Trong phiên giao dịch sáng ngày 25 tháng 10 giá đi lên, kéo dài đà tăng cuối tuần trước. Trong đó, dầu thô của Mỹ đạt mức cao nhất trong bảy năm do nguồn cung toàn cầu vẫn thắt chặt, nhu cầu tăng mạnh mẽ trên toàn thế giới khi các nền kinh tế phục hồi sau đại dịch.
Dầu thô Brent tương lai tăng 26 xu, tương đương 0,3%, lên 85,79 USD / thùng vào lúc 07h48 giờ Việt Nam. Trước đó, dầu Brent tăng 1,1% phiên cuối tuần. Hợp đồng dầu gần mức cao nhất trong ba năm là 86,1 USD, đạt được trong thứ Năm tuần trước.
Giá dầu thô kỳ hạn WTI của Mỹ tăng 48 xu, tương đương 0,6%, lên 84,24 USD / thùng, sau khi tăng 1,5% vào thứ Sáu. Dầu WTI chạm mức cao nhất kể từ tháng 10 năm 2014 giao dịch ở mức 84,28 USD cuối tuần trước.
Toshitaka Tazawa, chuyên gia phân tích tại Fujitomi Securities Co Ltd., nhận định: “Tâm lý lạc quan tiếp tục hỗ trợ giá dầu khi nguồn cung toàn cầu vẫn eo hẹp trong thời điểm nhu cầu đi lại đang hồi phục sau đại dịch. Tuy nhiên, mức lợi nhuận cho hợp đồng WTI thời hạn gần nhất có thể bị hạn chế do những hạn chế ngày càng gia tăng”.
Các hợp đồng tương lai WTI hiện đang giảm mạnh, có nghĩa là các hợp đồng giao dịch sau sẽ có mức giá thấp hơn hợp đồng hiện tại. Thông thường giao dịch ở các tháng sau mà đạt mức giá cao hơn chính là phản ánh chi phí dự trữ dầu.
Giá dầu cũng được củng cố bởi những lo lắng về tình trạng thiếu hụt than và khí đốt ở Trung Quốc, Ấn Độ và châu Âu. Điều này đã thúc đẩy người dùng chuyển đổi nhiên liệu sang dầu diesel và dầu nhiên liệu để sản xuất điện.
Phản ánh tâm lý thị trường mạnh mẽ, các nhà quản lý tiền tệ đã tăng các vị thế quyền chọn và hợp đồng dầu thô dài hạn ròng của Mỹ trong tuần tính đến ngày 19 tháng 10.
Cuối tuần qua, thái tử Ả – Rập Xê – Út cho biết nước xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới đặt mục tiêu đạt mức phát thải khí nhà kính ở mức ròng bằng 0 (thường thải ra trong quá trình đốt nhiên liệu hóa thạch) vào năm 2060 – muộn hơn 10 năm so với Mỹ.
Ông cũng cho biết quốc gia này sẽ tăng gấp đôi lượng cắt giảm khí thải mà họ có kế hoạch đạt được vào năm 2030.
Ả – Rập Xê – Út cam kết sẽ giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu, nhưng cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của hydrocacbon bởi đây là chìa khóa quan trọng để góp phần ổn định thị trường dầu mỏ.
Mỹ, quốc gia phát thải lớn thứ hai thế giới, cam kết đạt được mức phát thải bằng 0, nghĩa là không thải ra nhiều khí nhà kính hơn mức hấp thụ, vào năm 2050. Nhưng Trung Quốc và Ấn Độ, những quốc gia phát thải lớn nhất và lớn thứ ba thế giới, lại không cam kết với mức này.
Thái tử Mohammed cho biết, Ả – Rập Xê – Út sẽ áp dụng chương trình kinh tế vòng tròn carbon để đạt được mục tiêu đề ra. Đồng thời, duy trì vai trò dẫn đầu trong việc tăng cường an ninh và ổn định thị trường dầu mỏ toàn cầu.
Ngoài ra, Ả – Rập Xê – Út sẽ tham gia một sáng kiến toàn cầu về giảm phát thải khí mê-tan 30% so với mức năm 2020 vào năm 2030. Đây là sáng kiến cả Mỹ và EU đều thúc giục.
Trong khi đó, công ty dịch vụ năng lượng Baker Hughes Co (BKR.N) cho biết, các công ty năng lượng Mỹ tuần trước đã cắt giảm các giàn khoan dầu và khí đốt tự nhiên lần đầu tiên sau bảy tuần ngay cả khi giá dầu tăng.