Có rất nhiều điều kỳ lạ đã xảy ra với thị trường chứng khoán Mỹ trong tuần này. Hội anh em Reddit thiện lành – những nhà giao dịch nhỏ lẻ giống như anh em chúng ta – đã hò nhau đẩy giá các cổ phiếu lên mức cao kỷ lục bằng cách sử dụng chiến lược được gọi là “Short Squeeze – Ép mua”. Bên cạnh các chiến dịch đẩy giá trên thị trường chứng khoán thì một số các nhóm khác còn đẩy giá các đồng coin như XRP, Doge, và mới đây nhất là thị trường hàng hóa – đối với giá Bạc.
Chính vì những hành động trên mà các từ khóa Short Squeeze và Gamma Squeeze trở thành những từ khóa hot trên Google dạo gần đây, vậy ngày hôm nay chúng ta sẽ cùng tìm hiểu về hiện tượng Ép mua – Short Squeeze này xem nó là gì, và nó ảnh hưởng như thế nào? Mời anh em:
Nội dung bài viết
Short Squeeze – Ép mua là gì?
Hiện tượng Ép mua xảy ra khi một cổ phiếu tăng giá nhanh chóng, buộc các nhà giao dịch đã đặt cược rằng giá sẽ giảm trên thị trường kỳ hạn phải mua lại (cover) để tránh thiệt hại lớn hơn.
Hãy lấy một ví dụ nhanh:
Anh Tèo đang đặt cược giá cổ phiếu của công ty XYZ Corp giảm. Anh ta tin rằng giá cổ phiếu sẽ giảm từ mức 100 đô la (Có thể là kháng cự hoặc các mức đỉnh cũ). Anh ta bắt đầu tìm tới các nhà tạo lập thị trường, vay cổ phiếu XYZ và bán nó với giá 100 đô la. Nếu cổ phiếu giảm xuống còn 80 đô la, anh ta sẽ mua lại và bỏ túi phần chênh lệch. Lợi nhuận của anh ấy là 20 đô la.
Tuy nhiên, nếu cổ phiếu XYZ tăng lên 120 đô la, anh Tèo phải trả giá cao hơn để đóng giao dịch của mình. Anh ta mất 20 đô la trong kịch bản này.
Nếu một nhóm các nhà đầu tư khác muốn nhắm vào Tèo, họ có thể mua cổ phiếu XYZ để đẩy giá lên. Họ có thể đẩy nó lên một mức phi lý chẳng hạn như 200 đô la hoặc 350 đô la. Cuối cùng, Tèo phải chấp nhận thất bại và đóng vị thế bán của mình (Short). Việc mua lại (cover) của Tèo khiến giá cổ phiếu XYZ tăng cao thêm 1 đoạn nữa. Hiện tượng này được gọi là Short Squeeze – Ép mua.
Tuần này, các nhà đầu tư nhỏ lẻ trên mạng xã hội Reddit đã quyết định điều phối các đợt ép mua đối với các cổ phiếu đang giảm giá như Gamestop và BlackBerry. Đó là lý do tại sao các cổ phiếu này tăng lần lượt 382% và 90% chỉ trong vòng 1 tuần. Và tất nhiên, hiện tượng này xảy ra đi kèm với 1 lượng lớn các hoạt động mua lại, chứ không đơn thuần chỉ là 1 người như trên!
Ép mua có hợp pháp không?
Việc ép mua là hoàn toàn hợp pháp. Nếu bạn mua cổ phiếu BlackBerry với kỳ vọng hiện tượng Ép mua xuất hiện, hành động của bạn sẽ đơn thuần chỉ là đầu cơ, bạn sẽ phải chấp nhận những rủi ro nhất định nhưng chắc chắn là hợp pháp.
Nếu hiện tượng Ép mua đẩy giá cổ phiếu tăng lên các mức cao hơn và bạn có lợi nhuận, điều đó cũng hợp pháp.
Làm sao để biết cổ phiếu hoặc các tài sản chúng ta đang sở hữu có thể bị Ép mua hay không?
