Ngân hàng Thế giới (WB) được thành lập vào tháng 7/1944, trụ sở chính đặt tại Washington, D.C. WB hiện có hơn 10.000 nhân viên làm việc tại hơn 120 văn phòng đại diện trên toàn thế giới.
Nội dung bài viết
1. Khái quát chung về Ngân hàng Thế giới
WB là một tổ chức quốc tế gồm có 5 cơ quan hoạt động tương đối độc lập với nhau gồm:
- Hiệp hội Phát triển Quốc Tế (IDA)
- Ngân hàng Quốc tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD)
- Công ty Tài chính Quốc Tế (IFC)
- Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA)
- Trung tâm Quốc tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID)
Tuy nhiên, nói đến WB là nói đến hai tổ chức IBRD và IDA. Mỗi tổ chức đều có vai trò riêng biệt trong cuộc đấu tranh xóa đói giảm nghèo và nâng cao mức sống của người dân các nước đang phát triển.
2. Cấu trúc của Ngân hàng Thế giới
- Hiệp hội Phát triển Quốc tế (IDA)
Là tổ chức trực thuộc nhóm WB, được thành lập năm 1960, IDA chuyên cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính cho các quốc gia nghèo nhất thế giới với mục tiêu nhằm xóa đói giảm nghèo thông qua việc cung cấp các khoản cho vay không có lãi suất (còn gọi là khoản tín dụng) cũng như các khoản viện trợ không hoàn lại cho các chương trình/dự án để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, xóa bỏ bất bình đẳng cũng như cải thiện đời sống.
IDA được tài trợ từ nguồn đóng góp của các quốc gia giàu có trên thế giới và nguồn IBRD và IFC. Ba năm một lần, WB, các nhà tài trợ và một số các quốc gia đi vay sẽ nhóm họp để quyết định bổ sung nguồn vốn cho IDA. Kể từ khi thành lập tới nay, IDA đã tổ chức 16 phiên họp để kêu gọi các nhà tài trợ góp vốn bổ sung cho hoạt động của IDA.
Tiêu chuẩn để được vay IDA tùy thuộc vào mức độ đói nghèo tương đối của quốc gia đó, được xác định theo tỷ lệ Tổng thu nhập Quốc dân (GNI) theo đầu người dưới ngưỡng quy định của WB và được cập nhật hàng năm (hiện nay ngưỡng này là 1.135 USD).
- Ngân hàng Quốc Tế về Tái Thiết và Phát triển (IBRD)
Là một tổ chức trực thuộc WB, được thành lập năm 1945, mục tiêu hoạt động của IBRD nhằm xóa đói và duy trì sự phát triển bền vững cho các nước đang phát triển có thu nhập đầu người tương đối cao thông qua các khoản vay, bảo lãnh và các dịch vụ nghiên cứu và tư vấn.
Lãi suất của các khoản vay được tính theo LIBOR và được điều chỉnh 6 tháng một lần. Thời hạn vay từ 15- 20 năm, có 5 năm ân hạn.
- Công ty Tài chính quốc tế (IFC)
Là tổ chức được thành lập năm 1956, mục tiêu hoạt động của IFC là hỗ trợ khu vực tư nhân bằng cách cung cấp các khoản vay dài hạn, đầu tư cổ phần, bảo lãnh, quản lý rủi ro và các dịch vụ tư vấn.
Lãi suất tính theo lãi suất thị trường, thay đổi theo từng nước và từng dự án. Thời hạn vay từ 3- 13 năm, có 8 năm ân hạn.
- Cơ quan Bảo lãnh Đầu tư Đa biên (MIGA)
Là tổ chức được thành lập năm 1988, mục tiêu hoạt động của MIGA nhằm giúp các nước đang phát triển thu hút đầu tư nước ngoài bằng việc cung cấp cho các nhà đầu tư nước ngoài những bảo lãnh đầu tư đối với “ rủi ro phi thị trường”. Ngoài ra, MIGA còn cung cấp các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật để phổ biến thông tin về cơ hội đầu tư…
- Trung tâm Quốc Tế về xử lý tranh chấp Đầu tư (ICSID)
Là đơn vị được thành lập năm 1966, mục tiêu hoạt động của ICSID nhằm thúc đẩy nguồn đầu tư quốc tế ngày càng tăng bằng cách cung cấp phương tiện cho việc hòa giải và trọng tài về những tranh chấp giữa các Chính phủ và các nhà đầu tư, đồng thời tiến hành nghiên cứu, xuất bản ấn phẩm trong lĩnh vực luật đầu tư nước ngoài của các nước.
3. Mục tiêu và Lợi ích của Ngân hàng Thế giới
Ngân hàng Thế giới có hai mục tiêu đã đề ra vào năm 2030:
- Chấm dứt nạn nghèo đói bằng cách giảm số người sống dưới mức 1,90 đô la một ngày xuống dưới 3% dân số toàn thế giới.
- Tăng sự thịnh vượng chung bằng cách tăng sự tăng trưởng về thu nhập ở 40% dân số thế giới.
Ngoài các mục tiêu cụ thể của nó, Ngân hàng Thế giới cung cấp cho các cá nhân và chính phủ đủ điều kiện các khoản vay lãi suất thấp, các khoản tín dụng và các khoản trợ cấp không lãi. Ngân hàng Thế giới cũng chia sẻ thông tin với các chính phủ trên thế giới thông qua các cố vấn chính sách, nghiên cứu và phân tích và hỗ trợ kỹ thuật.