Thị trường chứng khoán Mỹ tăng điểm vào đầu tuần trong ngày thứ Hai khi chỉ số Dow Jones bù lại khoản lỗ trong tuần trước do giới đầu tư rũ bỏ tâm lý e dè trước mối đe dọa của biến thể Covid omicron.
Chỉ số Bình quân Công nghiệp Dow Jones tăng mạnh, trong khi đó chỉ số Tổng hợp Nasdaq cũng tăng nhưng kém hơn. Dưới đây là những diễn biến chính đã ảnh hưởng đến thị trường vào đầu tuần:
• Các cổ phiếu liên quan đến làn sóng mở cửa nền kinh tế trở lại đã tăng điểm trong phiên giao dịch ngày thứ Hai, trong đó bao gồm các mã thuộc ngành năng lượng, công nghiệp và hàng không.
• Giới đầu tư bán ra các cổ phiếu công nghệ với mức định giá tương đối cao. Những cổ phiếu này đã kéo thị trường đi xuống trong một tuần nhuốm sắc đỏ ở Phố Wall vào tuần trước. Quả thật, mặc dù Nasdaq tăng điểm vào hôm thứ Hai, nhưng chỉ số này vẫn có hiệu suất kém hơn S&P 500 và Dow Jones.
• Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tăng trở lại sau khi giảm vào tuần trước trong bối cảnh phát sinh mối đe dọa từ chủng omicron.
• Cục Dự trữ Liên bang Fed sắp có một sự thay đổi lớn nhằm nhanh chóng chấm dứt các chính sách nới lỏng tiền tệ thời đại dịch.
• Bitcoin đã giảm mạnh vào cuối tuần trước, bốc hơi đến 10.000 USD trong khoảng thời gian 24 giờ từ thứ Sáu đến thứ Bảy. Động thái này cho thấy khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đã giảm xuống.
Chỉ số Dow Jones tăng 646,95 điểm vào ngày thứ Hai, tương đương 1,8%, lên mức 35.227,03 điểm. Trong khi đó, chỉ số Tổng hợp Nasdaq thoát khỏi vùng giá giảm và chốt phiên tăng 0,9% lên mức 15.225,15 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 1,1% lên 4.591,67 điểm. Tính đến ngày thứ Sáu vừa qua, cả ba chỉ số chính đều khép lại tuần trước ở mức thấp hơn.
Các cổ phiếu có liên quan đến làn sóng mở cửa kinh tế trở lại đã tăng giá, từ đó thúc đẩy tâm lý chung đối với chỉ số Dow Jones. General Electric và Boeing đều tăng hơn 3%. Chevron tăng 1,5% và Caterpillar tăng 1,7%.
Các cổ phiếu trong phân khúc giải trí và khách sạn có mức tăng mạnh nhất. United Airlines tăng 8,3% và American tăng 7,8%. Royal Caribbean và Carnival Cruise Lines tăng hơn 8%. Cổ phiếu Wynn Resorts tăng 6%, trong khi Marriott và Hilton đều tăng hơn 4%. Cổ phiếu đặt phòng du lịch Expedia tăng 6,7% và Booking Holdings tăng 5,3%.
Những diễn biến trên xảy ra sau khi cố vấn y tế Nhà Trắng, Tiến sĩ Anthony Fauci, bình luận vào hôm Chủ nhật rằng dữ liệu ban đầu về biến thể omicron là “rất đáng mừng”. Lời nhận xét này được đưa ra trong cùng ngày Giám đốc CDC, Tiến sĩ Rochelle Walensky nói rằng biến thể mới hiện đã được phát hiện ở ít nhất 15 tiểu bang của Mỹ và đó là chưa đầy hai tuần sau khi Tổ chức Y tế Thế giới nhận định rằng chủng này rất “đáng lo ngại”.
“Rõ ràng, ở Nam Phi, chủng omicron có lợi thế về con đường truyền nhiễm,” ông Fauci nói. “Mặc dù giờ vẫn còn quá sớm để đưa ra tuyên bố dứt khoát về vấn đề này, nhưng cho đến nay có vẻ như chủng này vẫn chưa đến mức nghiêm trọng.”
Trong phiên giao dịch hôm thứ Hai, chỉ số Nasdaq mặc dù tăng cao hơn nhưng lại có tốc đột tụt hậu hơn so với các chỉ số trung bình khác, do các mã chăm sóc sức khỏe và công nghệ thể hiện yếu kém. Moderna là mã chứng khoán giảm mạnh nhất trong nhóm chỉ số này khi mất giá trị đến 13,4%. AMD và Nvidia giảm lần lượt 3,4% và 2,1%.
