Giá dầu thế giới tăng trong phiên giao dịch ngày 29/12, sau khi số liệu chính thức của Mỹ cho thấy dự trữ dầu thô và nhiên liệu của nước này đã giảm xuống trong tuần trước, lấn át những lo ngại rằng số ca mắc COVID-19 gia tăng có thể làm giảm nhu cầu.
Khép phiên, giá dầu Brent tăng 29 xu Mỹ lên 79,23 USD/thùng, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng 58 xu Mỹ lên 76,56 USD/thùng.
Giá dầu đi lên bất chấp việc số ca mắc COVID-19 trung bình mỗi ngày tại Mỹ đã chạm mức cao kỷ lục 258.312 ca trong bảy ngày qua.
Trong phiên, cả hai loại dầu này đều có thời điểm chạm mức cao nhất trong một tháng qua sau khi số liệu từ chính phủ Mỹ cho thấy lượng dầu dự trữ của nước này giảm.
Cụ thể, theo số liệu của Cơ quan quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA), lượng dầu thô dự trữ của nước này đã giảm 3,6 triệu thùng trong tuần trước xuống 420 triệu thùng, mức giảm mạnh hơn so với con số dự kiến 3,1 triệu thùng của các nhà phân tích trong cuộc thăm dò của Reuters.
Lượng xăng dự trữ giảm 1,5 triệu thùng, xuống 222,66 triệu thùng. Theo thăm dò của Reuters, các nhà phân tích đã kỳ vọng nguồn dự trữ này tăng 0,5 triệu thùng.
Trong khi đó, lượng dự trữ các sản phẩm chưng cất giảm 1,7 triệu thùng xuống 122,43 triệu thùng, đi ngược kỳ vọng tăng 0,2 triệu thùng được đưa ra trước đó.
“Những thông tin này thu hút sự chú ý trên diện rộng và tác động tích cực (tới giá dầu),” John Kilduff, đối tác của Again Capital LLC ở New York, cho biết. “Chúng ta đang tiếp tục thúc đẩy sản xuất trong nước. Đó là một điều tích cực.”
Giá dầu còn đang được hỗ trợ khi Ecuador, Libya và Nigeria đã tuyên bố tình trạng bất khả kháng trong tháng này khi phải dừng khai khác một phần sản lượng dầu của họ vì các vấn đề về bảo trì và các mỏ dầu đóng cửa.
Trong một diễn biến khác, Phó Thủ tướng Nga Alexander Novak cho biết Tổ chức các nước xuất khẩu dầu mỏ và các đồng minh (OPEC +) đã từ chối lời kêu gọi tăng sản lượng từ Washington vì nhóm muốn cung cấp cho thị trường định hướng rõ ràng và không đi ngược lại chính sách về tăng dần sản lượng của mình.
Lý giải về nguyên nhân OPEC+ từ chối lời kêu gọi gia tăng sản lượng, ông Novak cho biết, đó là do tổ chức này có tầm nhìn dài hạn.
“Chúng tôi tin rằng sẽ là đúng đắn khi thị trường cho thấy trong trung hạn chúng tôi sẽ tăng sản lượng như thế nào khi nhu cầu tăng lên,” ông Novak cho biết khi trả lời phỏng vấn của hãng truyền thông RBC. “Các nhà sản xuất cũng nên nắm rõ từ trước nên có kế hoạch đầu tư thế nào nhằm đảm bảo việc gia tăng sản lượng.”
Theo Phó Thủ tướng Nga, việc Mỹ và các nước tiêu thụ dầu lớn giải phóng kho dự trữ chiến lược của mình sẽ “có tác động hạn chế trong ngắn hạn đến thị trường dầu mỏ.” Cũng theo dự đoán của ông Novak, nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ thế giới sẽ tăng khoảng 4 triệu thùng/ngày trong năm 2022, sau khi chứng kiếm mức tăng 5 triệu thùng/ngày trong năm nay, đồng thời dự báo giá dầu sẽ dao động trong khoảng 65-80 USD/thùng vào năm tới.
Hiện, các nhà đầu tư đang chờ đợi cuộc họp sắp tới của OPEC+, sẽ diễn ra vào ngày 4/1. Tại cuộc họp lần này, OPEC+ sẽ quyết định có tiếp tục tăng sản lượng thêm 400.000 thùng/ngày trong tháng 2/2022 hay không.
Tại cuộc họp trước đó, OPEC+ đã quyết định giữ nguyên kế hoạch tăng sản lượng cho tháng 1/2022, bất chấp những bất ổn liên quan đến biến thể Omicron./.
Theo Reuters