Trong các trường phái phân tích chứng khoán, Phân tích cơ bản và Phân tích kỹ thuật là hai loại thường được sử dụng nhất. Vậy hai trường phái này có những đặc điểm gì nổi bật, và khi nào thì nên dùng loại nào, hãy cùng tìm hiểu bằng bài viết sau đây.
Nội dung bài viết
Định nghĩa
Phân tích Cơ bản là những kỹ thuật phân tích chứng khoán để đánh giá giá trị nội tại của một cổ phiếu, thông qua xem xét kỹ càng các thông tin về vĩ mô, ngành và bản thân công ty.
Phân tích Kỹ thuật là trường phái dùng các kiến thức về thống kê để dự đoán xu hướng giá của một loại chứng khoán để đi đến quyết đinh đầu tư
Đối tượng nhà đầu tư
Phân tích Cơ bản thích hợp cho các thương vụ đầu tư dài hạn, trên một năm. Thực tế, thời hạn các thương vụ này có thể kéo dài đến năm hoặc mười năm là chuyện bình thường.
Phân tích Kỹ thuật thường chỉ được sử dụng khi nhà đầu tư muốn tiến hành các khoản đầu tư ngắn hạn, có tính chất lướt sóng. Thậm chí, thời gian nắm giữ cổ phiếu của các nhà đầu tư thuộc trường phái này có thể chỉ là vài giờ hoặc vài phút.
Nhà đầu tư dài hạn vs Nhà đầu tư ngắn hạn
Dữ liệu và các thông tin thường được quan tâm
Phân tích Cơ bản sử dụng các thông tin liên quan đến báo cáo tài chính của công ty (bao gồm Bảng cân đối kế toán, Báo cáo thu nhập, Báo cáo lưu chuyển tiền mặt), các sự kiện tin tức liên quan đến công ty, lĩnh vực của công ty và kinh tế vĩ mô.
Báo cáo kỳ vọng so với kết quả thực tế, các sự kiện tin tức hiện tại so với các sự kiện lịch sử là những thứ mà nhà đầu tư trong trường phái Phân tích Cơ bản thường quan tâm.
Phân tích Kỹ thuật sử dụng các dữ liệu trong quá khứ, thường là dữ liệu về giá cổ phiếu để dự đoán biến động của cổ phiếu trong tương lai bằng các mô hình dự báo.
Trong trường phái này, nhà giao dịch thường chú ý nhiều đến các xu hướng giá, các mức hỗ trợ và kháng cự, các lý thuyết giao dịch cơ bản và các mô hình dự báo giá.
Phương pháp Phân Tích
Các phương pháp phân tích thường được dùng trong Phân tích Cơ bản bao gồm:
- Phân tích kinh tế vĩ mô: đánh giá môi trường kinh tế hiện tại và những ảnh hưởng lên ngành và công ty.
- Phân tích ngành: đánh giá triển vọng cho ngành cụ thể.
- Phân tích công ty: đánh giá những điểm mạnh của công ty và những yếu kém trong ngành.
Trong khi đó, trường phái Kỹ thuật sẽ tiến hành các phân tích dựa trên các chỉ số (ví dụ như RSI, MACD, Oscillator,…), để đưa ra dự báo xu hướng giá.
Chỉ số RSI được sử dụng rất phổ biến trong Phân tích Kỹ thuật
Tín hiệu gia nhập thị trường
Nhà đầu tư trong trường phái Cơ bản thường sẽ đưa ra quyết định Mua (hoặc Bán) chứng khoán khi nhận thấy giá thị trường của cổ phiếu đang được định giá thấp hơn (hoặc cao hơn) giá trị nội tại của cổ phiếu.
Vì bản chất của Phân tích Cơ bản là niềm tin rằng giá thị trường của cổ phiếu sẽ tiến về giá trị nội tại của cổ phiếu.
Chính vì vậy mỗi khi giá thị trường đang thấp hơn giá nội tại của cổ phiếu, đây được đánh giá là một cơ hội mua vào (vì giá thị trường được kỳ vọng sẽ tăng khi tiến về gần với giá trị nội tại). Ngược lại, khi giá cổ phiếu trên thị trường đang được giao dịch trên mức giá nội tại, đây là thời điểm nên thanh lý cổ phiếu (vì giá thị trường được kỳ vọng sẽ giảm xuống để gần với giá trị nội tại).
Đồi với nhà đầu tư của trường phái Kỹ thuật thường đưa ra quyết định Mua (hoặc Bán) chứng khoán dựa vào các chỉ báo kỹ thuật.
Lưu ý
Mặc dù có sự khác nhau cơ bản giữa hai trường phái phân tích chứng khoán chính này, nhưng không hề có sự xung đột đáng kể giữa hai trường phái. Nếu biết kết hợp, chúng sẽ trở thành công cụ đắc lực hỗ trợ các nhà đầu tư ra quyết định.