Khi giao dịch forex, lựa chọn loại lệnh để giao dịch mua hoặc bán một tài sản bất kỳ là việc không hề đơn giản. Hiện nay, phần mềm MT4 cung cấp khá nhiều các loại lệnh cho nhà đầu tư lựa chọn, một lệnh cơ bản sẽ bao gồm các thông tin như tài sản cần mua hoặc bán, khối lượng giao dịch, giá thực hiện…
Mỗi loại lệnh sẽ phù hợp với một chiến lược cụ thể, giúp nhà đầu tư tối đa hóa lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Hiểu được ý nghĩa của từng loại lệnh sẽ giúp nhà đầu tư xây dựng các chiến lược giao dịch hiệu quả hơn.
Bài viết này sẽ trình bày về ý nghĩa và cách đặt lệnh của một số loại lệnh cơ bản trong đầu tư forex trên phần mềm MT4.
Nội dung bài viết
1. Lệnh thị trường – Market Order trong giao dịch forex
Lệnh thị trường là loại lệnh đơn giản và được các trader sử dụng phổ biến nhất. Lệnh này sẽ được thực hiện tại mức giá tốt nhất mà sàn forex cung cấp ở thời điểm hiện tại.
Ví dụ: cặp GBP/USD, ở thời điểm hiện tại được báo giá như sau: Bid: 1.30380, Ask: 1.30385
Khi sử dụng lệnh thị trường
- Nếu đặt lệnh Buy, giá thực hiện sẽ là giá Ask 1.30385
- Nếu đặt lệnh Sell, giá thực hiện sẽ là giá Bid 1.30380
2. Lệnh chờ – Pending Order trong giao dịch forex
Là loại lệnh không được khớp ngay với mức giá hiện tại của thị trường mà sẽ thực hiện khi giá đạt đến một mức nào đó đã được thiết lập sẵn bởi các trader.
Có hai loại lệnh chờ, đó là Lệnh giới hạn (Limit) và Lệnh dừng (Stop).
2.1. Lệnh giới hạn – Limit
Lệnh giới hạn bao gồm Buy Limit và Sell Limit.
- Buy Limit: là lệnh mua với giá thực hiện thấp hơn so với giá hiện tại của thị trường.
- Sell Limit: là lệnh bán với giá thực hiện cao hơn so với giá hiện tại của thị trường.
Ví dụ: Cặp GBP/USD có giá Bid: 1.30380, giá Ask: 1.30385
- Nếu bạn muốn mua với mức giá 1.30200, thay vì phải ngồi canh trên máy tính và chờ khi giá Ask giảm xuống đến 1.30200 và đặt một lệnh Market để mua được giá đó thì bạn chỉ cần dùng lệnh Buy Limit với mức giá 1.30200, khi giá giảm đến 1.30200, lệnh Buy của bạn sẽ được tự động thực hiện.
- Ngược lại, nếu muốn bán tại mức giá 1.31350 thì bạn cũng chỉ cần đặt lệnh Sell Limit tại mức giá đó, khi giá Bid tăng từ 1.30380 lên 1.31350 thì lệnh Sell của bạn sẽ được thực hiện mà không cần ngồi canh trên thị trường nữa.
2.2. Lệnh dừng – Stop
Lệnh dừng bao gồm Buy Stop và Sell Stop
- Buy Stop: là lệnh mua với mức giá cao hơn giá hiện tại của thị trường
- Sell Stop: là lệnh bán với mức giá thấp hơn giá hiện tại của thị trường
Sở dĩ lại có sự bất hợp lý ở đây là do các trader cho rằng nếu giá không vượt qua một mức nào đó cao hơn giá hiện tại thì khả năng giá sẽ đi ngược xuống lại (Buy Stop) hoặc nếu giá không giảm xuống một mức nào đó thấp hơn giá hiện tại thì giá sẽ đi ngược lên lại (Sell Stop)
Ví dụ: cặp GBP/USD hiện tại đang có giá Bid: 1.30380, Ask: 1.30385
- Bạn cho rằng khi giá tăng lên đến 1.30800 thì khả năng giá tăng lên sẽ cao hơn nữa, lúc này thay vì ngồi chờ giá Ask tăng lên 1.30800 để đặt lệnh Buy thì bạn sử dụng lệnh Buy Stop tại mức giá đó, khi giá Ask tăng đến 1.30800 thì lệnh Buy của bạn sẽ tự động được thực hiện
- Ngược lại, khi bạn cho rằng nếu giá không giảm đến 1.30000 thì khả năng giá sẽ đi ngược lên lại nên lúc này bạn đặt lệnh Sell Stop với giá thực hiện là 1.30000, khi giá Bid giảm từ 1.30380 xuống 1.30000 thì lệnh bán của bạn sẽ tự động được khớp.
