Trong phiên giao dịch sáng ngày 15 tháng 10, giá dầu tiếp tục tăng, hướng tới mức tăng hơn 2% trong tuần, do dấu hiệu thắt chặt nguồn cung ngày càng nghiêm trọng trong tương lai gần. Đặc biệt, giá khí đốt và than lên cao dẫn đến việc người dùng chuyển sang các sản phẩm dầu.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 30 xu, tương đương 0,4%, lên 81,61 USD / thùng. Hợp đồng dầu tương lai hướng tới mức tăng 3% trong tuần.
Dầu thô Brent giao sau tăng 28 xu, tương đương 0,3%, lên 84,28 USD / thùng, sau khi tăng 82 xu trong phiên trước, khiến hợp đồng này tăng 2,3% trong tuần.
Các nhà phân tích cũng nêu lên sự sụt giảm mạnh trong kho dự trữ dầu của OECD, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2015. Nhu cầu đã tăng lên cùng với đà phục hồi từ đại dịch COVID-19, thêm vào đó là ngành công nghiệp chuyển từ khí đốt và than đắt tiền sang nhiên liệu dầu và diesel.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho biết: “Cuộc khủng hoảng năng lượng này, đặc biệt là về than và khí đốt, đã thực sự đẩy tổ hợp năng lượng tăng cao hơn và dầu mỏ đã được hưởng lợi”.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế IEA mới đây cho biết cuộc khủng hoảng năng lượng dự kiến sẽ thúc đẩy nhu cầu dầu thêm 500.000 thùng mỗi ngày (bpd). Điều đó sẽ dẫn đến chênh lệch nguồn cung khoảng 700.000 thùng / ngày cho đến cuối năm. Động thái này sẽ kéo dài cho tới khi OPEC + bổ sung thêm nguồn cung như kế hoạch vào tháng Giêng.
Nhà phân tích hàng hóa Vivek Dhar của Commonwealth Bank cho rằng: “Bạn đang nhìn vào một khung cửa sổ hẹp, nơi mọi thứ có thể bị kìm hãm lại, tuy nhiên, còn phụ thuộc vào thời tiết bên ngoài”
Các nhà phân tích của RBC Capital Markets cho biết thị trường dầu mỏ toàn cầu đang hình thành một chu kỳ tăng giá mạnh mẽ, dẫn đầu là việc thắt chặt nguồn cung và nhu cầu lên cao.
Nhà phân tích Michael Tran của RBC cho biết: “Chúng tôi duy trì quan điểm trong cả năm nay, rằng thị trường dầu mỏ vẫn ở những ngày đầu của chu kỳ nhiều năm, có vòng quay cấu trúc mạnh mẽ.”
Trong khi đó tại Singapore, tỷ suất lợi nhuận của các nhà máy lọc dầu châu Á đã tăng trở lại mức cao nhất kể từ trước khi đại dịch COVID-19 vào ngày 14 tháng 10. Theo các chuyên gia, đà tăng được thúc đẩy bởi lợi nhuận từ dầu diesel tăng gấp đôi khi kinh tế toàn cầu phục hồi và tình trạng thiếu điện thúc đẩy nhu cầu về nhiên liệu.
Nhu cầu dầu diesel đã tăng lên khi các nhà máy phát điện tìm kiếm các giải pháp thay thế cho khí đốt tự nhiên và than đá cao kỷ lục. Đặc biệt, tiêu thụ công nghiệp cũng tăng khi các nền kinh tế mở cửa trở lại sau các hạn chế COVID-19. Kéo theo đó, tỷ suất lợi nhuận của dầu diesel cao hơn gần 60% trong tháng qua, thay thế xăng trở thành thành phần quan trọng trong lợi nhuận chung của các nhà máy lọc dầu.
Sự phục hồi này sẽ khuyến khích các nhà máy lọc dầu châu Á tăng sản lượng trong những tháng tới mặc dù nguồn cung các sản phẩm dầu tinh chế trong khu vực dự kiến sẽ tiếp tục bị giới hạn do xuất khẩu của Trung Quốc giảm và tồn kho thấp.
Phần lớn thị trường đang đối phó với sự gia tăng bất ngờ của tồn kho dầu thô tại Mỹ. Nguyên nhân là do các nhà máy lọc dầu cắt giảm sản lượng chậm hơn đối với các cơ sở đó.
Theo diễn biến thị trường hiện nay, IEA đã tăng dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu toàn cầu vào năm 2022 lên 210.000 thùng / ngày và hiện dự kiến tổng nhu cầu dầu vào năm 2022 sẽ đạt 99,6 triệu thùng / ngày, nhích nhẹ so với mức trước đại dịch.
Theo reuters