Trên thị trường thế giới, giá dầu thô biến động trái chiều trong phiên giao dịch sáng nay sau khi giảm vào phiên trước vì lo ngại về sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu làm giảm nhu cầu dầu thô.
Dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,31% xuống 70,97 USD/thùng vào lúc 6h42 (giờ Việt Nam) ngày 14/12. Trong khi giá dầu thô Brent giao tháng 2 tăng 0,05% lên 74,25 USD/thùng.
Giá dầu thô giảm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai (13/12) vì lo ngại về sự gia tăng về số ca mắc COVID-19 trên toàn cầu làm giảm nhu cầu dầu thô, khi những nghi ngờ về hiệu quả của vắc xin chống lại biến thể Omicron một lần nữa nổi lên.
Chốt phiên giao dịch, giá dầu thô Brent giảm 1% xuống 74,39 USD/thùng, trong khi giá dầu thô WTI của Mỹ giảm 0,5% xuống 71,29 USD.
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), biến thể Omicron, được báo cáo xuất hiện tại hơn 60 quốc gia, có nguy cơ rất cao trên toàn cầu, với một số bằng chứng cho thấy nó trốn tránh sự bảo vệ của vắc xin.
Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) đã nâng dự báo nhu cầu dầu thế giới cho quý đầu tiên của năm 2022 nhưng vẫn giữ nguyên dự đoán tăng trưởng cả năm, đồng thời cho biết biến thể Omicron sẽ có tác động nhẹ khi thế giới quen với việc xử lý dịch bệnh COVID-19.
Chính phủ các nước trên khắp thế giới, gồm gần đây nhất là Anh và Na Uy, đã thắt chặt các hạn chế để ngăn chặn sự lây lan của biến thể Omicron, theo Reuters.
Ít nhất một người đã chết ở Anh sau khi nhiễm biến thể Omicron, trường hợp tử vong đầu tiên được xác nhận công khai trên toàn cầu do biến thể lây lan nhanh chóng gây ra.
Tại Trung Quốc, tỉnh sản xuất lớn – Chiết Giang – đang đối phó với cụm ổ dịch COVID-19 đầu tiên trong năm nay, với hàng trăm nghìn công dân đang được kiểm dịch.
Ông Bob Yawger, giám đốc phòng năng lượng tương lai của Mizuho (New York, Mỹ), cho biết Trung Quốc là nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới và lượng nhập khẩu đó có thể nhanh chóng chịu áp lực nếu virus corona lan rộng một cách không được kiểm soát ở quốc gia đông dân nhất thế giới.
OPEC và các đồng minh, còn được gọi là OPEC+, sẽ nhóm họp vào ngày 4/1 để quyết định về chính sách sản lượng.
Bộ trưởng Năng lượng Saudi Arabia cho biết các thị trường dầu mỏ có thể đối mặt với một giai đoạn nguy hiểm khi sự sụt giảm về các khoản đầu tư vào thăm dò và khoan đe dọa khiến sản lượng khai thác dầu thô giảm 30 triệu thùn /ngày vào năm 2030.
>> Tìm hiểu thêm: Giá dầu thế giới tăng trung bình khoảng 2 USD/thùng