Giá vàng trong phiên giao dịch ngày thứ Tư (13/4) đạt mức cao nhất trong một tháng, trong bối cảnh giá tiêu dùng tăng đã thúc đẩy sức hấp dẫn của vàng như một biện pháp phòng ngừa lạm phát mà bỏ qua tác động từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sắp tăng lãi suất.
Khép phiên, giá vàng giao ngay tăng 0,6% lên 1.978,21 USD/ounce, sau khi chạm mức cao nhất kể từ ngày 14/3 ở 1.981,30 USD. Giá vàng kỳ hạn tăng 0,4% ở 1.984,70 USD.
Vàng dường như đang phớt lờ việc Mỹ tăng lãi suất Mỹ và “chỉ đặc biệt tập trung vào lạm phát,” Edward Meir, nhà phân tích của ED&F Man Capital Markets bình luận.
Dữ liệu công bố hôm thứ Ba (12/4) cho thấy rằng giá tiêu dùng hàng tháng của Mỹ đã tăng lên trong tháng 3, củng cố khả năng FED sẽ tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng 5 nhằm kiềm chế lạm phát.
Cũng trong ngày ngày thứ Tư (13/4), một loạt dữ liệu kinh tế khác được công bố cho thấy lạm phát của Mỹ đã vượt qua giới hạn, gây thêm áp lực gia tăng lãi suất lên FED. Cụ thể, Chỉ số giá sản xuất (PPI) tháng 3 của Mỹ đã tăng 11,2% – cao hơn so với dự đoán và là mức tăng lớn nhất kể từ 2010. Chỉ số PPI cốt lõi (không bao gồm các mặt hàng dễ biến động) tăng 9,4% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức dự đoán 8,4%.
Tình trạng lạm phát nóng bao vây nền kinh tế Mỹ củng cố cho khả năng FED sẽ quyết liệt trong vấn đề tăng lãi suất. Các quan chức FED đã sẵn sàng cho việc tăng lãi suất 50 bps tại cuộc họp vào tháng 5, và dự báo có tới 94% khả năng FED sẽ tăng lãi suất lên mức này.
Thống đốc FED Christopher Waller nói rằng các dữ liệu kinh tế đều hỗ trợ cho mức tăng 50 bps, và ông ủng hộ các mức tăng mạnh vào cuộc họp tháng 5 và có thể tiếp tục tăng cao hơn nữa vào tháng 6 và tháng 7. Ông nói rằng ông muốn (lãi suất) vượt lên trên mức trung lập vào nửa cuối năm nay.
Vàng được coi là hàng rào chống lại lạm phát và rủi ro địa chính trị. Dù vậy việc Mỹ tăng lãi suất sẽ làm tăng chi phí cơ hội của việc nắm giữ tài sản vốn không sinh lời như vàng.
Chỉ số Dollar Index (DXY.) đã chạm mức cao nhất trong hai năm trong phiên giao dịch ngày hôm qua – được thúc đẩy bởi những bình luận nghiêng về hướng thắt chặt chính sách của các quan chức FED, trước khi quay đầu giảm nhẹ.
Cùng với việc lợi suất trái phiếu Mỹ giảm, vấn đề địa chính trị là một lý do khác khiến các nhà đầu tư đổ xô tìm đến vàng. Những cập nhật gần đây nhất về cuộc chiến Nga-Ukraine cho thấy hòa bình vẫn còn xa hơn dự đoán.
Trên các thị trường kim loại quý khác, giá bạc giao ngay tăng 1,6% lên 25,74 USD/ounce. Giá bạch kim tăng 1,9% lên 984,00 USD, palladium giảm 0,5% xuống 2.314,48 USD.
Nội dung bài viết
Triển vọng kỹ thuật giá vàng
Xu hướng đi lên của giá vàng sẽ nhắm đến việc thử các khu vực 2.000 USD trong tương lai gần. Tuy nhiên, nếu đồng USD mạnh chiếm ưu thế, trong bối cảnh các thành viên của FED tiếp tục bày tỏ lo ngại về vấn đề lạm phát ở Mỹ, thì giá có thể một lần nữa trở về khoảng 1.930 USD – vì khu vực này tương quan với mức thoái lui 61,8%. Nếu điều đó xảy ra, triển vọng ngắn hạn của việc giá vàng tăng lên cao hơn sẽ bị giảm sút nghiêm trọng.