Trong phiên giao dịch chiều ngày 20/12, giá vàng châu Á tăng nhẹ khi đồng USD giảm giá. Những lo ngại về động thái tiếp tục tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) cũng một phần đã kìm hãm đà tăng của kim loại quý này.
Cụ thể vào lúc 14 giờ 36 phút (giờ Việt Nam), giá vàng giao ngay tăng 0,3% lên 1.791,91 USD/ounce. Giá vàng Mỹ giao kỳ hạn cũng tăng 0,1% lên 1.800,20 USD/ounce.
Chỉ số đồng USD giảm 0,3% do đồng yen tăng mạnh, sau khi Ngân hàng trung ương Nhật Bản (BoJ) cho biết sẽ xem xét lại chính sách kiểm soát đường cong lợi suất. Đồng USD yếu hơn khiến vàng hấp dẫn hơn đối với người mua ở nước ngoài.
Ông Matt Simpson, nhà phân tích thị trường cấp cao tại công ty dịch vụ tài chính City Index, cho biết thông báo của BoJ đã gây bất ngờ cho thị trường trong bối cảnh giao dịch thưa thớt. Kết quả là vàng đã hút hết dòng tiền trú ẩn an toàn sau khi đồng USD suy yếu.
Tuy nhiên, chuyên gia này lưu ý triển vọng lãi suất cuối kỳ của Fed cao hơn có thể ngăn vàng tận hưởng một đợt tăng giá mạnh vào năm tới.
Tuần trước, Chủ tịch Fed Jerome Powell cho biết Ngân hàng trung ương của Mỹ sẽ đưa ra nhiều đợt tăng lãi suất hơn vào năm tới để kiềm chế lạm phát. Các ngân hàng trung ương lớn khác cũng đã đưa ra lập trường “diều hâu” tương tự.
Mặc dù vàng được coi là một công cụ phòng ngừa lạm phát, nhưng lãi suất cao hơn sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản không sinh lời này.
Trong khi đó, ông Ole Hansen – chiến lược gia hàng hóa tại Ngân hàng Saxo (Đan Mạch) – nhận định, giá vàng có thể tăng cao tới 3.000 USD/ounce trong bối cảnh lạm phát toàn cầu sẽ vẫn “nóng” bất chấp việc thắt chặt tiền tệ.
Chuyên gia Ole Hansen lưu ý 3 yếu tố có thể giúp đẩy kim loại quý này lên mức cao kỷ lục trong năm tới. Thứ nhất, “tâm lý kinh tế chiến tranh” ngày càng gia tăng có thể ngăn cản các ngân hàng trung ương nắm giữ dự trữ ngoại hối dưới danh nghĩa tự chủ, và điều này sẽ có lợi cho vàng. Thứ hai, các chính phủ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chi tiêu thâm hụt cho các dự án đầy tham vọng như quá trình chuyển đổi năng lượng. Thứ ba, một cuộc suy thoái toàn cầu tiềm ẩn vào năm 2023 sẽ khiến các ngân hàng trung ương phải mở các gói thanh khoản.
Biểu đồ giá vàng từ đầu năm đến nay, nguồn: Bloomberg, US Global Investors
Bên cạnh đó, tâm lý giới đầu tư cũng chịu tác động bởi thông tin rằng tại Trung Quốc – quốc gia tiêu thụ vàng hàng đầu thế giới, dịch COVID-19 đang quét qua các sàn giao dịch ở Bắc Kinh và lan nhanh ở trung tâm tài chính Thượng Hải. Quốc gia này đã báo cáo 5 trường hợp tử vong mới do COVID-19 vào ngày 19/12.
Chuyên gia Simpson nói thêm nếu Trung Quốc lại đưa ra các hạn chế phòng dịch và nếu động thái đó xảy ra trong thời gian nghỉ lễ, đó sẽ là “chất xúc tác hoàn hảo” để vàng lao dốc.
Trên thị trường các kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 0,4% lên 23,04 USD/ounce, trong khi bạch kim tăng 0,4% lên 983,25 USD/ounce.