Giá dầu thô tiếp tục giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (1/12) vì giới đầu tư tranh thủ chốt lời sau đợt tăng bất ổn đầu phiên, trong bối cảnh lo ngại biến thể Omicron có thể khiến nhu cầu dầu giảm trong khi nguồn cung tăng.
Giá giảm xuống vùng tiêu cực sau khi các quan chức Mỹ cho biết biến thể Omicron, được cho là dễ lây truyền hơn các chủng COVID-19 trước đó, đã được tìm thấy ở nước này.
Khép phiên, giá dầu Brent giảm 0,5% xuống 68,87 USD/thùng. Giá dầu WTI tương lai giảm 0,9%, giao dịch ở 65,57 USD/thùng, trong phiên có lúc giảm tới 4%.
“Khi thị trường đón nhận thông tin về biến chủng mới, nhà đầu tư lập tức bán trước, hỏi sau”, John Kilduff, nhà phân tích tại Again Capital LLC, New York, nói. Tuy nhiên, ông dự đoán đà tăng sẽ trở lại khi WTI vượt 70 USD/thùng.
Giá dầu vài tuần qua phải chịu áp lực từ các yếu tố như biến chủng virus corona mới, Mỹ cùng một số nước quyết định giải phóng dầu từ kho dự trữ để hạ nhiệt vàng đen.
Các nhà đầu cơ trên thị trường, những người đang gia tăng vị thế mua trong năm nay với kỳ vọng nguồn cung thắt chặt, đã thay đổi quan điểm khi các yếu tố cơ bản biến động. Tuy nhiên, các công ty môi giới lớn cho rằng đợt bán tháo đã diễn ra quá mức, quá nhanh.
“Cộng đồng đầu cơ đang là nhóm chiếm đa số trong xu hướng này”, giám đốc năng lượng tương lai Robert Yawger tại Mizuho nói.
Cả giá hợp đồng Brent và WTI giao tháng 11 đều có mức giảm theo tỷ lệ hàng tháng cao nhất kể từ tháng 3/2020, với giá dầu Brent giảm 16% và WTI giảm 21%.
Biến chủng Omicron đang làm phức tạp hóa quá trình ra quyết định của OPEC cùng các nước đồng minh, còn được gọi là OPEC+. Trong ngày 2/12, OPEC+ sẽ nhóm họp để xác định có tiếp tục tăng sản lượng 400.000 thùng/ngày vào tháng kế tiếp hay không.
Một số người đã suy đoán rằng OPEC + có thể tạm dừng việc gia tăng sản lượng trong nỗ lực làm chậm tăng trưởng nguồn cung, hiện dự kiến sẽ đạt mức thặng dư 3,8 triệu thùng/ngày vào tháng 3/2022. OPEC + có thể sẽ đưa ra quyết định cuối cùng ngay sau khi nhóm họp xong.
Một số bộ trưởng OPEC + đã nói rằng không cần thiết phải thay đổi lộ trình. Nhưng ngay cả khi OPEC + đồng ý tăng nguồn cung theo kế hoạch vào tháng 1 năm sau, các nhà sản xuất vẫn có thể phải vật lộn để bổ sung thêm số lượng đó.
Có nhiều dấu hiệu cho thấy OPEC+ sẽ không sớm tăng sản lượng dầu, trong nỗ lực duy trì mức giá hiện tại ở khoảng 70 USD/thùng,” nhà phân tích Stephen Brennock của PVM cho biết.
Hồi tháng 11, Mỹ cùng với một số quốc gia khác, đã công bố kế hoạch giải phóng 50 triệu thùng dầu dự trữ của mình ra thị trường để cố gắng hạ nhiệt giá năng lượng.
Thứ trưởng Năng lượng Mỹ David Turk cho biết chính quyền của Tổng thống Joe Biden có thể điều chỉnh thời gian dự kiến giải phóng kho dự trữ dầu thô chiến lược nếu giá năng lượng toàn cầu giảm đáng kể.
Giới phân tích tại Goldman Sachs gọi đợt giảm lần này của giá dầu là “thái quá”, cho rằng “thị trường phản ứng vượt cả ảnh hưởng tiềm ẩn của biến chủng mới đến lực cầu dầu”.
Theo dữ liệu từ chính phủ Mỹ, dự trữ xăng của nước này đã tăng 4 triệu thùng trong tuần trước lên 215,4 triệu thùng, vượt xa kỳ vọng của các nhà phân tích. Trên cơ sở bốn tuần, nhu cầu xăng dầu vẫn phù hợp với mức trước đại dịch.
Tồn kho dầu thô trong tuần kết thúc ngày 26/11 giảm 910.000 thùng, thấp hơn mức dự báo giảm 1,2 triệu thùng.
Theo Reuters