Theo một cuộc thăm dò của hãng Reuters công bố ngày 28/2, thị trường dầu mỏ thế giới sẽ rơi vào cảnh thiếu hụt do Nga cắt giảm nguồn cung và Trung Quốc tăng lượng tiêu thụ, do vậy, giá dầu dự báo sẽ lên tới 90 USD/thùng vào nửa cuối năm nay. Nguồn cung thiếu hụt vẫn là động lực chính đẩy giá dầu đi lên

Vào lúc 17h59 phút giờ Việt Nam, dầu thô Brent kỳ hạn tháng 4, tăng 87 xu, tương đương 1,1%, lên 83,32 USD/thùng. Trong khi đó, hợp đồng tương lai dầu thô ngọt nhẹ WTI của Mỹ tăng 1,18 USD, tương đương 1,6%, lên 76,89 USD/thùng.
Kết quả thăm dò 49 nhà kinh tế và phân tích dự báo rằng giá dầu thô Brent sẽ ở mức trung bình là 89,23 USD/thùng trong năm nay, giảm so với mức 90,49 USD/thùng trong tháng 1, nhưng vẫn cao hơn mức hiện nay đang vào khoảng 83 USD/thùng. Trong khi đó, giá dầu thô ngọt nhẹ của Mỹ (WTI) dự báo ở mức trung bình 83,94 USD/thùng, thấp hơn so với mức dự báo 85,40 USD/thùng đưa ra hồi tháng 1.
Theo một số nhà phân tích, giá dầu Brent đang trong xu hướng tăng trên 90 USD/thùng trong nửa cuối năm nay sau khi ở mức trung bình khoảng 85 USD/thùng trong quý I và 88,6 USD/thùng trong quý II do nhu cầu giảm từ các khu vực tiêu thụ nhiều dầu mỏ như châu Âu, Mỹ.

Bắt đầu từ tháng 3, Nga sẽ cắt giảm sản lượng 500.000 thùng/ngày và tiếp tục giảm tới 25% hoạt động xuất khẩu dầu từ các cảng miền Tây nước này. Nga sẽ tìm cách chuyển hướng các lô hàng dầu thô cũng như các sản phẩm tinh chế sang các quốc gia như Trung Quốc và Ấn Độ.
Theo ông Robert Yawger, nhà chiến lược về năng lượng làm việc cho Ngân hàng Mizuho, Trung Quốc sẽ tiếp tục mua sản phẩm dầu mỏ của Nga với giá giảm.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế cho biết Trung Quốc chiếm gần một nửa mức tăng 2 triệu thùng/ngày trong nhu cầu về dầu mỏ trên thế giới, có thể vượt cung sau nửa đầu năm nay và khiến các nhà sản xuất xem xét lại chính sách sản lượng của mình.
Trong một động thái khác, Giám đốc điều hành công ty dầu khí Gazprom Neft của Nga, Alexander Dyukov ngày 28/2 cho biết việc nước này sẽ cắt giảm 500.000 thùng/ngày bắt đầu từ tháng 3 là để cân bằng thị trường dầu mỏ trước tình trạng dư thừa toàn cầu. Ông Dyukov dự báo giá dầu có thể ở mức từ 80-110 USD/thùng trong năm 2023.

Trong bối cảnh căng thẳng do các biện pháp trừng phạt, lượng dầu thô nhập khẩu tăng kỷ lục từ Mỹ đã trở thành “cứu cánh” cho châu Âu, giúp lấp đầy khoảng trống về nhu cầu dầu thô cần thiết để sản xuất xăng, dầu diesel và nhiên liệu máy bay.
Công ty theo dõi hoạt động tàu biển Kpler cho biết kể từ khi Nga mở chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine vào cuối tháng 2/2022 đến nay, lượng hàng hóa vận chuyển bằng đường biển trung bình hàng tháng đến châu Âu đã tăng 38% so với khoảng thời gian 12 tháng trước đó.
Một đội tàu chở dầu cỡ lớn đã tăng chuyến dầu thô từ Mỹ đến các nền kinh tế lớn nhất của Liên minh châu Âu (EU) như Đức, Pháp và Italia. Đơn cử, công suất hút của các chuyến tàu dầu từ Vùng Duyên hải Vịnh Mexico của Mỹ (Gulf Coast) đến châu Âu mà Công ty Kpler thống kê được là 1,53 triệu thùng mỗi ngày trong tháng 1/2023. Những tháng gần đây, châu Âu tiếp tục đón dòng dầu thô từ Mỹ nhiều hơn so với châu Á.
Tăng trưởng xuất khẩu dầu mỏ trong hơn 1 năm qua trở thành dấu mốc mới nhất trong quá trình hồi sinh của ngành công nghiệp dầu mỏ Mỹ sau nhiều năm xuất khẩu suy giảm.