua. Tuy nhiên, giá có thể sẽ đi ngang trong khu vực hiện tại, dù vẫn bám theo đường xu hướng tăng trong khung thời gian dài hơn. Ngoài ra, đường EMA 50 ngày ở mức 94,63 USD ngay bên dưới mức giá hiện tại là ngưỡng quan sát cần chú ý, cho thấy thị trường vẫn đang nhận được sự hỗ trợ.
Giá dầu Brent
Giá dầu Brent đã chứng kiến một phiên giao dịch nhiều biến động và về cuối phiên, giá dầu đã giảm nhẹ so với mức cao nhất trong ngày. Thị trường có vẻ như đã hình thành ngưỡng hỗ trợ ở đây. Giống với dầu thô WTI, giá dầu Brent hiện đang ở phía trên đường EMA 50 ngày cũng như đường xu hướng tăng. Bất cứ đợt thoái lui nào diễn ra vào thời điểm này chỉ đơn giản là giúp thị trường bước vào giai đoạn hợp nhất hoặc tích lũy. Chỉ khi giá phá vỡ xuống bên dưới ngưỡng 90 USD thì mới đáng lo ngại. Nói tóm lại, thị trường vẫn đang trong xu hướng tăng giá nên đợt pullback hiện nay là hoàn toàn bình thường.
Theo reuters; fxempire