Cổ phiếu công nghệ cũng mang nhiều rủi ro như các khoản đầu tư khác mà nhà đầu tư cần chú ý. Chúng ta không thể đưa ra một danh sách đầy đủ về mọi rủi ro có thể xảy ra, nhưng dưới đây là vài rủi ro chính cần lưu ý. Đặc biệt, đây lại là một trong những lĩnh vực có nhiều đột phá và tính biến động cao, do đó, nếu không nhận định chính xác về xu thế thị trường thì nhà đầu tư khó có thể đạt hiệu quả cao. Sau đây là một số rủi ro mà các nhà đầu tư mới nên chú ý.
Nội dung bài viết
Khó dự đoán và không ổn định
Công nghệ có thể là mảng hoàn toàn không đoán trước được. Hãy tưởng tượng bạn đang đầu tư vào một công ty sản xuất ra Công cụ X tốt nhất từ trước đến giờ. Trong lúc đó, bạn không mảy may hay rằng một công ty ít danh tiếng tại California đang phát triển Công cụ Y, chắc chắn sẽ vượt xa Công cụ X khi tung ra thị trường. Khi chuyện này xảy ra, lợi nhuận bạn kiếm được từ khoản đầu tư kia sẽ nhanh chóng bốc hơi.
Đó là rủi ro lớn nhất bao trùm các loại cổ phiếu công nghệ. Các công nghệ đột phá có thể khiến các khoản đầu tư của bạn tăng vọt, nhưng tăng nhanh thì cũng có thể giảm nhanh, vấn đề là rất khó để biết khi nào và liệu điều đó có xảy ra hay không. Rủi ro này đặc biệt đáng lưu tâm đối với các công ty phần cứng và vật liệu bán dẫn.
Loại bỏ chi phí chuyển đổi cao
Trong lĩnh vực phần mềm, rủi ro lớn nhất cần lưu tâm chính là chi phí chuyển đổi. Một cách tổng quan, khi khách hàng doanh nghiệp lớn phụ thuộc vào một nhà cung cấp phần mềm duy nhất cho tất cả các nhu cầu thương mại điện tử (ví dụ như Shopify) thì chuyển đổi sẽ ít có khả năng xảy ra vì có thể gây tốn kém, mất thời gian cùng với rủi ro mất dữ liệu quan trọng.
Nhưng nếu một công ty chấp nhận chi trả cho chi phí chuyển đổi, thời gian không hoạt động được đảm bảo ở mức tối thiểu hoặc hoàn toàn không có, và cho rằng điều này sẽ không đòi hỏi phải đào tạo lại nhân viên quá nhiều, thì các chi phí chuyển đổi có thể được loại bỏ dần dần.
Bằng cách nào đó, đây là điều đã xảy ra trong lĩnh vực viễn thông. Để giữ chân khách hàng, AT&T và Verizon đã nâng phí hủy dịch vụ lên rất cao bằng cách tăng chi phí chuyển đổi. Và rồi, T-Mobile xuất hiện và đề nghị trả khoản phí đó. Các đối thủ của họ đánh mất lợi thế then chốt gần như chỉ sau một đêm.
Định giá
Cuối cùng, bạn nên biết rằng các mảng khác nhau trong lĩnh vực công nghệ có thể rất đắt đỏ. Điển hình như hiện nay, dựa trên thước đo truyền thống, cổ phiếu dựa trên SaaS đang có giá rất cao. Đó là vì họ đang dành phần lớn doanh số để tái đầu tư nhằm giành thị phần dài hạn. Nếu họ có thể giành và bảo vệ thị phần này, các nhà đầu tư sẽ hưởng lợi. Nếu không, cổ phiếu của họ sẽ chìm sâu.
Những thước đo giúp bạn đánh giá cổ phiếu
Điều này nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tìm hiểu các lợi thế cạnh tranh bền vững (moat) của các cổ phiếu công nghệ bạn đang đầu tư vào. Nói chung, các lợi thế cạnh tranh tồn tại dưới bốn hình thức:
Chi phí chuyển đổi cao: Một khi khách hàng bắt đầu sử dụng sản phẩm hoặc dịch vụ, việc chuyển sang sử dụng sản phẩm của đối thủ rất khó xảy ra. Hãy nghĩ về cách các công ty viễn thông trói chân người thuê bao bằng những hợp đồng hai năm với chi phí hủy bỏ cao như một ví dụ tiêu biểu.
Hiệu ứng mạng lưới: Điều này xảy ra khi càng có nhiều người dùng thì dịch vụ càng đáng giá. Các trang mạng xã hội là ví dụ điển hình nhất cho điều này. Chẳng có lý do gì để tham gia mạng xã hội khi chẳng ai khác dùng.
Chi phí sản xuất thấp: Công ty nào có thể tạo ra các sản phẩm có giá trị tương đồng nhưng với giá thành thấp hơn sẽ chiến thắng trong con mắt khách hàng. Ngày nay, điều này không chỉ đúng với hàng hóa thực tế mà cả với những hàng hóa ảo, ví dụ như dữ liệu.
Tài sản vô hình: Bao gồm những thứ như giá trị thương hiệu, bằng sáng chế và các các điều luật bảo vệ.
Không có thước đo tiêu chuẩn nào cho giá trị lợi thế cạnh tranh của công ty. Đúng hơn đó là một phương pháp toàn diện sử dụng cả dữ liệu và logic để đưa ra kết luận hợp lý cho bạn.
Việc nhận định xem công ty sẽ hoạt động như thế nào nếu suy thoái kinh tế phát sinh trong tương lai gần cũng rất quan trọng. Cách tốt nhất để làm điều này là đánh giá các khía cạnh sau:
- Tiền mặt tồn quỹ: Bao gồm tiền mặt, các khoản đầu tư ngắn và dài hạn
- Nợ dài hạn: Số tiền phải trả trong những năm tới
- Dòng tiền tự do: Tất cả tiền mặt có được từ các hoạt động kinh doanh, trừ chi phí vốn
Nói chung, công ty nào sở hữu nhiều tiền mặt tồn quỹ, ít nợ và có dòng tiền mạnh không chỉ có thể tồn tại qua cuộc suy thoái mà còn trở nên mạnh mẽ hơn. Đó chính là vì họ tận dụng được lợi thế giá thấp. Họ có thể mua lại cổ phiếu của mình với giá thấp hơn, thâu tóm được các công ty khởi nghiệp với giá hời hoặc đơn giản như bán hàng hóa với giá thấp hơn các đối thủ cạnh tranh.
Có rất nhiều cơ hội trong lĩnh vực công nghệ và đây là lĩnh vực luôn phát triển không ngừng. Đi kèm với nó là những rủi ro cao. Vì vậy, đứng trước những cơ hội đó có thể rất hấp dẫn, hãy đảm bảo bạn cân nhắc cẩn thận những lợi thế cạnh tranh của công ty bạn đầu tư. Bằng cách đó, bạn không những bảo vệ được đồng tiền vất vả mới có được, mà còn chắc chắn mình đang đầu tư vào những công ty vẫn tồn tại, phát triển trong nhiều thập kỷ tiếp theo. Hy vọng, những lưu ý trên đây sẽ giúp các nhà đầu tư gặt hái trái ngọt thành công trong lĩnh vực này.