Các đợt bán ra mạnh mẽ đã đẩy giá Bitcoin (BTC) chạm mức thấp mới của năm ở 15.654 USD.
Việc các nhà đầu tư tháo chạy vì lo sợ hậu quả từ vụ sụp đổ của FTX sẽ lan sang mọi ngóc ngách trên thị trường tiền số đã dẫn tới một đợt sụt giảm mạnh trên toàn thị trường.
Dữ liệu từ Coinglass cho thấy hơn 100 triệu USD các vị thế Long có sử dụng đòn bẩy đã bị thanh lý trong ngày 20/11 và ngày 21/11. Các nhà đầu tư lo ngại tốc độ sụt giảm sẽ tăng tốc nếu 2 công ty lớn trong ngành là Digital Currency Group (DCG) và BlockFi không thể đảm bảo nguồn vốn, dẫn tới việc buộc phải tuyên bố phá sản.
Biểu đồ Hợp đồng mở của Bitcoin. Nguồn: Coinglass
Một số nhà phân tích đang đặt cược vào việc giá Bitcoin giảm xuống dưới 14.000 USD. Điều này sẽ khiến 10.000 BTC nữa có nguy cơ bị thanh lý.
Sau đây là những lý do chính khiến giá Bitcoin lao dốc trong ngày 21/11.
Nội dung bài viết
Dữ liệu on-chain cho thấy “khoản lỗ thực cao nhất” trong lịch sử
Bitcoin đang phản ứng với sự căng thẳng trên thị trường do sự lây lan rộng rãi của vụ sụp đổ FTX. Giá đã chạm mức thấp nhất của năm, sau một giai đoạn mà nhiều người cho rằng thị trường hẳn đã chạm đáy.
Dữ liệu từ Glassnode cho thấy những người nắm giữ Bitcoin đang ghi nhận khoản lỗ thực lên tới 1,45 tỷ USD trong tuần tính đến ngày 12/11. Đây là khoản lỗ lớn thứ tư trong lịch sử kể từ khi Bitcoin ra đời tới nay.
Theo Glassnode, “khoản lợi nhuận thực tương đối nhỏ, chỉ 83 triệu USD, cho thấy rằng phần lớn khối lượng đã chi tiêu tại thời điểm này có nguồn gốc từ các nhà đầu tư trong chu kỳ hiện tại.”
Biểu đồ Các khoản lỗ thực của Bitcoin. Nguồn: Glassnode
Các nhà đầu tư lo sợ nguy cơ lây lan từ vụ sụp đổ FTX
Grayscale Bitcoin Trust (GBTC) thuộc DCG hiện nắm giữ 633.000 Bitcoin và là một trong những thực thể nắm giữ lượng Bitcoin lớn nhất thế giới. Một công ty con khác của DCG là Genesis Trading đã tiếp xúc với FTX, và những bê bối gần đây liên quan tới FTX đã khiến bảng cân đối kế toán của Genesis lỗ 1 tỷ USD. Thực tế là Genesis đang chật vật để đảm bảo nguồn vốn. Việc Genesis phát đi tín hiệu về khả năng phải nộp đơn phá sản đang khiến các nhà đầu tư tin rằng một sự kiện ‘thiên nga đen’ tiếp theo sắp xảy ra.
Biểu đồ Lượng nắm giữ Bitcoin của Grayscale. Nguồn: Coinglass
Theo Wall Street Journal, BlockFi cũng là một công ty tập trung vào tiền kỹ thuật số đang phải đối mặt với tình trạng phá sản nếu không tìm được người mua. Đây là bằng chứng thêm nữa cho thấy hệ quả từ vụ sụp đổ FTX có thể tiếp tục lây lan sang các công ty lớn có liên quan.
Công ty công nghệ SoFi cũng đang chịu áp lực từ các cơ quan quản lý. Ủy ban Ngân hàng Thượng viện Mỹ ngày 21/11 đã cảnh báo công ty này về việc tuân thủ các tiêu chuẩn ngân hàng. SoFi được yêu cầu phản hồi trước ngày 8/12.
Có cơ hội nào để giá Bitcoin đảo chiều không?
Những bất ổn ngắn hạn trên thị trường tiền kỹ thuật số dường như không làm thay đổi cái nhìn về triển vọng dài hạn của các nhà đầu tư tổ chức. Theo giám đốc điều hành Robin Vince của BNY Mellon, một cuộc thăm dò do ngân hàng này thực hiện cho thấy có tới 91% nhà đầu tư tổ chức quan tâm đến việc đầu tư vào tài sản mã hóa trong những năm tới.
Khoảng 40% trong số họ đã đưa tiền kỹ thuật số vào danh mục đầu tư của mình, và khoảng 75% đang tích cực đầu tư vào tài sản kỹ thuật số hoặc cân nhắc làm như vậy.
Nhìn chung, trong ngắn hạn, các nhà đầu tư vẫn đang cảm thấy lo lắng sau cuộc khủng hoảng FTX và đang tích cực rút tiền khỏi Bitcoin. Bằng chứng là khoản lỗ thực của Bitcoin cùng với các vị thế Short hiện đang ngày một tăng lên.
Tuy nhiên trong dài hạn, những người tham gia thị trường vẫn kỳ vọng giá Bitcoin sẽ đi lên, đặc biệt là khi nhiều ngân hàng và tổ chức tài chính có vẻ đang chuyển sang sử dụng tiền mặt kỹ thuật số cho mục đích thanh toán, ngay cả trong bối cảnh thị trường đang đối mặt với sự hỗn loạn như hiện nay.