Trong phiên giao dịch chiều ngày 7/2, giá dầu thô đang hướng đến phiên tăng giá thứ 2 liên tiếp khi hàng loạt thông tin hỗ trợ xuất hiện, bao gồm triển vọng gia tăng nhu cầu từ Trung Quốc.

Nhiều thông tin có lợi cho đà tăng của dầu thô
Cụ thể, Vào lúc 14h00 chiều ngày 7/2 giờ Việt Nam, giá dầu thô Brent giao tháng 3/2023 tăng 0,84% lên 81,67 USD/thùng và giá dầu thô ngọt nhẹ Texas (WTI) giao tháng 3/2023 tăng 0,97% lên 74,83 USD/thùng. Giá dầu thô đang hướng đến phiên tăng giá thứ hai liên tiếp khi hàng loạt thông tin hỗ trợ xuất hiện.
Giá dầu thô còn được hỗ trợ nhờ thông tin cảng xuất dầu Ceyhan tại Thổ Nhĩ Kỳ với công suất 1 triệu thùng/ngày buộc phải ngưng hoạt động do ảnh hưởng bởi trận động đất lớn trong khu vực. Cảng Ceyhan là một trong những trung tâm xuất khẩu dầu lớn đối với dầu thô từ Iraq và Azerbaijan. Việc cảng này tạm ngưng hoạt động sẽ ảnh hưởng đáng kể đến nguồn cung dầu của khu vực này trong ngắn hạn.
Mặt khác, thông tin từ tập đoàn tài chính ANZ (Australia) cho biết dự án Johan Sverdrup – Giai đoạn 1 của Na Uy đã phải ngưng hoạt động do sự cố kỹ thuật. Với sản lượng khai thác lên tới 535.000 thùng dầu/ngày, Johan Sverdrup – 1 hiện là khu vực khai thác dầu thô lớn nhất khu vực Biển Bắc. Dự kiến khu vực khai thác này sẽ phải ngưng hoạt động từ 2 – 3 ngày để khắc phục sự cố.
Hiện thị trường đang tập trung chờ đợi phát biểu của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) ông Jerome Powell vào ngày 8/2. Bài phát biểu này được kỳ vọng sẽ đưa ra các thông tin về chính sách tiền tệ của FED trong thời gian tới.

Nhiều thông tin có lợi cho đà tăng của dầu thô
Hiện, Ấn Độ đang đóng vai trò ngày càng quan trọng trên thị trường dầu mỏ toàn cầu khi mua dầu của Nga để tinh chế rồi bán cho Châu Âu và Mỹ.
Theo công ty tình báo dữ liệu Kpler, Ấn Độ đã vận chuyển khoảng 89.000 thùng xăng và dầu diesel mỗi ngày đến New York (Mỹ) vào tháng trước, mức cao nhất trong gần 4 năm. Lưu lượng dầu diesel có hàm lượng lưu huỳnh thấp đến Châu Âu ở mức 172.000 thùng/ngày trong tháng 1, nhiều nhất kể từ tháng 10.2021.
Vai trò quan trọng của Ấn Độ dự kiến sẽ tăng lên sau khi các lệnh trừng phạt mới của Liên minh Châu Âu (EU) đối với hoạt động xuất khẩu các sản phẩm từ dầu của Nga có hiệu lực vào ngày 5.2. Do lệnh cấm, một lượng lớn dầu diesel sẽ rời khỏi thị trường, trong khi nhiều người tiêu dùng hơn, đặc biệt là ở Châu Âu, sẽ mua dầu từ Châu Á để lấp đầy khoảng trống nguồn cung. Điều đó sẽ làm cho dầu giá rẻ của Nga trở nên hấp dẫn hơn đối với Ấn Độ, quốc gia phụ thuộc vào nhập khẩu để đáp ứng khoảng 85% nhu cầu dầu thô của mình.