3. Lệnh dừng lỗ, chốt lời và lệnh dừng lỗ kéo theo trong giao dịch forex
Nếu Market Order và Pending Order là các loại lệnh dùng để xác định thời điểm vào thị trường thì lệnh dừng lỗ, chốt lời và lệnh dừng lỗ kéo theo lại được dùng để thoát khỏi thị trường. Các loại lệnh này không được dùng độc lập mà bổ sung vào một lệnh khác để việc đóng lệnh được thực hiện một cách tự động.
3.1 Lệnh dừng lỗ – Stop-loss
Đây là một loại lệnh dùng để hạn chế rủi ro khi giá đi ngược lại với những gì đã dự đoán. Stop-loss giúp nhà đầu tư giới hạn được mức thua lỗ trong phạm vi cho phép. Đối với một thị trường đầy biến động như forex thì chỉ trong vòng chưa đầy một phút, giá có thể rớt xuống rất nhanh khiến bạn thua lỗ rất nặng (khi đặt lệnh Buy) nếu như không đặt stop-loss, chính vì thế đây là một công cụ rất quan trọng để quản lý rủi ro.
Ví dụ: bạn mua cặp GBP/USD tại giá Ask 1.30385.
- Với mức độ chấp nhận rủi ro của mình, bạn chỉ cho phép lệnh này thua lỗ tối đa là 30 pips. Bạn đặt Stop-loss cho lệnh đó tại mức giá 1.30085, khi thị trường đi ngược lại so với lệnh của bạn và giá giảm xuống đến 1.30085 thì lệnh của bạn sẽ tự động đóng lại và chấp nhận thua lỗ 30 pips.
3.2 Lệnh chốt lời – Take-profit
Là loại lệnh mà nhà đầu tư dùng để chốt số lợi nhuận khi giá đi đúng hướng dự đoán. Số lợi nhuận đó có thể là một khoản lời mà nhà đầu tư cảm thấy đã hài lòng cho giao dịch này hoặc có thể do nhà đầu tư dự đoán rằng tại mức giá chốt lời đó thị trường sẽ đảo chiều. Với lệnh take-profit, nếu giá chạm mức chốt lời, nhà đầu tư đã có chắc một khoản lợi nhuận trong tài khoản mà không cần lo lắng sau đó thị trường biến động như thế nào.
Ví dụ: bạn đặt lệnh Sell cặp GBP/USD với mức giá Bid 1.30380
- Với lệnh này, bạn dự định sẽ chốt lời với 100 pips. Bạn đặt take-profit tại mức giá 1.29380 khi giá đi đúng hướng dự đoán và giảm xuống đến 1,29380, lệnh của bạn sẽ tự động đóng lại, bạn lời 100 pips.
3.3 Lệnh dừng lỗ kéo theo – Trailing Stop
Đây là một dạng đặc biệt của lệnh dừng lỗ, tuy nhiên, mức dừng lỗ sẽ không cố định mà dịch chuyển cùng với giá khi giá biến động theo hướng có lợi cho nhà đầu tư
Ví dụ: bạn đặt lệnh Sell cặp GBP/USD với mức giá Bid 1.30380 và đặt trailing stop 30 pips nghĩa là mức giá dừng lỗ sẽ là 1,30680
- Nếu giá đi đúng hướng và giảm xuống còn 1,30000 thì trailing stop sẽ di chuyển theo, lúc này sẽ là 1.30300. Nếu giá tiếp tục đi xuống nữa và đạt đến 1.29700 thì trailing stop sẽ di chuyển xuống tại mức giá 1.30000.
- Giả sử lúc này giá đi ngược lên lại thì trailing stop sẽ giữ nguyên ở mức 1.30000 chứ không dịch chuyển lên theo. Khi giá tăng lên đến 1.30000 chạm mức dừng lỗ, lệnh của bạn sẽ đóng lại. Với giao dịch này bạn lời 38 pips
Xem thêm:
Biên Độ Dao Động Giá (Daily Trading Limit) Là Gì?
Cách Kiếm Tiền Khi Đầu Tư Thị Trường Chứng Khoán Mỹ