Nhưng khi nỗi sợ hãi của các nhà đầu tư về chủng omicron phai mờ dần, một số cổ phiếu công nghệ có giá cao đã bắt đầu ngày giao dịch trong sắc đỏ nhưng cuối cùng đã chuyển sang xanh. Craig Erlam, nhà phân tích thị trường cấp cao tại OANDA, kêu gọi các nhà đầu tư thận trọng cho đến khi có thêm dữ liệu mới chứng minh lý do lạc quan.
“Khẩu vị rủi ro của các nhà đầu tư đang được thúc đẩy nhờ nhiều nguồn tin ghi nhận rằng triệu chứng nhiễm omicron là không quá nghiêm trọng, nhưng hiện vẫn còn quá sớm nên nhà đầu tư đừng nên mừng vội,” ông chia sẻ. “Bằng chứng là chúng tôi đã liên tục chứng kiến hành vi này kể từ khi các tin tức ban đầu được đưa ra cách đây hơn một tuần. Thị trường bị chèo lái rất nhiều bởi tin thời sự và đây chỉ là làn sóng phục hồi mới nhất dựa trên một số tin tức tích cực.”
Ông Erlam cũng cảnh báo rằng quãng thời gian còn lại của tuần này có thể biến động giống như tuần trước.
“Mặc dù đây có thể là nhóm dữ liệu đầu tiên trong một loạt các dữ liệu tích cực về biến thể mới, nhưng đó cũng có thể là nhóm dữ liệu bất thường và những con số thống kê tiếp theo có thể giải thích tại sao các nhà lãnh đạo thế giới và các cơ quan y tế khác nhau lại lo lắng đến như vậy,” ông nói. “Trong những tuần như thế này, dữ liệu kinh tế sẽ luôn đóng vai trò thứ cấp nhưng thực chất, chúng vẫn rất quan trọng và các ngân hàng trung ương cũng đang chú tâm quan sát như tất cả chúng ta.”
Vào ngày thứ Sáu, các cổ phiếu công nghệ đã kéo thị trường xuống thấp hơn. Chỉ số Tổng hợp Nasdaq giảm 1,92%, trong đó cổ phiếu Tesla mang lại sức ì lớn nhất. Quỹ đầu tư Ark Innovation Fund của Cathie Wood đã giảm hơn 5% vào hôm thứ Sáu và tất cả các cổ phiếu do quỹ này nắm giữ đều chìm trong sắc đỏ ngoại trừ hai mã.
Nhưng theo Tom Essaye, tác giả của Sevens Report, chính những lời nhận xét từ Fed mới khiến thị trường trở nên bất an vào cuối tuần trước chứ không phải do tâm lý lo ngại về biến thể omicron. Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell đã báo hiệu rằng trọng tâm chú ý của Fed là vấn đề lạm phát, ngay cả khi biến thể mới xuất hiện. Điều đó đã khiến các nhà đầu tư tháo chạy nguồn vốn khỏi khối công nghệ và chuyển sang các nhóm ngành có khả năng tăng trưởng cao hơn.
Ông Essaye cho rằng hành vi này của thị trường là “cơn giận Taper Tantrum 2.0(*) khi thị trường phản ứng với chủ trương thắt chặt của Fed và dịch chuyển dòng vốn sang các khối ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt hơn khi lãi suất tăng.”
Ngân hàng trung ương Mỹ có khả năng sẽ quyết định tăng gấp đôi tốc độ cắt giảm kích thích lên mức 30 tỷ USD/tháng trong cuộc họp vào tuần tới, theo tin ghi nhận của phóng viên Steve Liesman từ CNBC vào hôm thứ Hai, dựa trên bình luận của các quan chức Fed. Các cuộc thảo luận ban đầu cũng có thể bắt đầu ngay trong cuộc họp tháng 12 về thời điểm tăng lãi suất và mức tăng cụ thể trong năm tới.
Bitcoin giao dịch quanh mức 57.000 USD vào sáng thứ Sáu, nhưng đến thứ Bảy đã giảm xuống còn khoảng 43.000 USD. Vào ngày thứ Hai, đồng tiền điện tử lớn nhất thế giới đã tăng lại một ít, với giá giao dịch gần đây ở mức khoảng 49.297,08 USD, theo Coin Metrics.
(*)Taper Tantrum là cơn “giận dỗi” của thị trường mỗi khi các ngân hàng trung ương như Fed cắt giảm gói kích thích kinh tế, thường sẽ khiến thị trường chung hoặc một số ngành nhất định bị giảm điểm.