Trong phiên 2/11, giá dầu thế giới tăng ngay cả khi các tài sản rủi ro khác giảm sau lần tăng lãi suất “khủng” lần thứ tư trong năm 2022 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed).
Cụ thể, giá dầu Brent tăng 1,51 USD (1,6%) lên 96,16 USD/thùng, giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 1,63 USD (1,8%) lên 90 USD/thùng.
Fed đã tăng lãi suất thêm 0,75 điểm phần trăm để kiềm chế lạm phát tiêu dùng vốn đã đạt mức cao nhất trong 4 thập kỷ, mặc dù ngân hàng trung ương báo hiệu mức tăng trong tương lai có thể nhỏ hơn. Dù vậy, thị trường dầu đã giữ đà phục hồi ngay cả khi chứng khoán giảm và đồng USD tăng, sau khi Chủ tịch Fed Jerome Powell “dội gáo nước lạnh” vào hy vọng giảm tốc lộ trình nâng lãi suất khi nói rằng hiện còn “quá sớm để nghĩ về việc tạm dừng chiến dịch thắt chặt chính sách tiền tệ”.
Một yếu tố khiến giá dầu giữ vững là thông tin từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho biết, dự trữ dầu thô của Mỹ giảm khoảng 3,1 triệu thùng trong tuần trước, dự trữ xăng giảm 1,3 triệu thùng, và dự trữ các sản phẩm chưng cất tăng khiêm tốn 400.000 thùng trước mùa sưởi ấm sắp tới – thời điểm nhu cầu dự kiến sẽ tăng cao.
Bà Rebecca Babin, nhà kinh doanh năng lượng cấp cao tại công ty quản lý đầu tư CIBC Private Wealth US (Mỹ) cho rằng: “Thị trường rất tập trung vào các nguyên tắc cơ bản trong cung/cầu và lượng dự trữ trong bản số liệu mới nhất, bên cạnh thời điểm các lệnh trừng phạt áp lên dầu Nga có hiệu lực.”
Ngoài ra, một thông tin chưa xác định đang được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy Chính phủ Trung Quốc dự định cân nhắc các biện pháp để nới lỏng quy định liên quan đến dịch COVID-19 từ tháng 3/2023, qua đó có khả năng thúc đẩy nhu cầu dầu tại nước tiêu thụ dầu lớn thứ hai thế giới.
Lệnh cấm vận của Liên minh châu Âu (EU) đối với dầu của Nga sẽ bắt đầu từ ngày 5/12. Sau đó, EU sẽ tiếp tục với việc ngừng nhập khẩu các sản phẩm dầu từ Nga vào tháng Hai. Động thái đó được cho là sẽ hạn chế khả năng vận chuyển dầu thô và các sản phẩm của Nga trên toàn thế giới, qua đó có thể thắt chặt thị trường năng lượng.
Điều đáng lo ngại là sản lượng tháng 10 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) lần đầu tiên giảm kể từ tháng 6/2022, trong khi khối này chỉ sản xuất dưới mức mục tiêu là 1,36 triệu thùng/ngày.
Với việc lượng dầu dự trữ của Mỹ vẫn ở mức thấp đối với hầu hết các sản phẩm, giới phân tích lo lắng rằng việc kế hoạch mở bán từ các kho dự trữ chiến lược của nước này sắp kết thúc sẽ loại bỏ một nguồn cung cho thị trường và càng khiến tình hình thêm khó khăn.