Để chiến lược giao dịch với hiện tượng Ép mua này có hiệu quả, cổ phiếu mục tiêu cần phải được bán khống nhiều. Nói cách khác, nếu các cổ phiếu đang lưu hành của một công ty bị các nhà quản lý quỹ đầu cơ và các ngân hàng Phố Wall đặt cược sẽ tiếp tục giảm, bằng các hành vi bán khống, thì cổ phiếu đó đã chín muồi cho một đợt Ép mua ngắn hạn.
Chẳng hạn như BlackBerry, cổ phiếu này có 1 số lượng bán khống rất lớn, và lượng bán vẫn tiếp tục áp đảo. Khi hội anh em Reddit tham gia đẩy giá vào thứ Hai tuần trước, cổ phiếu đã tăng 40%! Nó đã tăng tổng cộng 251% so với đầu tháng 1 và hiện đang giao dịch ở mức cao nhất trong vòng 10 năm.
Tương tự, cổ phiếu của công ty AMC tăng vọt 250% vào thứ Ba. Lượng bán khống đối với AMC tương đương với hơn 90% cổ phiếu đang lưu hành của công ty vào thời điểm đó.
Brookfield Property Partners cũng là một cổ phiếu bị bán khống nhiều. Lượng bán khống đối với cổ phiếu này là 46,5% số cổ phiếu đang lưu hành. Tương tự, Canopy Growth cũng đã được đặt cược giảm với lượng đặt cược tương đương 37.6% số cổ phiếu đang lưu hành.
Tất nhiên, việc cổ phiếu của một công ty đang bị bán khống nhiều không đồng nghĩa là hiện tượng Ép mua sắp xảy ra. Các nhà đầu tư tổ chức thường thực hiện những nghiên cứu riêng của họ và có lý do chính đáng để đặt cược chống lại một số cổ phiếu. Và chúng ta không phải cứ thấy cổ phiếu hoặc tài sản nào bị bán khống nhiều là mua vào cổ phiếu đó, với kỳ vọng hiện tượng này xảy ra.
Hiện tượng Ép mua là tốt hay xấu?
Ép mua có thể tốt hoặc xấu tùy thuộc vào vị thế thị trường của bạn. Nếu bạn là một nhà đầu tư dài hạn, không đánh giá cao sự biến động hoặc đang tìm kiếm những món hời trong ngắn hạn, thì điều này không ảnh hưởng nhiều lắm. Nếu bạn đặt cược chống lại những tài sản này bằng cách bán khống, điều này rất tệ.
Tuy nhiên, nếu bạn là một nhà giao dịch lướt sóng và tình cờ nắm giữ một số cổ phiếu đang bị Ép mua, bạn có thể tận dụng nó để chốt lời, vì đây là cơ hội “ngàn năm có một”
Chỉ có những kẻ ngốc mới mua những tài sản đang bị bán khống nhiều chỉ để kỳ vọng nó sẽ xuất hiện hiện tượng Ép mua.
Sẽ thật là ngu ngốc nếu chúng ta cố gắng mua những tài sản đang bị bán khống mạnh, chờ đợi những đợt Ép mua diễn ra, bởi vì có hàng trăm, hàng triệu những mặt hàng đang được giao dịch trên thị trường tài chính, xác suất để chúng ta “bắt trúng” là cực thấp. Bên cạnh đó, hiện tượng Ép mua là cực kỳ khó đoán và dễ thay đổi trong ngắn hạn.
Chính vì thế, chúng ta nên tập trung vào các nguyên tắc cơ bản và những triển vọng dài hạn. Nếu một trong những tài sản trong danh mục đầu tư của bạn bị cuốn vào vòng xoáy điên cuồng này, hãy cân nhắc chốt trước một số lợi nhuận. Nếu bạn đang muốn mua, hãy xem xét kỹ hơn triển vọng dài hạn của công ty, của tài sản và cố gắng đừng để bị lòng tham kiểm soát.
>>> Xem thêm: Phương Pháp Bắt Điểm Đảo Chiều Thị Trường Bằng Bollinger Band Và RSI